Nhà đầu tư chú ý: “Cá mập” đang âm thầm thoát hàng khi thị trường hồi phục!
- Thứ tư - 13/06/2018 07:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau nhịp điều chỉnh mạnh kéo dài từ đầu tháng 4, TTCK Việt Nam đã tạo đáy tại vùng 915 điểm vào cuối tháng 5. Kể từ thời điểm đó tới nay, thị trường đã hồi phục khá mạnh và chỉ số VnIndex tăng gần 14% so với đáy lên mức 1.039 điểm vào phiên 11/6.
Có thể nói, đà hồi phục của TTCK Việt Nam những ngày qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên, lần phục hồi này dường như đang thiếu đi sự đồng thuận khi mà nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước vẫn miệt mài mua vào, còn các tổ chức trong và ngoài nước vẫn thi nhau bán ra.
Khối ngoại vẫn không ngừng bán ròng
Đầu tiên phải kể tới dòng tiền khối ngoại. Sau khi mua ròng miệt mài trong quý 1, khối ngoại đã quay đầu bán ròng kể từ đầu tháng 4. Việc khối ngoại bán ròng bên cạnh những lo ngại về lãi suất tại Mỹ gia tăng còn đến từ việc nhiều tổ chức bán ra cơ cấu danh mục nhằm chuẩn bị tiền cho những thương vụ niêm yết lớn như Vinhomes hay Techcombank.
Tuy nhiên, sau khi Vinhomes, Techcombank lên sàn, cũng như câu chuyện lãi suất tại Mỹ đã lắng xuống thì khối ngoại vẫn chưa trở lại mua ròng trên TTCK Việt Nam và thậm chí áp lực bán vẫn khá mạnh.
Khối ngoại bán ròng không ngừng trên HoSE trong giai đoạn thị trường hồi phục (từ 29/5 tới 11/6)
Tính từ phiên 29/5 (thời điểm thị trường tạo đáy) tới hết phiên giao dịch 11/6, khối ngoại đã bán ròng gần 1.200 tỷ đồng trên HoSE. Trong những đợt điều chỉnh thông thường trước đây, việc khối ngoại mua vào là yếu tố hỗ trợ thị trường hồi phục bền vững. Với lần hồi phục này, khối ngoại lại liên tiếp bán ròng và đây đang là rào cản không nhỏ cho sự đi lên của thị trường.
Quỹ ETF nội VFMVN30 cũng bán ròng
Sự bứt phá của thị trường trong quý đầu năm có sự đóng góp không nhỏ của các quỹ ETF, đặc biệt quỹ ETF nội VFMVN30. Trước đây, VFMVN30 có quy mô khá nhỏ, nhưng trong giai đoạn đầu năm nay đã liên tục phát hành chứng chỉ quỹ và quy mô tài sản có thời điểm lên tới hơn 5.000 tỷ đồng, không thua kém ETF ngoại là bao. Với quy mô lớn như vậy, hoạt động của quỹ ETF nội hiện đã có ảnh hưởng đáng kể tới thị trường.
Giai đoạn đỉnh cao của quỹ ETF nội là cuối tháng 2 khi số lượng chứng chỉ quỹ phát hành lên tới hơn 300 triệu. Sau đó, VFMVN30 đã bị nhà đầu tư rút ròng chứng chỉ quỹ cho đến cuối tháng 4 xuống còn khoảng 242 triệu chứng chỉ quỹ. Đây cũng là khoảng thời gian TTCK Việt Nam đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh.
Quỹ ETF nội cũng tranh thủ "xả hàng" khi thị trường hồi phục vào đầu tháng 6
Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, xu hướng rút ròng chứng chỉ quỹ VFMVN30 đã tạm ngưng và dần được "bơm vốn" trở lại và hoạt động này được kéo dài hơn một tháng.
Tại ngày 3/6/2018, số lượng chứng chỉ quỹ VFMVN30 đã hồi phục lên mức 273 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ sau đợt rút vốn mạnh từ cuối tháng 2. Tuy vậy, ngay sau phiên giao dịch này, xu hướng rút ròng một lần nữa quay trở lại và đến ngày 11/6, số lượng chứng chỉ quỹ ETF VFMVN30 chỉ còn 265 triệu đơn vị. Ước tính từ phiên 3/6 tới 11/6, giá trị chứng chỉ quỹ ETF VFMVN30 bị rút ra vào khoảng 121 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy ETF nội VFMVN30 đã "đi trước" thị trường một bước và quỹ này mua vào khi thị trường điều chỉnh, nhưng khi thị trường hồi phục thì bắt đầu bán ra. Áp lực bán mạnh từ ETF nội những ngày qua đang gây áp lực không nhỏ tới đà phục hồi của thị trường.
Tự doanh CTCK cũng tranh thủ "xả hàng"
Không chỉ khối ngoại hay ETF nội, ngay cả khối tự doanh CTCK cũng liên tục bán ròng trong những tuần gần đây. Theo thống kê của CTCK BSC, trong 2 tuần gần nhất (từ 28/5 – 8/6), khối tự doanh các CTCK đã bán ròng tổng cộng khoảng 766 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết. Đáng chú ý, đây cũng là khoảng thời gian TTCK Việt Nam hồi phục mạnh sau nhịp điều chỉnh sâu.
Những con số thống kê trên cho thấy dòng tiền vào thị trường lúc này phần lớn xuất phát từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong khi các tổ chức đang tranh thủ bán ra. Việc thiếu sự đồng thuận từ các nhà đầu tư tổ chức đang khiến đà hồi phục của thị trường gặp không ít thách thức.