BMSC

http://bmsc.com.vn


Ông Trương Hiền Phương (KIS Việt Nam): Nâng hạng là “từ khóa” của thị trường chứng khoán năm 2025

Dự báo về diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam đưa ra 3 kịch bản mà ở đó câu chuyện nâng hạng thị trường đóng vai trò hết sức quan trọng.
Dòng tiền khối ngoại là ẩn số
Theo ông Phương, về lý thuyết, khối ngoại sẽ không bán ròng mạnh trong năm 2025 vì thực tế đã bán ròng suốt hai năm vừa qua và đỉnh điểm là 2024, nên sẽ khó có nhu cầu bán thêm.
 
Tuy nhiên, dòng tiền ngoại năm 2025 vẫn sẽ là ẩn số, bởi chính sách mới của Tổng thống Donald Trump nhắm nhiều vào công cụ thuế quan, tạo ra cuộc chiến thuế quan giữa các nước cũng như làm cho tình hình lạm phát của Mỹ có khả năng quay trở lại.
 
Cụ thể, khi Mỹ đánh thuế các quốc gia khác có thể kéo theo hiện tượng trả đũa thuế quan, giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng lên và người tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng. Thứ hai, bản thân Mỹ xuất khẩu hàng hóa vào các quốc gia khác cũng bị đánh thuế, khiến giá hàng hóa phải tăng lên để bù đắp.
 
Như vậy, nhiều yếu tố có thể dẫn đến giá cả hàng hóa của Mỹ cao hơn trước, CPI tăng và khả năng lạm phát quay trở lại. Khi đó, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khó lòng giảm thêm lãi suất, thậm chí có thể phải ngừng giảm hoặc đảo chiều tăng nhẹ nếu lạm phát căng thẳng. Trong trường hợp này, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới sẽ phải tăng lãi suất, có thể bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 
Khi lãi suất điều hành tăng thì lãi suất thương mại chắc chắn tăng theo, qua đó hạn chế dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK), bên cạnh việc các nhà đầu tư ngoại bán ròng để rút tiền về Mỹ do nhìn thấy lợi suất USD tốt hơn.
 
Ông Phương cho rằng, trong năm 2025, cần phải quan sát chính sách của ông Donald Trump. Nếu giơ cao đánh khẽ thì khả năng bán ròng của khối ngoại sẽ rất thấp và có thể chuyển qua mua ròng, nhưng nếu Trump đánh thuế quyết liệt thì khối ngoại vẫn sẽ bán ròng, tuy nhiên không mạnh như năm 2024.
Ngược lại, cũng phải xem xét nếu TTCK Việt Nam chính thức được nâng hạng như kế hoạch, khả năng thu hút các dòng vốn lớn là rất mạnh mẽ. Dòng tiền của các quỹ đầu tư đến với thị trường Cận biên (Frontier Market) không lớn, nhưng khi nâng lên Mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market) thì quy mô quỹ từ vài tỷ USD, tương ứng gấp nhiều lần trước đây là điều dễ gặp.
 
“Tựu trung, khối ngoại có thể bán ròng không nhiều, thậm chí khả năng mua ròng trở lại sẽ tăng cao trong trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng”, ông Phương nhấn mạnh.
Chuyên gia từ KIS Việt Nam cho biết thêm, khối ngoại có thể mua ròng trở lại vào cuối quý 1 - giai đoạn TTCK Việt Nam được soát xét để đưa vào danh sách nâng hạng của FTSE Russell. Nếu không có gì thay đổi, điều này đủ trở thành thông tin tích cực để thu hút nhà đầu tư ngoại sẵn sàng giải ngân vào TTCK Việt Nam một cách bền vững.
 
3 kịch bản cho VN-Index năm 2025
Theo ông Phương, phải xem xét chính sách của chính quyền “Trump 2.0”. Nếu không quá tiêu cực, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi; khi đó VN-Index dao động trong vùng 1,350 - 1,450 điểm.
 
Trường hợp ngược lại, Trump quyết liệt trong chính sách thuế quan và xuất hiện sự trả đũa giữa các quốc gia, nền kinh tế thế giới sẽ biến động tiêu cực và Việt Nam cũng bị tác động. VN-Index lúc này dù chịu ảnh hưởng nhưng sẽ không giảm sâu, thay vào đó dao động quanh 1,300 - 1,400 điểm, nhờ hiệu ứng nâng hạng thị trường.
 
Trong kịch bản tiêu cực hơn với việc nâng hạng không kịp diễn ra, VN-Index sẽ chỉ dao động dưới 1,300 điểm.
 
Nhìn vào cơ cấu thị trường để thấy còn nhiều việc phải làm
Đánh giá về cơ cấu TTCK Việt Nam theo lĩnh vực, ông Phương cho rằng, việc thay đổi là điều nên làm để gia tăng độ hấp dẫn trong dài hạn.
 
Theo vị chuyên gia này, hiện nay việc niêm yết cổ phiếu trên các Sở Giao dịch chưa dàn trải đều trên khắp các ngành nghề, với tỷ trọng vốn hóa chủ đạo thuộc về nhóm ngân hàng và bất động sản, cho thấy sự mất cân đối. Chính phủ nên khuyến khích và thúc đẩy thêm các doanh nghiệp niêm yết với sự đa dạng các ngành nghề khác.
 
“Hiện nay, Tập đoàn Viettel có rất nhiều doanh nghiệp lớn nhưng vẫn chủ yếu ở UPCoM; Tập đoàn Vinaphone, Mobifone vẫn còn chưa niêm yết… Điểm chung là đều thuộc ngành nghề cần được đẩy mạnh niêm yết. Bên cạnh đó, lượng doanh nghiệp OTC cũng còn rất nhiều”, ông Phương chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nên xem xét, động viên, khuyến khích, hỗ trợ và có những giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn niêm yết, qua đó tạo nhiều sản phẩm hơn cho nhà đầu tư trong nước lẫn ngoài nước lựa chọn, kéo theo dòng tiền đổ vào TTCK nhiều hơn.
 
Huy Khải
 

Nguồn tin: fili.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây