4/10: Lượng cung tăng mạnh, VN-Index giảm gần 19 điểm
- Thứ năm - 04/10/2007 13:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, chỉ số VN-Index giảm 18,84 điểm (tương đương giảm 1,7%) xuống 1.087,76 điểm. (Ảnh: LAD) |
Sau khi vượt qua ngưỡng 1.100 điểm trong phiên giao dịch ngày 3/10, chỉ số VN-Index có xu hướng chững lại trong đợt giao dịch thứ 1 phiên giao dịch sáng 4/10 với khá nhiều cổ phiếu quay đầu giảm giá. Sang đợt 2, số lượng cổ phiếu blue-chips giảm giá tăng dần và tăng mạnh vào cuối phiên giao dịch.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, chỉ số VN-Index giảm 18,84 điểm (tương đương giảm 1,7%) xuống 1.087,76 điểm.
Như vậy, sau đợt tăng phi mã với tổng cộng gần 198,23 điểm (tương đương tăng 21,82%) từ đầu tháng 9, chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm do có khá nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu ra để chuyển lợi nhuận thành tiền mặt.
Kết thúc phiên giao dịch, trong số 116 cổ phiếu có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM (thêm 1 cổ phiếu mới lên sàn hôm nay là TSC), có 45 mã cổ phiếu tăng giá; 54 mã giảm giá và 19 đứng giá.
Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 giảm 300 đồng (tương đương giảm 2,4%) xuống 12.200 đồng/ccq, còn VF1 giảm 500 đồng (tương đương giảm 1,46%) xuống 33.700 đồng/ccq.
Không khí trên các sàn giao dịch của các công ty chứng khoán An Bình, Kim Long, APEC, SeABank tại Hà Nội vẫn rất sôi động. Số lượng nhà đầu tư mua vào vẫn ở mức rất cao, đặc biệt khi giá cổ phiếu giảm vào cuối phiên, khiến giao dịch thành công đạt trên 15 triệu đơn vị.
Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch (cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) trong toàn phiên đạt gần 15,43 triệu đơn vị, trị giá 1.566 tỷ đồng (riêng cổ phiếu đạt hơn 13 triệu đơn vị).
Theo các chuyên gia, việc các nhà đầu tư quyết định bán ra trong thời điểm này cũng dễ hiểu bởi mức lợi nhuận gần 22% trong vòng 1 tháng đã đáp ứng kỳ vọng của họ.
Tuy nhiên, được biết, đối với khá nhiều nhà đầu tư, đây lại là thời điểm họ giữ và tiếp tục mua thêm cổ phiếu bổ sung cho danh mục đầu tư của mình. Cơ sở quyết định của họ là niềm tin vào TTCK tập trung của Việt Nam trong bối cảnh thị trường này đón nhận hàng loạt các thông tin tốt lành, từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tới triển vọng phát triển kinh tế nói chung của Việt Nam cũng như sự ổn định về chính trị và sự năng động của các nhà lãnh đạo Việt Nam…
Niềm tin của họ còn được củng cố bởi sức mua vào mãnh liệt của các nhà đầu tư nước ngoài - những người có kinh nghiệm và tầm nhìn đầu tư hơn hẳn các nhà đầu tư trong nước. Và họ vẫn đã và đang là một trong các thế lực dẫn dắt TTCK Việt Nam kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động năm 2000.
Trở lại phiên giao dịch sáng nay, các cổ phiếu lớn giảm giá mạnh hôm nay bao gồm: Dược Hậu Giang (DHG) giảm 5%, Kinh Đô (KDC) giảm 4,85%; Sudico (SJS) giảm 4,72%; Nhà Thủ Đức (TDH) giảm 4,66%; Nhiệt điện Phả Lại (PPC) giảm 4,55%; Nhựa Bình Minh (BMP) giảm 3,78%; Vinamilk (VNM) giảm 3,54%; Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) giảm 3,17%…
Trong khi đó, một số gương mặt lớn tiếp tục tăng giá như: Đại gia bất động sản Vincom (VIC) tăng 5% lên 189.000 đồng/cp; VNE tăng 4,76%; IFS tăng 4,76%; PET tăng 4,52%; RHC tăng 2,08%; IMP tăng 1,83%…
Như vậy, có thể thấy VIC và PET là 2 gương mặt có thể nói là nổi bất nhất trong hơn 2 tuần vừa qua. Cả 2 cổ phiếu này đều mới lên sàn trong tháng 9 (VIC lên 19/9; PET lên 12/9) và gần như tăng giá liên tục từ đó tới nay.
Cổ phiếu lên sàn chứng khoán TP.HCM sáng nay (4/10) là TSC của Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ đóng cửa phiên giao dịch ở mức giá 48.000 đồng, với 9.890 cổ phần được chuyển nhượng. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với mức giá tham chiếu được đưa ra là 40.000 đồng/cp.
CTCP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ niêm yết tổng cộng 8.312.915 cổ phiếu trên sàn HOSE, tương đương vốn điều lệ là hơn 83 tỷ đồng.
TSC là một trong 5 DN có doanh số nhập khẩu phân bón lớn nhất Việt Nam. TSC dự kiến đạt 35,05 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2007 và chi trả cổ tức ở mức 32,2%.