5 kênh đầu tư chờ tiền nhàn rỗi
- Thứ năm - 25/12/2008 09:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Sắp tới, khi gửi tiết kiệm, người dân sẽ phải thích nghi với việc đem đồng tiền nhàn rỗi cất giữ an toàn là chính
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nói: “Trong điều kiện kinh tế toàn cầu suy thoái, lãi suất cơ bản của nhiều nước xuống còn 0,1% - 0,25% thì lãi suất tiết kiệm và tín dụng tại Việt Nam cần phải giảm thêm mới có thể giúp doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cạnh tranh hàng hóa ra thị trường thế giới.
Do đó, trong thời gian tới rất có thể Ngân hàng Nhà nước còn tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản”. Vì vậy, người có tiền nhàn rỗi buộc phải chọn kênh đầu tư để cho đồng tiền sinh lãi cao hơn.
Chứng khoán phải mạo hiểm
Với những người ưa mạo hiểm, thích có lợi nhuận cao, thường họ sẽ chọn kênh chứng khoán. Bởi hiện tại giá cổ phiếu đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Nhiều loại cổ phiếu hệ số P/E rất thấp và thị giá cổ phiếu chỉ bằng 30% - 40% so với giá trị sổ sách.
Tuy nhiên, trong “rừng” cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư phải biết chọn những DN trụ vững được trong cơn khủng hoảng, có đường hướng phát triển sản xuất, kinh doanh rõ ràng, doanh thu ổn định. Khi kinh tế có dấu hiệu tiến triển tích cực, chứng khoán sẽ phục hồi sớm và nhanh hơn các kênh khác.
Bất động sản phải trường vốn
Mặc dù giá bất động sản hiện đã xuống khá thấp so với đỉnh cơn sốt cuối năm 2007 nhưng vẫn cao hơn từ 50% - 80% so với đầu năm 2007.
Trong thời gian tới, khi gói kích cầu của Chính phủ được triển khai, nhà ở phổ thông sẽ có mức giá mềm hơn nên những người mua nhà ở thời điểm này sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm nhà kích cầu.
Mặt khác, do nhà đầu cơ đang cần bán nhà đất để trả nợ ngân hàng, càng tạo thêm áp lực làm thị trường đóng băng thêm nhiều thời gian nữa. Trong điều kiện đời sống, kinh tế khó khăn, tiền vốn thiếu, đầu tư vào kênh bất động sản đòi hỏi nhà đầu tư phải có trường vốn, bởi thị trường này kém thanh khoản nên khi ôm vào rồi rất khó chuyển thành tiền.
Ít “sóng” cho USD
Hiện kim ngạch xuất khẩu, nguồn kiều hối, du lịch và vốn đầu tư nước ngoài có chiều hướng giảm, làm cho cung - cầu thị trường USD có những lúc căng thẳng. Nhưng vì Nhà nước đang duy trì neo tỉ giá USD để hỗ trợ xuất khẩu và giữ giá trị nội tệ để ổn định kinh tế vĩ mô nên trong thời gian tới kênh USD sẽ khó có điều kiện để nhà đầu tư “lướt sóng”. Hơn nữa, hiện tại lãi suất tiết kiệm của USD chỉ còn khoảng 3,5%/năm, bằng khoảng 40% so với tiết kiệm VNĐ nên việc chọn lựa USD để đầu tư lâu dài tỏ ra kém hấp dẫn.
Trữ vàng khó kiếm lợi nhuận lớn
Trong nhiều tháng qua, giá vàng thế giới vẫn quanh mức 780 – 860 USD/ounce, còn trong nước quanh mức 17 triệu đồng/lượng (thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm 1.030 USD/ounce vào ngày 17-3).
Những năm trước, giá vàng thấp hơn rất nhiều so với hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng khi kinh tế thế giới ổn định trở lại thì giá vàng khó có thể tăng cao hơn nữa. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, việc mua vàng để cất trữ lâu dài có vẻ không đem lại lợi nhuận như mong muốn.
Còn đầu tư vàng trên sàn, đòi hỏi người chơi phải có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và biết chịu đựng rủi ro lớn.
Tiết kiệm sẽ quen với lãi suất thấp
Mấy tháng qua vì sống trong khủng hoảng nên tâm lý người dân thích nghi với ý niệm lãi tiết kiệm cao. Nhưng hiện nay tình hình đã đổi khác, nên sắp tới mọi người sẽ thích nghi với việc đem đồng tiền nhàn rỗi cất giữ an toàn là chính.
Vì vậy, dù lãi suất tiết kiệm xuống 5% - 6%/năm, nhiều người có tiền nhàn rỗi vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm, vì vừa có lãi vừa ít rủi ro lại nhàn hạ.
Theo Trần Phú Minh
NLĐ