Ba phương án cổ phần hóa Vietcombank
- Thứ năm - 20/09/2007 23:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mỗi phương án có ưu điểm riêng
Bản phương án CPH Vietcombank bao gồm ba nội dung chính:
Thứ nhất, giá trị sổ sách hiện tại (tức phần vốn thuộc sở hữu Nhà nước) của ngân hàng như thế nào thì vẫn giữ nguyên như thế, chỉ chào bán IPO lần đầu bằng số lượng cổ phiếu (CP) phát hành thêm, tăng vốn điều lệ. Tính vốn điều lệ (4.300 tỉ đồng) của Vietcombank hiện nay tương ứng với 70%, sẽ phát hành thêm số lượng CP mới tương ứng với 30% còn lại.
Thứ hai, vẫn giữ nguyên cơ cấu vốn như hiện nay, nhưng sau khi CPH, đại diện phần vốn Nhà nước của Vietcombank sẽ được chuyển về SCIC (Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước), chứ không phải do Ngân hàng Nhà nước quản lý như hiện nay.
Thứ ba, xác định giá trị tài sản theo thông lệ quốc tế như những doanh nghiệp Nhà nước, nhưng khác so với Bảo Việt là Vietcombank sẽ bán cổ phần cho đối tác chiến lược trước khi phát hành CP lần đầu ra công chúng qua đấu giá công khai. Việc chào bán cho các đối tác chiến lược có xác định giá cụ thể kèm theo các điều kiện hỗ trợ về mặt kỹ thuật...
Vừa qua, Vietcombank đã thuê ngân hàng Thụy Sĩ - Credit Suisse làm nhà tư vấn CPH xác định giá trị doanh nghiệp.
Nhà đầu tư trong nước khó chen chân
Xung quanh 3 nội dung chính nêu trên cũng có khá nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều chuyên gia cho rằng Vietcombank tiến hành IPO lần đầu bằng số lượng phát hành thêm CP mới là phù hợp trong điều kiện tăng vốn hiện nay của hầu hết các ngân hàng. Với vốn điều lệ là 4.300 tỉ đồng, hiện nay Vietcombank đứng thứ hai về vốn điều lệ (sau Agribank) và đứng thứ nhất về lợi nhuận sau thuế trong hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước. Do đó việc tăng vốn không chỉ là 30% (so với vốn điều lệ sau khi CPH) mà tăng gấp 2 lần so với vốn điều lệ hiện nay vẫn không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập trên mỗi CP (EPS) của Vietcombank.
Nhà đầu tư chiến lược có thể nắm 20% vốn điều lệ
Theo bản báo cáo của Phòng Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán EPS, hiện nay, Vietcombank là trung tâm thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng của trên 100 ngân hàng trong và ngoài nước. Vietcombank là ngân hàng thương mại quốc doanh được quản lý tốt nhất và thị phần tiền gửi ở Việt Nam chiếm 20% và cho vay chiếm 15%. Dịch vụ thanh toán quốc tế và thanh toán xuất nhập khẩu dẫn đầu với thị phần 30%. Tổng số lượng phát hành thẻ chiếm 40% số thẻ đang lưu hành; dẫn đầu về mảng thẻ tín dụng... Chính vì vậy mà hiện nay Vietcombank đang là đối tượng thu hút hầu hết các tổ chức đầu tư tài chính trong và ngoài nước.
Theo thông tin mới đây, trong đề án của mình, Vietcombank có đề xuất số cổ phần bán cho các NĐT chiến lược có khả năng lên tới 20% trên tổng vốn điều lệ sau khi CPH. Như vậy, với cơ cấu nắm giữ: Nhà nước 70%, cổ đông chiến lược 20% thì khả năng đợt IPO lần đầu sắp tới sẽ chỉ còn 10%. Trong khi đó, lượng sở hữu của các NĐT nước ngoài đối với ngân hàng vẫn là 30%. Với lượng CP ít ỏi này, trước sự cạnh tranh với các tổ chức đầu tư quốc tế lớn, cuộc đấu giá IPO lần đầu của Vietcombank có lẽ không dành cho các NĐT trong nước. Các NĐT chỉ trông cậy vào 1.374 trái phiếu tăng vốn chuyển đổi trước đây, sau khi Vietcombank CPH.