BMSC

http://bmsc.com.vn


“Bẫy” tự tạo…

Hà Nội chiều cuối năm, mưa phùn và rét căm căm. Bên quán “cóc” cạnh sàn SSI, 5 - 7 nhà đầu tư ngồi bàn tán, một loại “hội nghị đầu bờ” nho nhỏ. Chủ đề được đưa ra: đâu là điểm yếu nhất của dân đầu tư chứng khoán năm 2007? Chờ cho mấy cậu trai trẻ xong phần tranh hơn, tranh kém, một nhà đầu tư khá đứng tuổi buông gọn một câu: vừa rồi là năm thần hồn nát thần tính(!)

Thời gian luôn là người bạn chân tình đối với dân đầu tư chứng khoán

Có thể điểm qua những cơn sóng của thị trường năm qua. Khởi đầu là nốt thăng cao vút những ngày tháng Ba; kế đến là một quãng dài trầm buồn cho đến tận cuối quý III khi thị trường quật khởi, với đỉnh điểm là làn sóng của nhóm cổ phiếu họ nhà Sông Đà trên sàn Hà Nội. Nhưng rồi, "ngày vui ngắn chẳng tày gang" khi thị trường lại phải đón nhận một mùa Noel giá lạnh. Tóm lại là những cung bậc có thể khiến mỗi con tim yếu ớt phải run rẩy. Nhưng, vì ai nên nỗi?

Dư luận và tin đồn

Có thể khẳng định rằng, chính ta đã tự tạo áp lực cho mình và mang nặng những áp lực ấy vào mỗi quyết định mua, bán. Chỉ thị 03 ra đời - mặc dù gây bức xúc bởi tính hành chính và sự đột ngột của nó - vẫn được hầu hết tổ chức đầu tư và nhà quản lý thừa nhận rằng, đó là chiếc mũ bảo hiểm cho cả hệ thống tài chính ngân hàng, trong đó có TTCK. Và thực tế, nếu xét đơn thuần trên con số, nguồn cung tiền mà nó bịt lại không hề lớn đến mức có thể làm chao đảo thị trường như ta đã thấy. Thế nhưng, một đồn mười, mười đồn trăm… ngay cả những nhà đầu tư chẳng vay mượn gì từ ngân hàng cũng như ngồi trên đống lửa. Nghiễm nhiên, Chỉ thị 03 bị biến thành "sao quả tạ" đối với những người yếu bóng vía. Tâm sự với ĐTCK, một nhà đầu tư có thâm niên nhận xét: "Cái ghê gớm của Chỉ thị 03 không ở tính nghiêm khắc của nó, mà do thời gian "dền dứ" quá dài". Bài học đầu tiên với nhà đầu tư: hãy phân biệt rõ dư luận và tin đồn. Nếu chưa rõ thông tin là loại nào, hãy biết cách chờ đợi. Thời gian luôn là người bạn chân tình đối với dân đầu tư chứng khoán.

"Lăng kính" truyền thông

IPO Vietcombank - cuộc đấu giá hoành tráng nhất trong năm 2007 - cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết. Ai sẽ là người vui nhất? Nhà tổ chức vì đã xuôi chèo mát mái, lãnh đạo ngân hàng vì đã bán được giá hợp lý hay công chúng đầu tư vì đã mua được hàng tốt, giá không cao? Tôi thì đồ rằng, những cái thở phào nhẹ nhõm lại có địa chỉ từ sàn giao dịch chính thức. Nhà đầu tư ở bất kể giới nào và kinh nghiệm ra sao đều phải cảm khái mà rằng, chúng ta đã "chịu đựng" VCB hay đúng hơn là chịu đựng những đồn đoán xung quanh VCB nhiều quá! Kỳ vọng buổi ban đầu khi đưa VCB ra chào hàng là, "chú khủng long" này sẽ tạo sức kéo thị trường lên, nhưng không ngờ nó lại là lực đẩy xuống đối với thị trường. Vẫn băn khoăn rằng, VCB dẫu có to lớn, kềnh càng thì số lượng cổ phiếu chào bán cũng chỉ là số lẻ so với thị trường chính thức, sao "bé" lại có thể doạ "lớn" trái với lẽ thường như vậy? Câu chuyện này có trách nhiệm của giới truyền thông. Ngay cả lúc thị trường trầm lắng nhất, vẫn có không ít tờ báo cổ vũ cho "oai lực" của VCB, công chúng đầu tư gần như bị bội thực bởi luồng thông tin đếm ngược đến từng ngày bán đấu giá cổ phần của ngân hàng này. Nhiều người sính "gây sốc" còn dùng những hình ảnh như: "con ngáo ộp" hay "bóng ma" VCB… Và thật buồn là không ít nhà đầu tư non gan, sau khi đã "xuống lệnh" cắt lỗ mới nhận ra rằng, tình hình cũng chẳng đến nỗi xấu như mình vẫn tưởng…

Chợt vẩn vơ nghĩ về viễn cảnh thị trường năm mới. Dẫu tin tưởng rằng, qua cơn mưa trời lại sáng nhưng nếu nhà đầu tư vẫn giữ tâm thế này trong quyết định kinh doanh thì đôi khi những "cái bẫy" lại do chính họ tạo ra và tự mình bước vào. Theo đúng lộ trình của Chính phủ, năm 2008 chỉ cần CPH 5 doanh nghiệp lớn thôi thì sức ép đã nặng thế nào. Từ trường hợp của VCB để dự báo, trung bình mỗi "ông lớn" sẽ cần 2 tháng cho nhà đầu tư đồn đoán, dè dặt thì thị trường sẽ còn ngách nào để "mọc mũi, sủi tăm". Chưa kể, sức ép thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán cũng đang bị thổi phồng quá mức…

Khi sắp sửa hoàn thành bài viết này, một anh bạn tham gia rằng: đây là căn bệnh tự kỷ ám thị của dân đầu tư và nó rất hay "ám" người mới đến. Tôi ngẫm lại và thấy thật đúng với thị trường năm qua. Nhưng thật may, nó không phải là bệnh mãn tính và có thể chữa được bằng kiến thức và kinh nghiệm. Vấn đề là, chúng ta có đủ thời gian để tiếp nhận kiến thức và đủ "học phí" - đôi khi khá đắt - để mua lấy những bài học kinh nghiệm hay không mà thôi?

  

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây