BMSC

http://bmsc.com.vn


CPI tăng trưởng âm có đáng lo ngại?

Chỉ số giá tiêu dùng bất ngờ giảm mạnh, cầu nội địa giảm, kinh tế trên thế giới suy yếu đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nước ta…

Với mức giảm 0,76% trong tháng 11 vừa qua, tính chung chỉ số giá tiêu dùng CPI 11 tháng qua tăng 20,71% so với tháng 12/2007. Tuy nhiên việc chỉ số giá tiêu dùng bất ngờ giảm mạnh chỉ trong thời gian ngắn, cộng thêm nhiều nền kinh tế thế giới suy yếu và đi vào suy thoái đang tiềm ẩn nhiều thách thức đối với nền kinh tế nước ta. Đó là nguy cơ suy giảm kinh tế.

Điều đáng lo ngại hiện nay là tăng trưởng và xuất khẩu giảm mạnh; cầu trong nước giảm: nhiều mặt hàng thiết yếu ứ đọng như sắt, thép, xi măng, phân bón.v.v… Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phá sản và nhiều doanh nghiệp khác đứng trước nguy cơ phá sản, các làng nghề - nơi giải quyết hàng chục nghìn lao động ở khu vực nông thôn đã ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.v.v…

Tiến sỹ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Đây là lúc cần tạo niềm tin, tâm lý trong tình hình khó khăn chung. Doanh nghiệp, người dân cần Nhà nước hỗ trợ để vực dậy nền kinh tế”.

Kích cầu thế nào là hợp lý?

Do vậy giải pháp kích cầu khắc phục tình trạng giảm sút sản xuất là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên kích cầu như thế nào để thúc đẩy phát triển mà không tác động tiêu cực tới lạm phát cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo các chuyên gia kinh tế, đối tượng cần kích cầu trước tiên là nông dân, bởi nông dân có “sức đề kháng” thấp nhất trong bối cảnh nền kinh tế có những biến động. Để duy trì, phát triển sản xuất, Nhà nước cần hỗ trợ bằng giống, thủy lợi, giảm đến mức thấp nhất các loại phí còn lại, trợ cấp vốn; đồng thời giãn, khoanh, xóa nợ đối với nông dân vùng thiên tai, dịch bệnh xảy ra vừa qua.v.v… Bên cạnh đó là thúc đẩy phát triển và mở rộng những phân khúc thị trường tiềm năng ở trong nước.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, nói: “Đây là thời điểm tốt để thúc đẩy đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ tiềm năng, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình, ví dụ như phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Hiện nay nhu cầu nhà ở với mức giá trung bình 500 triệu là rất lớn và có thực, nhưng thực tế số lượng nhà cao cấp, biệt thự lại quá nhiều. Một số lĩnh vực khác cũng cần được ưu tiên phát triển như giáo dục, y tế; sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu.v.v…”

Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu giảm là cơ hội tốt để thúc đẩy hoàn thiện các công trình cấp bách và trọng điểm của nền kinh tế. Ví dụ như sắt thép, các vật liệu xây dựng ứ đọng và đứng giá ở mức khá thấp so với hồi đầu năm đang là cơ hội tốt để các chủ đầu tư công trình công ích, giao thông, cơ sở hạ tầng đẩy nhanh hoàn thiện với giá thành và chi phí thấp hơn so với hồi đầu năm. Việc làm này không những giải quyết lượng hàng tồn kho lớn đang ứ đọng trong các doanh nghiệp mà còn giúp đưa các công trình thiết yếu vào hoàn thành, phục vụ phát triển kinh tế.

Nâng cao công tác dự báo để điều hành chính xác

Một vấn đề khác đặt ra là để có những điều hành, quyết định đúng, kịp thời thì công tác dự báo, có những nhận định xác đáng về bối cảnh kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích: Ở nước ta, cho đến nay, năng lực dự báo, cả ở cấp điều hành vĩ mô lẫn quản trị vi mô, đều còn yếu. Đồng thời, năng lực tiếp nhận cảnh báo và chuyển hóa nó thành phản ứng chính sách kịp thời cũng thấp.

Chính phủ đã từng nhận định rằng, sự yếu kém này là một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô vừa qua. Bài toán đặt ra là cần phối hợp một tầm nhìn dài hạn cùng các quyết sách lớn với việc áp dụng những biện pháp tháo gỡ để đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng bất ổn hiện nay như thế nào.

TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần có sự nghiên cứu căn bản kết hợp với những cuộc thảo luận mở, những cuộc đối thoại chính sách thẳng thắn thu hút sự tham gia rộng rãi và nhiệt tình của các nhà khoa học, doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách. Đây là việc đặt ra cho các cơ quan Chính phủ, Viện nghiên cứu, Hiệp hội doanh nghiệp”.

Tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung mọi nỗ lực, mọi biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế; hỗ trợ sản xuất kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng hợp lý.

Thủ tướng cũng đưa ra 5 gói giải pháp đồng bộ để ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong đó nhấn mạnh tới giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tập trung giải quyết dứt điểm những thủ tục còn phiền hà, giảm đến mức thấp nhất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường chăm lo cho đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, lũ lụt không để bị thiếu đói.

Đây là những giải pháp cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của doanh nghiệp để vượt qua khó khăn trước cuộc khủng hoảng kinh tế đang lan rộng toàn cầu./.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây