Cần giúp thị trường hiểu rõ mục đích của SCIC
- Thứ ba - 03/06/2008 10:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Tính từ đầu năm tới ngày 2/6/2008, chỉ số VN-Index đã mất tổng cộng 519,08 điểm (tương đương giảm 55,99%) và trở thành thị trường chứng khoán có mức giảm mạnh nhất trên thế giới. (Ảnh: LAD) |
SCIC phải thể hiện rõ mục đích của mình là gì
Theo đó, SCIC phải thể hiện rõ mục đích của mình là mục đích chính trị, chiến lược, tài chính hay quản trị trong khi tham gia thị trường.
Sở dĩ vấn đề này được đặt ra là do trong thời gian vừa qua, SCIC phải đóng các vai trò khó và nhạy cảm, ví dụ như bình ổn thị trường. Trong một vài trường hợp, các vai trò của SCIC là khác nhau và mâu thuẫn với nhau, chẳng hạn như vai trò hỗ trợ thị trường có thể không cho phép đạt được kết quả đầu tư tốt nhất.
Như đã biết, với việc thị trường trong thời gian gần đây suy giảm mạnh, trong nỗ lực hỗ trợ thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo SCIC tham gia vào thị trường chứng khoán.
Cụ thể, với nhận định sự suy giảm vừa qua tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển của thị trường tài chính, ảnh hưởng đến giá trị phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thì với vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, SCIC đã chính thức tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, SCIC cho biết đã chính thức mua vào cổ phiếu trên 2 sàn Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh từ ngày 7/3/2008, với các tiêu chí là cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, làm ăn hiệu quả, tính thanh khoản cao. Bên cạnh đó các cổ phiếu có tác động tích cực đến thị trường và đảm bảo hoạt động của SCIC cũng là những mục tiêu mà SCIC đề ra.
Bí ẩn mang tên SCIC
Tuy nhiên, cho đến nay thì con số cụ thể về hoạt động này cho đến nay vẫn chưa được công bố.
SCIC cho biết, để bảo toàn giá trị phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp SCIC sẽ chủ động điều chính tiến độ thoái vốn đầu tư để hạn chế các tác động tâm lý không thuận lợi đối với thị trường.
SCIC là một tổ chức tài chính đặc biệt, hoạt động như một tập đoàn đầu tư tài chính trong nền kinh tế thị trường. Nó có trách nhiệm đảm bảo đồng vốn Nhà nước được đầu tư, quản lý, và kinh doanh có hiệu quả nhằm bảo toàn và phát triển.
Bên cạnh đó, mục tiêu của SCIC là giúp doanh nghiệp cải thiện mô hình quản trị, tạo lòng tin cho thị trường thông qua việc tạo ra hàng hóa có chất lượng (phản ảnh đúng giá trị thực của doanh nghiệp) giúp thị trường chứng khoán phát triển lâu dài.
Tài sản của SCIC là rất lớn nhưng chủ yếu là cổ phiếu của các doanh nghiệp, còn lượng tiền mặt lại khá hạn chế. Cổ phiếu giải chấp và Repo có giá trị tới hàng chục nghìn tỷ.
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, năm 2007, SCIC đạt doanh thu 1.150 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.041 tỷ đồng.
Đến hết năm 2007, SCIC nhận bàn giao vốn nhà nước tại 845 DN với số vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao là 7.472 tỷ đồng. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương đã chuyển giao vốn tại 137 DN với số vốn tại thời điểm bàn giao là 4.714 tỷ đồng; các tỉnh, thành phố là 708 DN với số vốn tại thời điểm bàn giao là 2.758 tỷ đồng. SCIC đã bán phần vốn nhà nước tại 34 công ty với giá trị 73 tỷ đồng, thu về cho Nhà nước 390 tỷ đồng.