BMSC

http://bmsc.com.vn


Cần phân biệt giá cao và lạm phát

Bắt đầu từ năm 2004, lạm phát của Việt Nam đã tăng cao hơn mức trung bình của nhiều năm trước thì đó cũng là lúc bắt đầu của những tranh luận về nó cho mãi đến bây giờ.

Có ba nhóm ý kiến chính:

Thứ nhất, lạm phát cao bắt nguồn từ tỷ trọng của một số hàng hoá thiết yếu trong rổ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là quá cao và có thể đã lỗi thời. Ví dụ nhóm lương thực thực phẩm chiếm đến 47,9% trong cơ cấu tính CPI. Và vì thế cần thay đổi lại tỷ trọng này.

Nếu thế thì nền kinh tế không có vấn đề gì phải lo ngại. Lạm phát chẳng qua là do cơ quan thống kê tính nhầm và giải pháp là sửa cách tính toán đó.

Hoặc giả, cho dù đã tính đúng, chúng ta cần một chỉ số giá hoàn hảo hơn để biết chính xác lạm phát của nền kinh tế biến động như thế nào, thì cần phải có một chỉ số gọi là lạm phát cơ bản (core inflation).

Chỉ số này loại trừ đi những ảnh hưởng biến động bất thường hoặc mùa vụ của các hàng hoá quan trọng như lương thực thực phẩm hay dầu mỏ để thấy được xu thế chính của lạm phát. Nhóm ý kiến này không còn được ủng hộ mạnh bởi vì cơ cấu rổ hàng hoá trong CPI của Việt Nam không khác gì những nước có trình độ phát triển, chẳng hạn như Ấn Độ, và thậm chí là Thái Lan. IMF cũng tính toán lạm phát cơ bản của Việt Nam và thấy rằng nó vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Thứ hai, lạm phát bắt nguồn từ những cú sốc ngắn hạn, chẳng hạn như giá dầu trên thế giới tăng cao và từ đó dẫn đến các sản phẩm có liên quan đến dầu cũng tăng cao, ví dụ như thép, sợi, xi măng… và nó làm cho lạm phát tăng. Thế nhưng, nhóm ý kiến này không thể trả lời được rằng, tại sao các nước lân cận, cơ cấu sản xuất cũng khá giống Việt Nam, chẳng hạn như Thái Lan, Trung Quốc cũng đối diện với tình hình giá dầu cao như chúng ta thì họ không gặp phải vấn đề lạm phát? Hơn nữa, nếu là một cú sốc về giá dầu thì giá cả chỉ tăng lên một lần chứ không thể nào kéo dài mãi gần bốn năm như vậy.

Thứ ba là bắt nguồn từ lượng tiền tăng lên nhanh chóng từ chương trình kích cầu của chính phủ kể từ sau khủng hoảng tài chính của các nước Đông Á năm 1997 và gần đây là một lượng lớn ngoại tệ đổ vào Việt Nam. Cho dù thâm hụt ngân sách của Việt Nam luôn được giữ ở mức thấp hơn 5% theo cam kết với IMF nhưng tỷ trọng đầu tư của Việt Nam lại là một trong những nước cao nhất thế giới (39,4% của GDP).

Sự không độc lập của Ngân hàng Nhà nước đã ủng hộ thêm lập luận rằng chính họ đã “tài trợ” cho ngân sách của chính phủ và từ đó làm tăng khối lượng tiền trong lưu thông. Việc kiềm giữ để đồng Việt Nam không tăng giá nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cũng đã làm cho khối lượng tiền trong lưu thông tăng lên trong bối cảnh dòng vốn FDI đang ào ạt đổ vào.

Đây là lập luận có tính logic cao nhất vì lạm phát luôn là một hiện tượng của tiền tệ. Nếu giá cả hàng hoá này tăng, thì giá cả hàng hóa khác phải giảm vì người dân sẽ thay đổi cơ cấu tiêu dùng của mình trong khoản tiền nhất định mà họ có. Trừ phi, số tiền đó tăng lên thì tất cả giá cả mới tăng lên được. Vì vậy, nguyên nhân từ tiền tệ thì phải có giải pháp từ tiền tệ.

Việc thuế suất cao chỉ gây ra mức giá trong nước cao hơn mức giá thế giới chứ không thể tạo ra sự tăng giá để rồi lạm phát. Chính phủ có thể giảm thuế để giúp giảm lạm phát, nhưng nó chỉ có tác dụng trong nhất thời chứ không giải quyết được căn cơ

Gần đây lại có lập luận rằng, thuế suất nhập khẩu của Việt Nam đang cao và nó như là một nguyên nhân của lạm phát. Lập luận này là một nhầm lẫn cơ bản. Việc thuế suất cao chỉ gây ra mức giá trong nước cao hơn mức giá thế giới chứ không thể tạo ra sự tăng giá để rồi lạm phát. Lạm phát là sự tăng lên liên tục của giá cả tổng quát trong nền kinh tế.

Một cách cẩn thận, lý thuyết kinh tế phải nhấn mạnh đến sự liên tục để loại trừ sự tăng giá chỉ là một cú sốc nhất thời. Thuế suất cao không ảnh hưởng gì đến việc tăng giá này. Ví dụ, nếu thuế suất nhập khẩu là 1.000% thì người dân trong nước phải trả cho món hàng nhập khẩu với mức giá cao gấp 10 lần giá thế giới chứ không phải là hàng năm giá của hàng hoá đó tăng lên 10 lần được.

Khi hội nhập, thuế suất nhập khẩu theo thời gian là giảm xuống. Điều này không có nghĩa là lạm phát theo thời gian cũng sẽ thấp dần. Không cần chứng minh bằng số liệu, chúng ta cũng có thể hình dung rằng, thuế suất nhập khẩu trung bình của Việt Nam trong những năm trước năm 2004 chắc chắn là cao hơn bây giờ, thế nhưng trong thời gian đó có lúc (năm 2000) Việt Nam đang giảm phát (-1,6%). Hình bên dưới, một lần nữa mô tả rõ điều này.

Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi rất nhanh vì những cam kết thương mại với bên ngoài. Chính vì thế, các biến động kinh tế, nhất là giá cả, lan truyền vào bên trong nội địa nhanh chóng hơn. Cùng với điều này, những cải cách thị trường bên trong (cũng bắt nguồn từ các cam kết quốc tế) như giảm bớt độc quyền và trợ cấp của chính phủ… Tất cả điều này tạo ra sự phức tạp khi phân tích một hiện tượng vĩ mô nào đó, chẳng hạn như lạm phát.

Tuy nhiên, những trục trặc trong nền kinh tế đều có công cụ sửa chữa riêng của nó. Chính phủ có thể dùng công cụ thuế khoá của mình để giúp giảm lạm phát, nhưng nó chỉ có tác dụng trong nhất thời chứ không giải quyết được căn cơ.

Nguy hại hơn, giảm thuế lại là nguyên nhân của lạm phát trong tương lai. Giảm thuế hay tăng chi tiêu chính phủ chỉ là hai mặt của một vấn đề. Trong ngắn hạn, nó tạo ra tăng trưởng thu nhập, trong dài hạn nó làm tăng lạm phát. Giảm thuế nhập khẩu, cho dù theo lộ trình hội nhập hay là vì mục tiêu nào đó của chính phủ là một câu chuyện khác, cần một phân tích khác, nó không có nhiệm vụ giảm lạm phát.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây