Căng thẳng cuộc chiến giành thị phần - Thượng đế lên ngôi
- Thứ năm - 20/09/2007 16:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mọi thứ nay đã khác, "sao đã đổi ngôi", vị thế đã được hoán đổi đúng nghĩa "khách hàng là thượng đế". Vào thời điểm TTCK "đỏ lửa", nhiều CTCK đang thi nhau "nịnh" thượng đế.
Bảo bối thu hút khách hàng
Hàng loạt CTCK trang bị phòng lạnh, ghế nệm... cho khách hàng đến giao dịch. Nhiều sàn còn hậu đãi "thượng đế" bằng kẹo, bánh, cafe, phát miễn phí bản tin thị trường, liên tục tổ chức những cuộc hội thảo giúp NĐT nâng cao trình độ cũng như hiệu quả trong đầu tư...
Nhưng nóng bỏng hơn cả là cuộc chiến giành thị phần thông qua chiêu bài giảm phí. Tất cả các CTCK lớn nhỏ lần lượt vào cuộc. Đỉnh điểm của cuộc đua giảm phí giao dịch giữa các CTCK tập trung từ đầu tháng 9, nhân dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9....
Theo thông lệ, phí quy định giao dịch cho NĐT là 0,5% trên giá trị giao dịch. Nhưng, thời gian này, mức giảm phổ biến từ 1/2 phí giao dịch hiện hành; một số miễn phí 100%. CTCK Việt Tín còn tặng 5 triệu đồng cho khách hàng mở tài khoản giao dịch tại công ty và trừ dần vào phí giao dịch... Không dừng lại ở đó, vừa qua, CTCK APEC Hà Nội tuyên bố miễn phí giao dịch cho các mã cổ phiếu mới niêm yết trong tháng 9 và tháng 10.
Mặc dù thừa nhận hoạt động của các sàn giao dịch ở thời điểm này là rất khó khăn do giá trị giao dịch giảm nhưng đại diện của một số sàn giao dịch cho biết, việc giảm phí giao dịch là cách quan trọng để lôi kéo khách hàng.
Hệ lụy
Việc một số CTCK quyết định miễn phí giao dịch đối với những CP mới niêm yết trong tháng 9 và tháng 10 được coi là động thái tích cực nhằm thu hút sự quan tâm của NĐT đối với các CP này. Song chính đơn vị này đã không tính đến những hệ lụy từ quyết định của mình đối với giá CP. Chính yếu tố "kích cầu" này sẽ tạo nên những rủi ro nhất định cho cả NĐT lẫn công ty có CP niêm yết.
Việc miễn phí như vậy sẽ tạo ra tiền lệ xấu, khiến thị trường CP mất đi tính bình đẳng trong giao dịch. Rủi ro đầu tiên chính là giá CP, điều mà các CTCK sẽ khó lường trước, khi cán cân bình đẳng giữa CP mới và hệ thống CP cũ bị phá vỡ. Khi giao dịch CP mà không bị mất phí, các NĐT có thể dễ dàng đầu cơ chính những CP mà họ muốn sở hữu. Đó là còn chưa kể nguy cơ làm giá sẽ tăng cao ở môi trường phí giao dịch bằng 0%.
Như một hệ lụy lôgic, những CP được giảm phí hoặc miễn phí giao dịch đương nhiên sẽ có khối lượng rất lớn trong thời điểm các CTCK khuyến mãi. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, những mã CP này chưa hẳn đã tốt hơn những mã CP đã niêm yết trước đó.
Xu hướng đổ xô vào các "CP giảm phí" sẽ khiến cho thị trường không tránh khỏi tổn thương bởi những lỗ hổng vô hình mà NĐT tạo ra rất nhiều. NĐT sẽ tỏ ra thích thú với lợi ích trước mắt nhưng mặt khác sẽ có không ít người chịu thiệt thòi bởi sự loạn xạ trong việc xác định giá trị và khối lượng CP mới.
Vào thời điểm hiện tại, có thể đánh giá NĐT đã chuyên nghiệp hơn, có tầm nhìn cao hơn so với giai đoạn đầu tiếp cận TTCK, tuy nhiên vẫn còn nhiều NĐT theo tâm lý số đông, theo những lợi ích nhỏ nhặt nhất mà quên mất đâu mới thực sự là cái họ cần.
Theo một chuyên gia CK, cạnh tranh phí giao dịch là một hạn chế. "UBCK cần xem xét để những biện pháp kinh doanh của CTCK không gián tiếp làm ảnh hưởng đến thị trường". Thay vào đó, các cty cần cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và công nghệ; đó cũng là cuộc cạnh tranh lâu dài, để cùng phát triển.
Sẽ có đề án quản lý phí
Trong bối cảnh các CTCK đang phải cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần, không ai ngạc nhiên khi họ luôn tung ra thị trường muôn vàn chiêu thức để "dụ" khách hàng. Tuy nhiên, "cuộc đua" giảm phí sẽ khó trở thành giải pháp "hút" NĐT lâu dài.
Tại cuộc họp giao ban dự kiến chương trình công tác tháng 9 của Bộ Tài chính, nhiệm vụ đặt ra cho UBCK là sớm hoàn thiện đề án về chính sách phí, lệ phí đối với các đối tượng tham gia thị trường, trong đó có phí giao dịch. "Đề án của chúng tôi sẽ đề cập đến cả mức trần và sàn về phí giao dịch.
Theo đó, áp sàn mức phí giao dịch để tránh cạnh tranh không lành mạnh", ông Vũ Bằng- Chủ tịch UBCK NN cho biết. Ông Bằng cũng nhấn mạnh, các CTCK cần cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và công nghệ, thay vì phí giao dịch, bởi đó mới là giải pháp bền vững. Và nếu chất lượng dịch vụ đã tốt, các CTCK tiếp tục cạnh tranh về phí giao dịch thì NĐT sẽ là đối tượng được hưởng lợi.