Cánh cửa hẹp?
- Thứ năm - 10/01/2008 16:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN khống chế dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán ở mức không quá 3% tổng dư nợ cho đến thời điểm này vẫn còn là câu chuyện nóng.
![]() |
Sự tháo gỡ triệt để những vướng mắc trong kinh doanh bất động sản dường như vẫn chưa được đưa ra…
|
Có thể có nhiều lý do để những văn bản đang soạn thảo này bị đưa vào vùng cấm tạm thời đối với báo giới, song đứng từ góc độ doanh nghiệp, vấn đề quan trọng là với quy định này, quy trình soạn thảo văn bản pháp luật theo hướng mở, có sự tham gia của các đối tượng liên quan ngay từ ban đầu, đặc biệt là cơ chế đánh giá tác động của văn bản, chính sách ngay từ ý tưởng mà cộng đồng doanh nghiệp đang đề nghị, sẽ rất khó thực hiện.
Cũng phải nhắc tới những bất ổn xảy ra đối với hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp sau khi một số văn bản được ban hành. Có văn bản sửa đổi đến vài ba lần vẫn vướng, như quy định liên quan đến đầu tư xây dựng công trình. Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN khống chế dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán ở mức không quá 3% tổng dư nợ cho đến thời điểm này vẫn còn là câu chuyện nóng. Nghị định 153/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản ra đời sau gần 10 tháng “treo” cứng hoạt động kinh doanh vốn đang sôi động lại tiếp tục tạo nên những rào cản mới liên quan đến chứng nhận vốn pháp định. Cho tới thời điểm này thì những tháo gỡ triệt để dường như vẫn chưa được các cơ quan liên quan đưa ra… Hy vọng rằng, mọi việc đang trong giai đoạn bàn thảo nội bộ!
Vào thời điểm hiện nay, những kiến nghị liên quan đến cải thiện và nâng cao chất lượng quy trình xây dựng văn bản pháp luật từ giới nghiên cứu kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang rất mạnh mẽ. Lý do là hiện nay, việc sửa đổi pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được thực hiện. Cơ hội để có những ý tưởng mới, góp ý vào nội dung dự thảo… đang mở ra rất lớn. Và những kỳ vọng về cải thiện hoạt động này cũng như tạo nên cơ chế mới trong tham vấn, kiểm soát và giám sát chất lượng nội dung chính sách đang được coi là động lực tạo nên sự chuyển biến về chất trong môi trường chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh của Việt Nam.
Đã có chuyên gia nghiên cứu kinh tế bình luận rằng, với những hướng dẫn mới về cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo hướng này, cánh cửa để cộng đồng doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu chính sách độc lập… tiếp cận với các ý tưởng chính sách mới đang bị hẹp dần. Vị chuyên gia này cũng lo ngại rằng, nếu cách tư duy trong xây dựng chính sách mang tính áp đặt quản lý từ phía nhà nước, thì khả năng để các doanh nghiệp thay đổi những nội dung liên quan đến ý tưởng, nội dung chính của dự thảo văn bản sau khi đã được các cơ quan soạn thảo coi là “hòm hòm” sẽ rất thấp. Thậm chí, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia nghiên cứu, đã từng thốt lên rằng, các doanh nghiệp mất rất nhiều công sức để nghiên cứu và góp ý cho cơ quan soạn thảo nhưng khi nhìn lại, chẳng mấy ý kiến được tiếp thu và cũng không có giải trình nào về lý do không tiếp thu cả.
Tất nhiên, lo ngại về “cánh cửa hẹp” hiện vẫn chỉ là lo ngại. Vì thực ra, chưa nhiều các hướng dẫn tương tự được đưa ra. Các chuyên gia nghiên cứu bình luận rằng, có thể có sự khác biệt trong xác định dự thảo văn bản chính sách thuộc vùng cấm tạm thời. Do đó, nên có sự phân loại rõ ràng theo hướng các dự thảo văn bản chính sách, đề án liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, tới hoạt động của doanh nghiệp không thuộc phạm vi hạn chế này. Không những thế, việc tham vấn ý kiến rộng rãi giới đầu tư, kinh doanh và nghiên cứu từ ý tưởng chính sách cũng nên được cân nhắc trong quy trình ban hành văn bản, chính sách pháp luật. Cánh cửa có hẹp hay không đang phụ thuộc rất nhiều vào tư duy và hành động chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, của các cấp chính quyền địa phương…