BMSC

http://bmsc.com.vn


Cắt giảm nhân viên để tự cứu mình

Những ngày này, ở nhiều Cty chứng khoán, mối quan tâm lớn nhất của HĐQT và Ban giám đốc là làm sao cắt giảm tối đa chi phí, có tiền chi trả lương nhân viên, thuê mặt bằng...

Nhân viên công ty chứng khoán cũng vắng bóng dần cùng nhà đầu tư. Ảnh: Hồng Vĩnh

Với nhiều nhân viên khát vọng lớn nhất là đừng bị “sa thải” và không “nợ” tiền đầu tư chứng khoán. “Thời hoàng kim” của CTCK giờ đã lùi sâu vào dĩ vãng!

Hà Nội: Những sàn giao dịch không có nhà đầu tư

10 giờ sáng... Sàn giao dịch phía Bắc Cty chứng khoán Đông Á trên tầng 2 một toà nhà ở phố Quang Trung (Hà Nội) vắng hoe. Tôi nhẩm đếm: có 9 nhà đầu tư đang ngồi cách xa nhau trên các hàng ghế mềm.

Chỉ trừ hai người đang lặng lẽ ngước mắt ngắm nhìn dòng chữ và số đang trôi tẻ nhạt trên bảng giao dịch, hai tốp nhà đầu tư còn lại đang rôm rả bàn chuyện sắp tăng giá các mặt hàng.

Tòa nhà 9 tầng bên cạnh nơi có tổng hành dinh của ba Cty chứng khoán. Còn nhớ, vào năm 2007, mấy tầng hầm để xe của tòa nhà này thường cũng chật ních, sảnh ra vào 2 thang máy lúc nào cũng tấp nập người chờ, thế mà giờ chỉ 1 phút sau khi nhấn thang, đã thấy mình chễm chệ bước vào tầng 3- CTCK Quốc tế.

Căn phòng rộng khoảng trăm mét vuông, thay cho không khí ngột ngạt hầm hập hơi người ngày xưa, bây giờ trở nên không thể thoáng đãng hơn.

...Bước chân sang sàn CTCK Hoàng Gia đoạn tấp nập của con phố Nguyễn Du, gần 11 giờ trưa, chỉ nán lại 2 nhà đầu tư là phụ nữ và cánh truyền hình VTC.

“Sàn vắng quá, bên truyền hình toàn phải quay màn hình, đợi đến chiều khi lớp phân tích về diễn biến thị trường của chúng tôi mở ra, có đông nhà đầu tư hơn họ mới đến quay lại để ghép hình” - Phụ trách marketting của Cty cho hay.

Câu chuyện về những “mất mát” từ chứng khoán được chúng tôi khởi xướng khiến hai nhà đầu tư và mấy nhân viên trên sàn bàn tán rôm rả. Bác H kể sáng nay vừa chia tay với một bà bạn.

“Bà ấy mở tài khoản bên CTCK Quốc tế, vốn liếng đổ vào đó chừng 1 tỷ đồng; cứ cầm cố mãi, hôm nay sau khi bán hết rút ra chính thức còn tròn 40 triệu đồng”- Bác H nói.

Bên cạnh, chị V cũng dẫn chứng cụ thể tên một nhà đầu tư trên sàn Tràng An.“Cũng 1 tỷ đồng vốn ban đầu, mà hôm nay sau khi trừ nợ vay, cầm cố còn 40 triệu đồng em ạ” - Giọng chị V chua xót.

Hết thời, đi về đâu? 

Theo thống kê của UBCKNN, hiện tại có 91 CTCK đã được cấp giấy phép, và phần lớn trong số đó đã đi vào hoạt động. Một thống kê từ báo cáo quý I/2008 của các CTCK gần đây cho thấy: Hơn 50% số CTCK đang hoạt động đã rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, số còn lại theo tìm hiểu thực tế, không ít đang “sống cầm chừng”.

Hiện tại chi phí của 1 CTCK có quy mô trung bình với các danh mục (như: tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, thuê đường truyền, chi phí trà nước...) tối thiểu ngót 1 tỷ đồng/tháng (những Cty có nhiều đại lý nhận lệnh còn lớn hơn rất nhiều).

Số tiền này, theo Phó Giám đốc một CTCK, nếu cứ tính nguồn thu từ phí giao dịch 0,2%/lần bán - mua thì để có tiền trang trải chi tiêu hàng tháng, một CTCK phải khớp được tổng số lệnh trị giá 10 tỷ đồng/ngày (gần 100 CTCK tương ứng với thị trường giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng/phiên trước kia - PV).

Còn nhớ, cách đây hơn 1 tháng, Tổng Gám đốc một CTCK đặt sàn giao dịch tại một con phố ngay gần kề trung tâm Hồ Gươm Hà Nội khi mới khai trương đã rất tự tin khẳng định, thị trường hiện đang là “cơ hội” để những Cty mới “nhảy” vào mảng tự doanh, nhưng bây giờ được biết những thành viên sáng lập đang phải xót xa bỏ ra mỗi tháng 1 tỷ đồng để “nuôi” Cty hoạt động.

Một nhân viên bộ phận marketing CTCK VNS cho hay, tại Hà Nội thì chưa nhưng tại các tỉnh như Gia Lai, Đồng Nai, Nghệ An, Cty đưa ra nhận định tự tin kể trên đã phải cắt giảm nhân sự khá nhiều.

Sa thải bớt nhân viên, cắt giảm lương từ 30-50%, cho nhân viên làm việc theo ca, chuyển hướng từ trông vào nguồn thu môi giới sang các mảng khác đang là điều mà những CTCK đang phải làm để tự cứu mình.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền phong, không phải CTCK nào cũng đủ lực chờ hoặc có chỗ “chống lưng” (thường là của các NHTM hoặc các tập đoàn lớn) để vượt qua cơn “đại hồng thủy” của TTCK.

Cho đến thời điểm này, để tồn tại, khá nhiều CTCK đã phải chấp nhận và lựa chọn con đường bán lại cổ phần cho các đối tác nước ngoài. Có thể kể đến một số thương vụ mua bán gần đây như việc Cty tài chính Morgan Standley mua cổ phần của CTCK Hướng Việt và đổi tên thành CTCP chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt, Ngân hàng RHB (Malaysia) mua cổ phần của CTCK Việt Nam.

Còn về thông tin Golden Bridge mua 49% cổ phần của CTCK Nhấp & Gọi, được biết thủ tục chuyển nhượng cổ phần đã gần như hoàn thành và hồ sơ của Nhấp và Gọi đã được chuyển lên UBCKNN đầu tuần này.

Trước bối cảnh thị trường đang ảm đảm, thanh khoản bị ngưng trệ dẫn đến việc hàng loạt các CTCK khó khăn về nguồn thu, thua lỗ về tự doanh... vừa qua UBCKNN đã phải có một văn bản gửi đến những đơn vị có hồ sơ xin thành lập CTCK với đề nghị rút hồ sơ.

Chiều 3/6, trao đổi với Tiền phong bà Bùi Thị Thanh Hương, Trưởng ban kinh doanh cho biết, đã có một số tự nguyện rút hồ sơ về nhưng hiện tại vẫn còn khoảng 10 hồ sơ xin cấp phép đặt trên bàn UBCKNN.

“Thị trường ảm đạm như vậy, làm sao chúng tôi có thể cấp thêm giấy phép hoạt động cho các CTCK mới ra đời” - Bà Huơng nhấn mạnh. 

Đại diện các Cty chứng khoán nói gì? 

* Ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI): “Không giảm lương nhưng giảm nhân sự...”

Hiện, hàng tháng SSI vẫn có lãi và không hề lỗ (dư nợ đi vay bằng 0) nhưng tất nhiên “lãi” không thể nào như ngày trước. Nếu năm 2007, lãi mỗi tháng khoảng 100 tỷ đồng thì giờ 20 tỷ là “vui” rồi. Nguồn thu hiện tại của SSI là kinh doanh nguồn vốn và kinh doanh làm mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

SSI hiện có 400 CBCNV, chúng tôi không hề giảm lương nhân viên nhưng có kế hoạch cắt giảm nhân sự. Thị trường thời điểm này thích hợp để chúng tôi cơ cấu, đào tạo lại hệ thống và nhân lực. SSI vẫn hướng tới mục tiêu lợi nhuận 500 tỷ đồng năm 2008.

* Ông Nguyễn Việt Cường – Phó Giám đốc CTCK Tân Việt: Không trông vào thu phí môi giới…”

Thời điểm này CTCK nào cũng bị ảnh hưởng, nhất là các CTCK chủ yếu dựa vào tự doanh và doanh số giao dịch là bị nặng nhất. Hiện, Tân Việt chủ yếu làm nghiệp vụ tư vấn doanh nghiệp (Investment Banking) nên cũng đỡ khó khăn hơn.

Để cắt giảm chi phí, việc tư vấn cho nhà đầu tư, hay ra các bản phân tích chỉ thực hiện trên web thay vì làm những buổi hội thảo trực tiếp.

Cho đến thời điểm này, chúng tôi đang cố gắng giữ không giảm lương nhưng tất nhiên cũng đã tính đến chuyện sẽ sa thải, “sàng lọc” những ai vốn này nọ (kiểu như không giỏi nghiệp vụ lắm nhưng hay làm mình làm mẩy).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây