Câu chuyện về các bản báo cáo nội, ngoại
- Thứ hai - 17/09/2007 08:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chuyện của SSI và HSBC Trong số các CTCK tại Việt Nam, SSI được coi là CTCK hàng đầu. Vào thời điểm thị trường còn "sốt", bất kỳ cổ phiếu nào được SSI đầu tư hoặc được các nhân viên của SSI giới thiệu đều tăng giá vù vù. Thế nhưng, khi đưa ra bản báo cáo đầu tiên về TTCK Việt Nam, SSI đã không gặp thời. Bản báo cáo của SSI có tên "Góc nhìn của người trong cuộc: Câu chuyện của sự tăng trưởng" nhấn mạnh về triển vọng tươi sáng của TTCK Việt Nam, tập trung vào 20 công ty đang chiếm tới 80% vốn hóa của 2 sàn TP.HCM và Hà Nội với những nhận định khá lạc quan. 20 công ty này đồng thời cũng là các "blue-chip" trên TTCK Việt Nam. Thế nhưng, không giống như trước (cứ SSI "động" vào đều "hóa vàng"), hầu hết các cổ phiếu mà bộ phận nghiên cứu của SSI nhận xét có triển vọng khả quan lại là những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sau đó mà FPT là một điển hình. Điểm thú vị là báo cáo của SSI đều có căn cứ về số liệu khá vững chắc. Không giống như SSI, HSBC chỉ thu thập các dữ liệu từ TTCK thông qua một số nguồn từ các CTCK trong nước, thậm chí có lần còn thu thập dữ liệu sai về chỉ số P/E của chính SSI. Sự cố này cũng gây ra vụ ầm ĩ khá lớn mà sau đó HSBC phải lên tiếng đính chính. Tuy nhiên, dự đoán của HSBC về TTCK Việt Nam lại tỏ ra chính xác. Khi HSBC đưa ra dự báo VN-Index sẽ tụt xuống mức 900 điểm thì dù có chịu vô số lời chỉ trích từ các NĐT, thậm chí không ít các chuyên gia chứng khoán trong nước, TTCK Việt Nam vẫn tụt giảm đúng như dự báo của tổ chức này. Khi HSBC công bố một báo cáo mới lúc VN-Index đang xoay quanh ngưỡng 900 điểm về "Thời điểm để mua vào" (Time to buy) thì giá cổ phiếu cũng như VN-Index lại có chiều hướng hồi phục khá ổn định và rất nhiều NĐT nội địa - những người đã chỉ trích kịch liệt bản báo cáo trước của HSBC, nay lại mua vào theo khuyến nghị của báo cáo mới. Nguyên nhân Lãnh đạo cấp cao của một công ty quản lý quỹ lớn tại Việt Nam nhận định: "Bộ phận nghiên cứu của một tập đoàn tài chính cỡ HSBC là một bộ phận to đùng trong tổ chức và đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Họ đưa ra các báo cáo dựa trên kinh nghiệm tiếp cận phân tích về TTCK hàng trăm năm nay và những nhận định đó rất đáng để những NĐT Việt Nam và cả các chuyên gia chứng khoán Việt Nam phải suy nghĩ. Họ không bao giờ đưa ra một báo cáo tào lao hoặc có động cơ khen chê để mua vào hoặc bán ra". Giám đốc một CTCK tại Hà Nội nhận xét, bộ phận nghiên cứu của các CTCK Việt Nam thực chất mới hình thành trong thời gian chưa đầy 1 năm với các công cụ phân tích còn thô sơ, chưa có kinh nghiệm và nhân sự cũng "lèo tèo" nên kết quả nghiên cứu cũng có phần bị hạn chế dù "có am hiểu về thị trường Việt Nam" đi chăng nữa. Một chuyên gia phân tích có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn của nước ngoài cho biết: "Thực tế là bộ phận nghiên cứu tại các CTCK Việt Nam chủ yếu là những người chưa từng có kinh nghiệm làm nghiên cứu về TTCK bao giờ. Làm các báo cáo nghiên cứu về TTCK mà không được hướng dẫn bởi các chuyên gia có kinh nghiệm, lại không có công cụ thì báo cáo khó có thể tốt được". Ông này cũng nói thêm, ngay cả một CTCK hàng đầu Việt Nam mà bộ phận nghiên cứu chỉ có vài người thì đủ biết là vai trò của bộ phận đó trong tổ chức được đánh giá như thế nào. |