Chính sách của FED có tàn phá USD?
- Thứ năm - 05/06/2008 15:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Quý đầu tiên năm 2008, những nhà đầu tư nào không nắm USD đã thật là may mắn. Chuỗi cắt giảm lãi suất liên tục của FED, sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 5 của Mỹ, cơn bão khủng hoảng tín dụng đã đẩy USD xuống những mức sụt giảm không ngừng so với các loại tiền tệ lớn trên thế giới. Và bây giờ khi thời kỳ căng thẳng đó đã qua đi, điều gì sẽ xảy ra?
Nguyên nhân và hệ quả
Giá dầu hiện nay đã tăng rất nhanh và đó là mối quan tâm chính đối với gần như mọi người Mỹ. Nhiều người có vẻ không quá quan tâm đến việc USD đang hạ giá. Có vẻ như họ nghĩ hai hiện tượng này không liên quan đến nhau. Điều mà mỗi người Mỹ cần phải hiểu là nếu USD tiếp tục suy yếu, giá cả hàng hóa định giá bằng USD sẽ liên tục tăng cao.
Tại sao USD liên tục suy yếu trong thời gian vừa qua? Sau mỗi lần cắt giảm lãi suất, USD lại trở nên kém hấp dẫn. Điều này là bởi vì nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ thường có xu hướng tìm đến những thị trường có tỷ lệ lãi suất cao để thu được nhiều lợi nhuận hơn với điều kiện thị trường đó có độ an toàn cao.
Mỗi lần FED bơm thêm thanh khoản vào thị trường, USD trở nên kém hấp dẫn. Tiền đại diện cho giá trị, tuy nhiên với chính sách của FED, điều này đã không còn nhiều ý nghĩa. Vì những yếu tố này mà thời gian qua USD rơi xuống mức thấp trong nhiều năm so với Euro, đồng franc Thụy Sỹ, Yên Nhật và một số loại tiền tệ lớn khác.
USD suy yếu, danh tiếng của loại tiền tệ hàng đầu thế giới này cũng không khá hơn. Tại một số điểm du lịch của Ấn Độ, du khách đã không còn có thể sử dụng USD trong giao dịch thông thường, thay vào đó họ buộc phải dùng đồng rúp của Ấn Độ. Một số ngôi sao nhạc Pop đã từ chối nhận cát sê bằng USD.
Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez trong một bài phát biểu của mình vào tháng 11/2007 đã cho rằng không lâu nữa trên thế giới người ta sẽ không còn nói nhiều về USD bởi USD liên tục hạ giá và đế chế của USD sắp hết. Một điều hiển nhiên là khi USD càng suy yếu, đế chế của người Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Ông Hugo đưa ra bình luận này khi đến thăm Iran, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới, tổng thống nước này cho biết có khả năng không lâu nữa những giao dịch dầu mỏ sẽ được tiến hành bằng loại tiền tệ khác thay cho USD. Lý giải cho điều này, tổng thống Iran trả lời:”Chúng tôi bán tài nguyên quý giá cho họ và nhận lại một mớ giấy lộn.”
Khi nào FED cứu USD?
Đến khi nào thì chủ tịch FED mới cứu USD? Cho đến nay, mỗi biện pháp mà FED tiến hành đều có tác dụng ngược lại sự đi lên của USD.
Trên thực tế nếu chủ tịch của FED và Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ có thật sự lo lắng về tình trạng hiện nay của USD thì họ đã rất giỏi trong việc che giấu sự lo lắng đó. Họ không hề thể hiện sự lo lắng về điều này mà trái lại họ tung hô về tác dụng của USD yếu trong việc tăng cao doanh số xuất khẩu.
Ví dụ, công ty sản xuất ô tô của Mỹ General Motors đã để mất thị phần tại Mỹ trong nhiều năm, tuy nhiên gần đây công ty thắng lớn tại Trung Quốc, Nga và Brazil. USD cũng mang đến điều kiện kinh doanh thuận lợi cho nhiều công ty xuất khẩu khác của nước này. Những công ty này có một mong muốn chung là USD tiếp tục hạ giá và nếu FED duy trì chính sách như hiện nay, họ rất hài lòng.
Khi chúng ta xem xét lại tình hình kinh tế Mỹ quý 1 và nửa đầu năm 2008, nhiều người cho rằng kinh tế Mỹ đã suy thoái, tuy nhiên điều này chỉ có thể rõ ràng sau khi số liệu về kinh tế Mỹ nửa đầu năm 2008 được công bố đầy đủ. Kinh tế Mỹ khó khăn như hiện nay do giá nhà đất hạ và thị trường tín dụng thắt chặt.
Một số thành viên thuộc Ủy Ban Thị Trường (FOMC) của FED trong buổi họp ngày 18/03 nhận định về khả năng suy thoái lâu dài của kinh tế Mỹ, điều này là hoàn toàn bất lợi cho tương lai của USD.
FOMC không phải là duy nhất khi đưa ra dự đoán ảm đạm như trên về kinh tế Mỹ. Tháng 4/2008, nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 cũng đã thể hiện sự lo lắng của họ về sự sụt giảm của USD, họ nói:”Từ buổi họp gần đây nhất của chúng tôi, USD đã liên tục dao động lên xuống bất thường so với các loại tiền tệ lớn khác và chúng tôi hết sức lo lắng về sự ổn định của các nền kinh tế và thị trường tài chính.”
Nhóm G7 không thể ngăn được sự sụt giá của USD và tuyên bố như trên cho thấy họ sẽ không làm gì để góp phần cải thiện tình hình.
Những yếu tố đang biến động mạnh trong điều kiện thị trường hiện nay là USD yếu, giá dầu và giá vàng đồng loạt tăng. Giá vàng tăng bởi vàng được định giá bằng USD. Về phía FED, hiện nay họ đang quá bận rộn với cơn khủng hoảng nhà đất mà nguyên nhân trực tiếp từ chính tỷ lệ lãi suất 1 điểm phần trăm thời kỳ đầu thập kỷ này.
FED cho đến nay dường như chưa quan tâm nhiều đến tình trạng không mấy tốt đẹp của USD. Những nhà đầu tư tiền tệ trên thị trường nên quan tâm đến điều này để bảo toàn vốn và đầu tư có lãi.