BMSC

http://bmsc.com.vn


Chính sách tín dụng: bỏ quên doanh nghiệp dân doanh

Cả nước hiện đã có trên 182.000 doanh nghiệp dân doanh, 18.500 hợp tác xã, trong đó 96% là các doanh nghiệp nhỏ và hiện đã chiếm 41,3% GDP.

Doanh nghiệp dân doanh đang bị bỏ quên trong các chính sách mới về tín dụng, ngân hàng, nguy cơ thu hẹp sản xuất cũng như phá sản, tạo ra thất nghiệp đáng lo ngại.

Nguy cơ phá sản 

Tiền đồng khan hiếm, việc mua ngoại tệ cũng còn khó khăn và được ưu tiên phục vụ cho các doanh nghiệp nhà nước nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất cơ bản nên vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tư nhân ngày càng căng thẳng.

Ông Cao Sĩ Kiêm, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, hầu hết các thành viên của hiệp hội này đang rất khó khăn.

“Một bài toán rất dễ nhìn thấy là trong điều kiện kinh doanh tốt, lợi nhuận trung bình chỉ đạt khoảng 8-12% nhưng lãi suất ngân hàng hiện nay đã lên đến 21%/năm. Nếu ngân hàng Nhà nước quản lý không tốt, để hiện tượng đua lãi suất tiếp tục xảy ra như thời gian vừa qua thì các doanh nghiệp có thể còn phải gánh chịu thêm nhiều loại phí cho vay khác”, ông Kiêm nói.

Theo ông, hiện nay tuy chưa xuất hiện nguy cơ đổ vỡ hàng loạt vì thực tế các yếu tố lạm phát và chống lạm phát chưa tác động hết, cần phải có độ trễ. Nhưng khi mặt bằng lãi suất lên quá cao sẽ dẫn đến tác động dây chuyền: doanh nghiệp không vay được vốn hoặc phải chịu lãi suất cao, đẩy giá thành sản phẩm, dịch vụ lên cao. Khi đó sức mua sẽ giảm, ảnh hưởng đến doanh thu, doanh nghiệp không trả được nợ sẽ phá sản.

Viễn cảnh thất nghiệp

Một điều đặc biệt đáng lo ngại khác là khối doanh nghiệp dân doanh luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm. Trong mấy năm nay, do việc đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nên số người lao động làm việc trong khu vực này ngày càng giảm.

Trong khi đó, dân số vẫn tăng đều khoảng 1,5 triệu người mỗi năm. Nhưng điều nguy hiểm là ở một số ngành kinh tế mà các doanh nghiệp dân doanh đã phát triển khá nhanh, số lượng lao động có xu hướng giảm đi.

Theo báo cáo thường niên về doanh nghiệp 2007 do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, một xu hướng xấu đã xuất hiện là có sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp nhỏ trong các ngành: xây dựng, thực phẩm, dệt may, du lịch…

Tỷ lệ doanh nghiệp rời bỏ ngành cao nhất ở các ngành xây dựng, sản xuất, chế biến thực phẩm (30%) và sau đó là dệt may và du lịch (10%). Trong khi đây cũng là những ngành giải quyết nhiều công ăn việc làm nhất. Nếu như khu vực kinh tế dân doanh không còn có thể gánh vác được vai trò giải quyết việc làm nữa trong khi khu vực kinh tế nhà nước cũng giảm dần số lượng lao động, thì tình trạng thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng lên và càng làm xấu đi bức tranh kinh tế vĩ mô.

Hậu quả của sự thiếu quan tâm đến khối doanh nghiệp dân doanh cũng đã khá rõ ràng. Cũng theo báo cáo thường niên doanh nghiệp năm 2007, xu hướng thua lỗ, phá sản ở các doanh nghiệp nhỏ đang hình thành.

Trong ngành du lịch, có khoảng 50% doanh nghiệp thua lỗ trong các năm 2003-2005 và hơn 30% trong năm 2006. Các ngành dệt may, bảo hiểm, xây dựng… cũng có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ cao. Ở các ngành đòi hỏi đầu tư công nghệ cao, các ngành kinh tế mà doanh nghiệp nhà nước còn nắm giữ chủ yếu như ngân hàng, tài chính… thì các doanh nghiệp nhỏ càng khó có khả năng cạnh tranh.

Một nghiên cứu của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho thấy, mặc dù có sự tăng nhanh về số lượng nhưng chỉ có một số ít doanh nghiệp tư nhân phát triển lên quy mô lớn trong khi có xu hướng nhiều doanh nghiệp lại thu hẹp quy mô hoạt động.

Nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là do việc tiếp cận đất đai, các nguồn tín dụng, quyền khai thác tài nguyên… chủ yếu thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước. Các quy hoạch gần đây của các ngành kinh tế then chốt: điện, than, xi măng… dường như gạt hẳn các doanh nghiệp dân doanh ra khỏi định hướng phát triển các ngành này. Do vậy, các doanh nghiệp tư nhân ngày càng yếu thế trong cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của Nhà nước.

Cả nước hiện đã có trên 182.000 doanh nghiệp dân doanh, 18.500 hợp tác xã, trong đó 96% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa kể 3 triệu hộ kinh doanh cá thể và khoảng 30.000 tổ hợp tác (số liệu của bộ Kế hoạch và đầu tư)… và hiện đã chiếm 41,3% GDP, không thể tiếp tục bị bỏ rơi như vậy trong các chính sách mới về tín dụng, ngân hàng dù trong thời điểm khó khăn này, việc cho đối tượng nào vay cũng phải có sự chọn lựa.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây