Chờ phiên điều chỉnh để mua vào
- Thứ năm - 04/10/2007 05:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mua thì lo, không mua thì sốt ruột
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3.10, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng 7,12 điểm, lên 1.106,6 điểm dù mức tăng giá của các cổ phiếu (CP) đã ít hơn các phiên trước. Diễn biến trên cho thấy dấu hiệu chững lại và khả năng xảy ra điều chỉnh của thị trường. Cụ thể có tới 54 mã chứng khoán giảm giá trong phiên 3.10, chỉ có 47 mã chứng khoán tăng giá. Sàn Hà Nội cũng có những dấu hiệu tương tự. Nếu như ở phiên giao dịch 2.10, chỉ số Hastc-Index tăng 8,81 điểm thì ở phiên 3.10 chỉ tăng 2,24 điểm, lên mức 345,54 điểm. Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm đang chờ đợi các phiên điều chỉnh để mua vào. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lại ở trong tâm trạng "vừa thích, vừa lo" trước câu hỏi có nên "nhảy vào" ở thời điểm này hay không?
Nhà đầu tư tên Hà tại sàn SSI (TP.HCM) là một ví dụ. Trước khi thị trường trở lại trạng thái hưng phấn, chị Hà đã phải "cắt lỗ" và bán ra CP SSI và Nam Việt. Ngay sau đó, thị trường quay đầu với những phiên tăng giá cực mạnh khiến chị Hà ngẩn ngơ. Theo dõi thường xuyên giá chứng khoán rồi lại ngập ngừng không dám mua vào vì sợ rơi vào tình trạng trước đó, nhưng "không mua thì sốt ruột vì thấy chứng khoán tăng quá mà mình thì đứng ngoài cuộc", chị Hà nói.
Một nhà đầu tư khác là anh Xuân (mở tài khoản tại Công ty chứng khoán Đại Việt) cũng đang "đứng bên lề thời cuộc". Trước đó anh Xuân "ôm" CP STB với giá 80.000 đồng/CP (sau chia tách). Suốt mấy tháng trời chôn vốn vào gần 3.000 CP STB khiến cho anh Xuân không còn dũng cảm để đầu tư mặc dù vẫn theo dõi thường xuyên diễn biến của thị trường. Đến thời điểm này, khi giá các loại CP tăng vùn vụt anh Xuân mới tiếc rẻ: "Mấy lần định mua vào FPT và ACB nhưng rồi lại sợ bóng sợ gió nên lại thôi. Nếu mua vào thì bây giờ đã thắng rồi". Anh Xuân đang đợi STB "hòa vốn là bán ra" nhưng cái cảnh "ngồi chơi xơi nước" trong lúc mọi người mua mua, bán bán khiến anh cảm thấy lạc lõng. Cũng với tâm lý tương tự, nhiều nhà đầu tư khác đang tiếc nuối vì đã không kịp bắt cơ hội. Rồi lại tự dằn vặt "muốn nhảy vào nhưng lại lo thị trường tăng mạnh quá, khéo lại trở thành nạn nhân của dân lướt sóng thì chết"...
Thị trường giằng co vẫn có thể mua
Theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán, các nhà đầu tư đang lạc quan hơi quá và thị trường bị đẩy lên bởi sự hưng phấn thái quá này. Tuy nhiên, có tăng tất có giảm. Theo quy luật, trong tuần này sẽ có vài phiên điều chỉnh nhẹ và đây chính là thời điểm mua vào tốt. Với một cái nhìn thoáng hơn, ông Huy Nam, chuyên gia tài chính - chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, việc chọn lựa CP để mua vào trong quá trình này vẫn còn kịp chứ không nhất thiết phải canh những phiên thị trường đi xuống. "Tất nhiên thị trường xuống thì chọn lựa mua vào là tốt hơn nhưng thị trường đang trong xu thế giằng co nhẹ nên vẫn có thể mua vào được mà không cần đợi khi chứng khoán điều chỉnh"- ông Nam nói.
Ông Nam phân tích, trong thời gian qua một số CP đã bị điều chỉnh xuống mức giá hợp lý. Với dân "đánh ngắn" (đầu cơ) thì mức giá hiện nay vẫn có thể mua vào được. Một vài phiên sau giá lên khoảng 3% - 4% là có thể "ra hàng", thu lợi nhờ số lượng lớn và "đây là thời điểm đẹp cho dân đánh ngắn" - ông Nam nói. Tuy nhiên, ông Nam cũng khẳng định, thời điểm này phù hợp cho cả 2 đối tượng là đầu tư và đầu cơ. Trên thực tế, tại thời điểm này nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn tiếp tục gom hàng để chờ cơ hội. Một nhà đầu tư chuyên nghiệp tiết lộ, cứ theo đà này, việc VN-Index đạt ngưỡng 1.200 điểm vào cuối năm không phải là quá khó. Vì vậy, ngoài việc lướt sóng những CP blue-chips nhà đầu tư này vẫn ôm vào một số cổ phiếu "hạng trung" để dành hàng cho cuối năm.
Theo hầu hết các chuyên gia chứng khoán,VN-Index đạt ngưỡng 1.000 điểm là quá đẹp trong thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, tại thời điểm này, VN- Index đã vượt ngưỡng 1.100 điểm. Chính vì vậy, kỳ vọng của các nhà đầu tư cũng không phải là không có cơ sở nhất là khi thị trường chứng khoán VN vẫn bị dẫn dắt bởi yếu tố tâm lý như hiện nay. Vì vậy, các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn đầu tư để không bị lỡ cơ hội cũng như tránh bị chôn vốn như thời gian trước.