BMSC

http://bmsc.com.vn


Chứng khoán cần thông tin phản biện có cơ sở

Tín hiệu hồi phục trên hai sàn ở hai đầu đất nước hôm nay diễn ra sau khi có những thông tin phản biện đầy cơ sở từ các nguồn đáng tin cậy nhất, cho thấy một thực tế hiện nay với chứng khoán Việt Nam là thị trường rất cần những thông tin như vậy.

 

Theo WB thì triển vọng của nền kinh tế chắc chắn không thuận lợi bằng một năm trước đây song nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn mạnh. Ảnh Nhật Vy.

Tín hiệu hồi phục trên hai sàn

Sau 24 phiên liên tiếp giảm điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực ban đầu về đợt phục hồi khi màu xanh đã trở lại bảng điện tử, đồng thời khối lượng giao dịch cũng đã tăng lên rất mạnh, sau khi những phiên gần đây tính thanh khoản của thị trường ngày một kém.

Tại sàn HOSE, số mã xanh trở lại trong phiên hôm nay chiếm hơn 50% tổng số mã chứng khoán niêm yết, tuy nhiên các mã cổ phiếu lớn trên sàn vẫn chưa thể phục hồi.

Dù vẫn chưa giúp chỉ số VN-Index chấm dứt chuỗi ngày dài liên tục mất điểm, song việc lượng cổ phiếu đổi màu từ đỏ thành xanh tăng lên, và song song với đó là việc khối lượng giao dịch đã tăng mạnh (khối lượng giao dịch thông qua khớp lệnh của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt 11.988.880 đơn vị, giá trị là 296,636 tỷ đồng) đã báo hiệu cho thấy niềm lạc quan bắt đầu trở lại, dù duy trì được bao lâu thì vẫn còn phải đợi thêm.

Cùng lúc đó, với những tín hiệu tích cực xuất hiện trong phiên liền trước, kết thúc phiên giao dịch sáng 11/6, chỉ số HaSTC-Index của sàn Hà Nội quay đầu tăng nhẹ trở lại, chấm dứt chuỗi ngày 28 phiên giảm điểm liên tiếp.

Tuy không tăng điểm mạnh mẽ song với phiên đảo chiều thành công này đã đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Đây thật sự là một đòn bẩy để kích cầu và mở ra một xu hướng rõ nét trong những phiên giao dịch tiếp theo.

Giao dịch của một đối tượng rất có ảnh hưởng với chứng khoán Việt Nam là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh… Trên bảng điện tử giao dịch, màu đỏ u buồn ngày nào đang dần được thay bằng màu xanh hy vọng.

Những thông tin phản biện có cơ sở

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp mất điểm, giá cổ phiếu của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giảm sâu 60-70% so với thời điểm đầu năm. Tình hình này diễn ra trong bối cảnh lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ với biến động của lãi suất và sự mất giá của VND...

Song song đó là một loạt báo cáo bi quan từ các tập đoàn tài chính trên thế giới về thị trường Việt Nam góp phần làm tâm lý nhà đầu tư ngày càng hoang mang. Sự thật về toàn cảnh bức tranh thị trường Việt Nam dường như đã bị tô đậm bằng những nét bút quá bi quan.

Đó là những gì mà giới đầu tư đọc được từ những bản báo của các tập đoàn, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước như JP Morgan, Morgan Stanley, Merill Lynch... đã nêu ra trong các báo cáo mới của họ.

Nhưng ngay sau đó, đã có những thông tin phản biện đầy cơ sở từ các nguồn đáng tin cậy nhất, mà đáng chú ý là báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Trong báo cáo cập nhật tình hình phát triển tại Việt Nam, WB cho rằng, sự sụt giảm một phần phản ánh sự điều chỉnh cần thiết sau một thời kỳ tăng trưởng phi lý.

"Song có lẽ nó đã đi quá xa nếu tính đến những nền tảng căn bản của thị trường. Tính đến cuối tháng 5/2008, hệ số P/E trung bình tại HOSE ước tính là 10; còn HASTC vào khoảng 6-7", báo cáo có đoạn viết.

Theo WB thì triển vọng của nền kinh tế chắc chắn không thuận lợi bằng một năm trước đây song nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn mạnh và tăng trưởng GDP có thể sẽ nhanh phục hồi hơn so với mục tiêu chính thức. WB cũng tin rằng, những động thái kinh tế trong và ngoài nước thời gian gần đây vẫn rất khả quan.

"Vượt ra khỏi phạm vi chi tiết của từng ngành, quán tính thống kê cho thấy tăng trưởng trong năm 2008 vẫn mạnh. Kể cả khi tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng giảm xuống bằng 0 trong thời gian còn lại của năm nay và các ngành khác hoạt động ở mức độ như quý I thì GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng ở quanh mức 7,5% trong năm 2008", báo cáo có đoạn viết.

WB cũng cho rằng, các chính sách bình ổn kinh tế của Việt Nam được Chính phủ thực hiện đã bước đầu có hiệu quả, thể hiện ở việc giá cả và kim ngạch nhập khẩu có dấu hiệu giảm tốc. Theo WB, nếu nhìn bề ngoài, sẽ thấy hiệu quả của gói chính sách chưa rõ nét trong việc bình ổn các cân đối kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu chú ý đến độ trễ khoảng 3 tháng, sẽ thấy chính sách thắt chặt hiện nay đã có hiệu quả.

Đây không phải là lần đầu tiên WB có những nhận định như vậy, kể từ sau khi các báo cáo ngoại râm ran về những nguy cơ, những mảng màu tối của kinh tế Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư trên sàn hôm nay tin rằng, những thông tin phản biện đầy cơ sở từ các nguồn đáng tin cậy như WB tại Việt Nam là một trong những yếu tố khiến họ tự tin hơn, dù chưa hoàn toàn.

Điều đó cho thấy một thực tế hiện nay với chứng khoán Việt Nam là thị trường rất cần những thông tin phản biện có cơ sở, nhất là khi xuất hiện hàng loạt các báo cáo ngoại - vốn nổi tiếng vì tính trung lập, công bằng và chi tiết - song nhiều lúc cũng hơi thái quá.

Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thực sự có được niềm tin vững chắc, chưa có được niềm lạc quan rộng rãi. Một số yếu tố khác vẫn còn rình rập thị trường, nhất là tình trạng giá nguyên vật liệu trong và ngoài nước đang đứng trước những thời khắc biến động khôn lường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây