Cơ cấu lại đầu tư và không tăng giá
- Thứ tư - 02/04/2008 10:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Nhiều “anh” cứ kêu lỗ nhưng đến khi Chính phủ xem xét lại thì thấy vẫn còn lãi to” - Ảnh: V.DŨNG |
"Các đơn vị hãy bám vào ngành nghề chính, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh sao cho hiệu quả, chất lượng. Tôi thấy nhiều tập đoàn, tổng công ty cứ tham gia kinh doanh chứng khoán, ngân hàng mà không nghề ngỗng gì. Đến nay hồ sơ vẫn còn xếp hàng dài" - Thủ tướng nói, và khuyến cáo: có những đơn vị đã đầu tư tới 37% ra ngoài lĩnh vực mình phụ trách và như vậy rất khó hiệu quả, dễ gây biến động thị trường và khó khăn cho quản lý nhà nước.
"Lỗ giả”
"Nhiều "anh" cứ kêu lỗ nhưng đến khi Chính phủ xem xét lại thì thấy vẫn còn lãi to" - Thủ tướng nói. Có đơn vị như Tổng công ty Thép không kiểm soát được giá cả mặt hàng của mình ngay tại đơn vị trực thuộc rồi đến các đại lý cũng vậy. Hay vừa qua Hiệp hội Ximăng kêu thiếu hàng vì giá đầu vào tăng, doanh nghiệp không sản xuất được. Nhưng kiểm tra kỹ thấy chưa đến mức thiếu tới độ phải tăng giá và giá ximăng hiện vẫn chưa lỗ.
Các tập đoàn, tổng công ty phải thấy trách nhiệm và phải vào cuộc cùng tham gia tám giải pháp (cũng công bố tại hội nghị này) kiềm chế lạm phát. Trước hết, các đơn vị này phải rà soát nội bộ, có kế hoạch triển khai. Thủ tướng nói: các tập đoàn, tổng công ty đang chiếm trên 20% tổng đầu tư toàn xã hội và trên 50% đầu tư từ ngân sách. Vì vậy, chính những đơn vị này phải triệt để cắt giảm những dự án đầu tư không cần thiết; tập trung đầu tư cho công nghệ cao, giảm tiêu hao năng lượng, giảm chi phí sản xuất, chi phí thường xuyên…
WB: hai kịch bản tăng trưởng của VN * Chính sách mềm mỏng để phá "tam pháp bất khả thi" Tuy VN đang có những dấu hiệu của một nền kinh tế quá nóng và sẽ chậm lại theo tình hình kinh tế chung của thế giới, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục dự đoán VN tăng trưởng ở mức độ cao. Đó là những thông tin được ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại VN, đưa ra trong buổi họp báo công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, sáng 1-4 ở Hà Nội. Báo cáo đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP cho VN. Nếu tốt thì VN sẽ tăng trưởng 8% năm 2008 với tăng trưởng xuất khẩu 22%, cao hơn năm 2007; trong trường hợp xấu hơn, GDP sẽ tăng 7,5% và tăng trưởng xuất khẩu ở mức 18%. Ông Martin Rama nói VN nên hi sinh khoảng 1% tỉ lệ tăng trưởng GDP để phát triển bền vững hơn và giảm lạm phát. Nền kinh tế VN đang có ba vấn đề khó mà ông gọi là "tam pháp bất khả thi", đó là chu chuyển dòng vốn, tỉ giá cố định và chính sách tiền tệ độc lập. Sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), 20 tỉ USD đã vào VN bằng nhiều đường khác nhau. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải làm động tác mua vốn vào dự trữ để duy trì tỉ giá, tuy nhiên lại làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản của tiền đồng trong nền kinh tế. Tính thanh khoản có thể được nâng cao nhờ nghiệp vụ trung hòa, song NHNN gần như đã bán hết trái phiếu Chính phủ. Lượng cung tiền có thể bị thắt chặt bằng cách bán hối phiếu của NHNN, song tỉ giá được đưa ra lại không mấy hấp dẫn. Vì vậy mọi người chi tiền mua đất đai nhiều hơn và dẫn đến bong bóng bất động sản. "Làm sao phải phá được tình trạng "tam pháp bất khả thi" này, nhưng phải có chính sách mềm mỏng để phá một cách nhẹ nhàng, không làm suy sụp hẳn khía cạnh nào trong ba khía cạnh đó, không làm đổ vỡ nền kinh tế" - ông Martin Rama nói. T.L.T. |
"Một đơn vị kinh tế vừa báo cáo tôi về việc dự án lọc dầu Nghi Sơn. Tôi nói rất ủng hộ và tôi sẽ đến dự, nhưng nhất thiết phải cắt giảm càng nhiều càng tốt những chi phí hội nghị, liên hoan…" - Thủ tướng kể.
Tiếp tục giữ giá
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: đến nay dù giá đầu vào thị trường thế giới tăng cao nhưng nhất thiết phải ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội thì nhiều mặt hàng Nhà nước quản lý giá sẽ không tăng. Các doanh nghiệp có vướng mắc gì thì báo cáo (Chính phủ). Đó là điện, than, nước sạch, ximăng, xăng dầu, cước giao thông - vận tải… và cả học phí, viện phí cũng vẫn phải giữ ổn định.
Riêng xăng dầu, năm nay Chính phủ chấp nhận bù lỗ 12.000 tỉ đồng để không nâng giá, nếu mức giá thế giới dao động 100-110 USD/thùng. "Không tăng giá các mặt hàng trên là nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định dân sinh và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế chứ nhất định không phải bù lỗ để quay lại cơ chế bao cấp" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định thêm: lộ trình thị trường hóa, giá cả các mặt hàng sẽ điều chỉnh theo đúng nguyên tắc tăng giảm của qui luật thị trường. Việc giữ giá, bù lỗ một số mặt hàng như hiện nay chỉ là tạm thời. Nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân phải quen dần với cơ chế thị trường. Nhà nước cũng sẽ làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ người nghèo, người làm công ăn lương để giảm thiểu sự ảnh hưởng của cơ chế giá cả khi biến động. "Các nước liền kề xung quanh chúng ta như Lào, Campuchia, Thái Lan… vẫn tăng giá xăng dầu, nhưng tại sao họ vẫn ổn định và phát triển?" - Thủ tướng đặt câu hỏi.
Vẫn xin tăng giá!
Ông Đoàn Văn Kiển - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than và khoáng sản - mở đầu phần phát biểu của mình bằng con số "than vãn": giá than bán trong nước đang bằng 45% giá than xuất khẩu và giá than bán cho ximăng, giấy, phân bón đang bị lỗ tới 20%. Tình trạng này không chỉ khiến tập đoàn khó khăn mà còn kích thích xuất khẩu than lậu. Ông Kiển đề nghị Chính phủ chưa tăng thuế xuất khẩu than.
Ông Nguyễn Văn Thiện, chủ tịch Hiệp hội Ximăng VN, phát biểu: 10 năm qua giá ximăng không tăng dù tất cả mặt hàng và giá đầu vào đều tăng. So với trượt giá thì giá ximăng hiện nay giảm 30% so với bảy năm trước. Đến nay nếu với giá clinker mới thì có thể giảm lãi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói luôn: "Mấy năm rồi ximăng đều có lãi cả. Nay giá cả lên cao thì phải giảm lãi, chia sẻ cùng nền kinh tế!". Ông Thiện không đề nghị tăng giá nữa mà đề nghị xin được cấp phép khai thác 1-2 mỏ than để có cơ sở so sánh giá than của Tập đoàn Than - khoáng sản và giá than của ngành ximăng tự khai thác thế nào.
Ông Phạm Lê Thanh, tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN, khẳng định sản lượng điện sẽ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của năm 2008, điều nhức nhối nhất của ngành là tình trạng sử dụng lãng phí. "Có gia đình ở Hải Phòng dùng 10 triệu đồng tiền điện/tháng để nấu nước bể bơi cho ấm!" - ông Thanh kể. Tình trạng các đơn vị nhà nước phung phí năng lượng được ông Thanh trình bày: sáu làn đường vào Mỹ Đình (Hà Nội), đêm khuya đèn điện sáng choang mà không một bóng người. Năm 2007, kế hoạch kiểm toán năng lượng ở 200 đơn vị nhưng cuối cùng chỉ thực hiện ba. Lời cuối của ông Thanh là "đề nghị Chính phủ xem xét lại thời điểm điều chỉnh giá điện vì giá dầu tăng cao quá!".
Kết thúc "chuỗi" đề nghị tăng giá của các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại tám giải pháp chung trong điều hành vĩ mô nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định dân sinh, thúc đẩy phát triển.
Riêng các nhóm giải pháp của các đơn vị này là phải đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh; đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế và bình ổn giá.
Hết sức chú trọng cắt giảm đầu tư tràn lan kém hiệu quả, thực hiện tiết kiệm chi dùng, áp dụng công nghệ mới, sáng tạo mới để giảm mức tiêu hao năng lượng…
Hôm nay 2-4, hội nghị tiếp tục với phần làm việc của Thủ tướng với chủ tịch UBND các tỉnh phía Bắc cũng với nội dung kiềm chế lạm phát.
Quang Thiện