BMSC

http://bmsc.com.vn


Cổ đông lớn "ép" Đạm Phú Mỹ?

Về vụ Tập đoàn Dầu khí VN (PetroVN) - cổ đông lớn của Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất dầu khí (ĐPM) - yêu cầu ĐPM chuyển giao 28ha đất đang thuê cho các đơn vị khác, Tuổi Trẻ đã lấy thêm ý kiến của người trong cuộc và chuyên gia.
Ông Đinh La Thăng - chủ tịch PetroVN: Đây là tài sản nhà nước
Sau vụ "thu hồi 1.000 tỉ đồng", cổ đông ĐPM lại "lên ruột" với vụ "lấy lại 28ha đất". Trong ảnh: dây chuyền sản xuất phân bón urê tại ĐPM.
Ảnh: Kim Thành
 
Tôi cho rằng việc "chuyển giao" 8ha đất của ĐPM cho Công ty CP Dịch vụ - du lịch dầu khí (Petrosetco - cũng là một công ty con PetroVN nắm 51%), hay cả 20ha đất còn lại cho các đơn vị khác, chẳng gây thiệt hại gì cho ĐPM, thậm chí còn có lợi nhiều hơn. ĐPM không đưa vào sử dụng lô đất này từ mười năm nay nhưng vẫn phải đóng tiền thuê đất.
 
Chuyển sang cho một đơn vị khác sử dụng thì ĐPM khỏi phải đóng tiền thuê đất! Trước đây, ĐPM dành diện tích đất này cho dự án thu hồi khí CO2, nhưng dự án này sau đó không thực hiện được nên đất vẫn còn để đó. Giao lô đất này cho Petrosetco làm dự án sản xuất ethanol có lợi cho đất nước, mà nông dân trồng sắn để sản xuất ethanol cũng có lợi.
 
PetroVN là công ty mẹ của ĐPM, do đó chúng tôi có quyền ra công văn yêu cầu công ty thực hiện. Hội đồng quản trị (HĐQT) ĐPM cũng có thể không đồng tình với ý kiến của PetroVN. Nhưng trong trường hợp này HĐQT không phản đối. Vấn đề HĐQT quyết định là được, không phải thông qua đại hội cổ đông. Hơn nữa tôi cũng có nghe cổ đông nào phản đối đâu. Cổ đông cũng thừa biết đây là tài sản của Nhà nước, đâu ai tính ra bao nhiêu tiền để đưa vào tính giá trị cổ phần hóa công ty, nên đâu thể gọi là tài sản của công ty hay cổ đông. Nếu nói đã tính quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản doanh nghiệp, tôi sẽ kiểm tra lại.
 
Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Anh Tuấn: Lô đất là tài sản đã được định giá
 
Ở thời điểm cổ phần hóa, quyền sử dụng lô đất thuê này trong vòng 20 năm đã được nêu trong công bố thông tin, được hiểu "quyền sử dụng" là một tài sản được định giá. Nó không đơn thuần là "tiền thuê đất" mà còn liên quan đến hàng loạt vấn đề khác như giá trị sử dụng, lợi thế của vị trí... Về vấn đề "chuyển giao" đất của ĐPM theo yêu cầu của PetroVN, trong trường hợp HĐQT của ĐPM chấp thuận, theo tôi, các cổ đông nhỏ vẫn có thể yêu cầu HĐQT triệu tập đại hội cổ đông để đưa ra ý kiến, nếu tập hợp được theo tỉ lệ theo yêu cầu.
 
Tất cả vấn đề liên quan đến ĐPM hiện nay phải do HĐQT đơn vị này quyết định. Nếu thấy đất bị "lãng phí”, PetroVN với tư cách cổ đông lớn yêu cầu ĐPM sử dụng hiệu quả hơn.
 
Luật sư Nguyễn Vân Nam, giám đốc Công ty luật Nam Hùng: Phải theo điều lệ 
 
Đất đai là một vấn đề liên quan đến tài sản cố định, vì thế các giao dịch về đất đai thường do đại hội cổ đông quyết định, trong đó hội đủ 75% số phiếu biểu quyết thông qua. Với 28ha đất của ĐPM, nếu không có kế hoạch khai thác sử dụng, công ty giao dịch như thế nào để có lợi nhất cho công ty, cho cổ đông. Việc này phải thực hiện theo qui trình được qui định trong điều lệ và theo pháp luật hiện hành. Chứ không phải tự nhiên "bà mẹ” PetroVN đứng ngoài sốt ruột thấy "con" có đất mà không sử dụng bèn kêu "nó” đưa lại cho "đứa" khác.
 
Cổ đông Đạm Phú Mỹ nói gì?
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, trưởng phòng đầu tư Ngân hàng Á Châu (ACB) - ACB là cổ đông sáng lập và đang nắm 3,8 triệu cổ phiếu Đạm Phú Mỹ - thì ACB không đồng ý với quyết định chuyển giao đất này. ACB đang yêu cầu Đạm Phú Mỹ giải thích. PetroVN sở hữu 60%, chiếm đa số trong HĐQT nên quyết định này được dễ dàng thông qua theo hướng có lợi cho PetroVN nhưng đi ngược lại lợi ích của các cổ đông, gây thất thoát tài sản của Đạm Phú Mỹ.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây