Còn 9 ngân hàng tại TP. HCM có tỷ lệ dư nợ cầm cố chứng khoán vượt mức 3%
- Thứ năm - 08/11/2007 14:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước TP. HCM, hiện trên địa bàn TP còn 9 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cầm cố chứng khoán vượt mức 3%. Đến ngày 31/12, dự kiến có 4 ngân hàng không đảm bảo theo yêu cầu. Cũng theo kết quả thanh tra, một số ngân hàng cổ phần trên địa bàn vẫn tiếp tục giải ngân vốn cho nhà đầu tư chứng khoán trong quý III/2007.
Ngày 7/11, NHNN TP. HCM đã triệu tập khẩn 9 ngân hàng cổ phần có hạn mức dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán vượt 3% để yêu cần thu hồi nợ cho vay trước ngày 31/12. Như vậy, thời hạn chỉ còn hơn 1 tháng để báo cáo về NHNN tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán, nhưng nhiều ngân hàng cho biết, họ không có biện pháp nào để thu hồi những hợp đồng dài hạn ký với nhà đầu tư trước khi Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN ra đời.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, sau hơn 4 tháng quyết liệt thu hồi nợ, đến nay dư nợ cầm cố chứng khoán của ACB chỉ giảm xuống được mức 8%. Trước khi Chỉ thị 03 ra đời, dư nợ cầm cố chứng khoán của ACB là 11 - 13%. “ACB ra sức tăng tốc thu hồi nợ, trong đó có cả việc thuyết phục khách hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng đang gặp phải khó khăn lớn trong việc thu hồi nợ đối với những hợp đồng kỳ hạn 1 năm đã ký với nhà đầu tư kể từ cuối tháng 5/2007 nên chúng tôi cần một biện pháp tích cực hơn từ NHNN để giải quyết những hợp đồng này”, ông Hải nói và cho rằng, NHNN nên xem xét việc cấp tỷ lệ dư nợ cầm cố cho từng ngân hàng. Theo đó, NHNN có thể dựa trên cơ sở vốn chủ sở hữu của từng ngân hàng để cấp hạn mức cho vay phù hợp.
Ông Trương Anh Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thái Bình Dương (Pacific Bank) - một trong những ngân hàng có dư nợ cầm cố cao nhất hiện nay, cho rằng, Ngân hàng đành chịu phạt vì không thể thu hồi nợ đối với những hợp đồng kỳ hạn trên 1 năm ký từ tháng 5/2007. Hiện tỷ lệ dư nợ của Pacific Bank vẫn ở mức 2 con số.
Bà Trần Thanh Hoa, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng cho biết, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của ABBANK hiện vẫn ở mức 5,25%. Trước đó, tại thời điểm Chỉ thị 03 được ban hành, tỷ lệ dư nợ này của ABBANK là hơn 10%. Theo bà Hoa, khả năng đến hết ngày 31/12, tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của ABBANK vẫn ở mức cao hơn 3% là 4,7%. “Cái khó nhất trong khâu thu hồi nợ của chúng tôi vẫn là những hợp đồng dài hạn ký với nhà đầu tư”, bà Hoa nói.
Theo tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á (VAB) Phạm Duy Hưng, sau hơn 4 tháng quyết liệt điều chỉnh nhưng đến nay dư nợ cho vay chứng khoán của VAB chỉ mới giảm xuống mức dưới 10% trên tổng dư nợ. Tại thời điểm Chỉ thị 03 ra đời, dư nợ của VAB lên đến con số 24% và theo ông Hưng, nhiều khả năng đến hết tháng 12/2007, dư nợ cầm cố chứng khoán của VAB vẫn ở trên mức 5%.
Giám đốc NHNN TP. HCM Hồ Hữu Hạnh cho biết, mục tiêu của việc thực hiện quyết liệt Chỉ thị 03 là NHNN muốn giảm bớt tiền trong lưu thông, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo lý giải của ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc của HDBank, cùng một số đại diện của 9 ngân hàng cổ phần có tỷ lệ dư nợ vượt mức 3%, nếu giảm lượng tiền trong lưu thông để kiềm chế lạm phát, NHNN có thể dùng đến biện pháp tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đồng thời, NHNN có thể phát hành các tín phiếu và dùng nhiều công cụ trên thị trường mở để hút tiền về, không nhất thiết phải siết chặt tín dụng cầm cố chứng khoán.
Hầu hết các ngân hàng đều kiến nghị, NHNN nên cho phép lùi thời hạn thu hồi nợ đối với những hợp đồng đã ký với nhà đầu tư từ 1 năm trở lên (kể từ tháng 5/2007). Tuy nhiên, theo ông Hạnh, NHNN kiên quyết sẽ thực hiện triệt để các quy định trong Chỉ thị 03. Trường hợp vi phạm sẽ có những biện pháp, chế tài cụ thể. Theo đó, NHNN có thể rút hoặc ngưng cấp các loại giấy phép con trong hoạt động của ngân hàng.
ACB cho biết, gần đây Ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc xin giấy phép triển khai một số hoạt động mới cũng như mở chi nhánh, phòng giao dịch. Lý do mà NHNN đưa ra là ACB chưa thực hiện đúng quy định của Chỉ thị 03, hạn mức dư nợ cầm cố vẫn trên 3%.