BMSC

http://bmsc.com.vn


Công nghiệp điện tử Việt Nam giữa hai gọng kềm

Cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu xuống mức tối đa (theo WTO) và cam kết mở cửa thị trường bán lẻ, phân phối là hai thách thức của các DN điện tử năm 2009

Cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu xuống mức tối đa (theo WTO) và cam kết mở cửa thị trường bán lẻ, phân phối là hai thách thức của các DN điện tử năm 2009. 


Các doanh nghiệp trong ngành ví von rằng, việc thực hiện cam kết này không khác nào như hai “gọng kềm” siết ngành công nghiệp điện tử nội địa, vốn đã rất yếu ớt lâu nay.

Số lượng nhiều, thị phần không đáng bao nhiêu

Theo ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Điện tử Việt Nam, phương thức hoạt động của các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam hiện nay là sản xuất phụ tùng, linh kiện xuất khẩu.

Phần việc này thuộc về các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài như Fujitsu, Canon. Phần khác là lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng phục vụ thị trường nội địa dành cho cả các liên doanh và các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Hùng cho rằng, cơ cấu sản phẩm bị mất cân đối giữa sản phẩm điện từ và điện tử chuyên dùng, công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và công nghiệp phụ trợ lại trông chờ vào hàng rào bảo hộ thuế quan của Nhà nước nên tỷ lệ nội địa hóa thấp và giá trị gia tăng trong sản phẩm không cao.

Do vậy, khi thị trường thế giới chuyển mình, hướng đến việc sản xuất các sản phẩm đòi hỏi giá trị gia tăng cao và hướng đến “công nghệ lõi” thì ngành sản xuất điện tử trong nước - trước nay chủ yếu phục vụ thị trường nội địa hoặc gia công, rất khó chống chọi nổi với với hàng rào cắt giảm thuế nhập khẩu linh kiện theo cam kết với WTO.

Bên cạnh đó, việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, phân phối dẫn đến các sản phẩm điện tử nguyên chiếc nhập khẩu có chất lượng cao tràn vào, càng gia tăng sức ép lên thị phần yếu ớt của các nhà sản xuất trong nước.

Theo một thống kê khác từ Bộ Công Thương, cơ cấu công nghiệp chế biến trong công nghiệp điện tử trong nước chưa đạt 5%. Do vậy, trong tổng số doanh thu gần 3 tỉ đô la Mỹ do ngành công nghiệp này mang lại, xuất khẩu đạt trên 2 tỉ đô la Mỹ nhưng 95 - 98% doanh thu xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - vốn chỉ chiếm 1/3 trong số 300 doanh nghiệp sản xuất điện tử ở Việt Nam.

Nói một cách khác, doanh nghiệp Việt Nam dù đông đảo về số lượng nhưng không có chỗ đứng trong lĩnh vực xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường nội địa càng ngày càng phải đối đầu với vô số những khó khăn.


Để tránh những cuộc ra đi


Trên thực tế, hàng rào bảo hộ thuế quan đối với các linh kiện nhập khẩu trong những năm qua - vốn để thúc đẩy ngành sản xuất điện tử trong nước, đã thất bại. Xu hướng hội nhập, cắt giảm thuế theo quy định đã dẫn đến sự ra đi của các liên doanh như Sony, Orion-Hanel, vốn chỉ thâm nhập vào thị trường để hưởng các ưu đãi về thuế và nhân công giá rẻ.

“Bối cảnh hiện nay không cho phép chúng ta bảo hộ ngành sản xuất này bằng các biện pháp thuế quan cũng như phi thuế quan mà chúng ta đã áp dụng từ vài năm trước”, ông Hùng nói.

Còn theo phân tích của một doanh nghiệp, sự chi phối của các hãng điện tử nước ngoài so với năng lực yếu kém của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơ cấu sản phẩm của ngành điện tử Việt Nam mất cân đối khá nghiêm trọng.

Việc cắt giảm thuế theo lộ trình khiến các doanh nghiệp thấy việc nhập khẩu nguyên chiếc từ các quốc gia khác có lợi hơn việc sản xuất tại Việt Nam khiến thị trường nhập khẩu hàng điện tử hiện tại với 80% là sản phẩm thuộc nhóm điện tử tiêu dùng, chỉ 20% thuộc nhóm sản phẩm điện tử chuyên dụng (sản phẩm phần cứng cho công nghệ thông tin gần như không có). Trong khi ấy, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chỉ đạt khoảng 20 - 30% và chủ yếu là bao bì, chi tiết nhựa và cơ khí.

Các chuyên gia trong ngành sản xuất điện tử đưa ra một gợi ý rằng, đặc điểm của ngành công nghiệp điện tử hiện tại là chuyên môn hóa và toàn cầu hóa.

Trước tình hình thuế suất có nhiều thay đổi và việc cạnh tranh trên thị trường sản xuất điện tử ngày càng khốc liệt hơn, không nhất thiết các doanh nghiệp điện tử phải đi đến cuối con đường là trở thành các nhà sản xuất lớn như các tên tuổi nước ngoài mà có thể tạm thời từ bỏ phương thức sản xuất toàn bộ sản phẩm để củng cố và nâng cao năng lực.

Lãnh đạo một doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất các linh kiện phụ trợ cho các hãng lớn cho rằng, nếu doanh nghiệp trong nước muốn tự sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh thì rất khó cạnh tranh do chưa có thương hiệu.

Trong giai đoạn đối diện với quá nhiều sức ép mở cửa thị trường và cam kết WTO như hiện nay, việc thương hiệu không đủ lớn sẽ nhận lại hậu quả là sản phẩm không có khả năng cạnh tranh, hiệu quả đầu tư thấp. “Nhưng nếu chúng ta chỉ làm một cụm chi tiết nào đó của sản phẩm nhưng ở quy mô cung cấp cho toàn cầu thì thương hiệu sẽ từng bước được nâng lên và bước đến các giai đoạn sản xuất khác”, doanh nhân này gợi ý

Các doanh nghiệp FDI hoặc các liên doanh có thể rút lui khỏi một thị trường nếu bài toán đầu tư và kinh doanh của họ đã đạt đến ngưỡng tối đa về hiệu quả đầu tư và tận dụng hết khả năng của thị trường. Nhưng với các doanh nghiệp điện tử trong nước, mục tiêu đầu tư không phải là để tận dụng những chính sách bảo hộ như các doanh nghiệp nước ngoài.

Do vậy, đây cũng là thời điểm để tập trung đầu tư theo chiều sâu thay vì đầu tư dàn trải theo chiều rộng như thời gian qua và chủ động tìm kiếm đối tác trong khu vực, nhất là các quốc gia có công nghệ điện tử phát triển nhằm mục đích hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào một lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm mà mình có thế mạnh nhằm tạo ra cạnh tranh cao, để trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.


Theo Ngọc Lan
TBKTSG 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây