Cty chứng khoán nỗ lực nâng cấp dịch vụ tư vấn
- Thứ sáu - 14/09/2007 10:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Báo cáo "nội": Thiếu chỗ đứng?
Sự kiện CTCK Sài Gòn (SSI) công bố bản báo cáo "TTCK Việt Nam - câu chuyện về sự tăng trưởng" thực sự đã khơi mào cho một làn sóng các báo cáo phân tích của các CTCK ra đời như của CTCK Bảo Việt, CTCK Thăng Long, CTCK Biển Việt...
Tuy nhiên, thực tế các báo cáo này đã không được một số NĐT đón nhận một cách thiện chí, thậm chí có ý kiến phản hồi cho rằng các báo cáo có dụng ý làm giá. Thậm chí một số CP được đánh giá cao trong một bản báo cáo đã rớt giá "thê thảm" ngay sau khi báo cáo được tung ra.
Theo một chuyên viên phân tích tại một CTCK có tham gia xây dựng báo cáo, phản ứng này cũng không quá khó hiểu, vì NĐTTN vẫn chưa quen với các dạng báo cáo này và có xu hướng "chuộng đồ ngoại". Ngoài ra, nghiệp vụ tự doanh của các CTCK cũng có thể tạo ấn tượng về sự xung đột lợi ích.
Tuy nhiên, ý kiến này cho rằng không một CTCK nào lại sử dụng công cụ báo cáo để làm giá một cách "thô thiển" như vậy vì NĐT sành sỏi trên thị trường không hiếm. Mặt khác, việc công bố các báo cáo thực chất cũng là hoạt động quảng bá tên tuổi của Cty và chất lượng của bản báo cáo đi liền với uy tín DN.
Thực tế việc tiếp cận thông tin về TTCK VN của các tổ chức nước ngoài không có nhiều lợi thế bằng các tổ chức trong nước. Trong bối cảnh TTCK VN các dữ liệu phân tích và môi trường vĩ mô có nhiều điểm khác biệt, nên báo cáo phân tích của các tổ chức nước ngoài chỉ nên nghiên cứu mang tính tham khảo.
Một số báo cáo của tổ chức nước ngoài vừa qua đã có sai sót nghiêm trọng về số liệu. Chẳng hạn báo cáo của HSBC đã từng "đội" chỉ số P/E của CP SSI lên vài chục lần do sử dụng dữ liệu đầu vào quá cũ mà dữ liệu này lại được lấy từ trang web của một CTCK trong nước!
Theo chuyên gia kinh tế Huy Nam, giai đoạn kiếm tiền dễ dàng trên TTCK đã qua và NĐT hiện tại cần tự trang bị những kiến thức cần thiết. Từ góc độ cung cấp dịch vụ, các CTCK cũng phải trú trọng hơn công tác tư vấn.
Hiện tại nhiều CTCK mới chỉ tạo thêm thuận lợi trong giao dịch cho NĐT chứ chưa chú ý cung cấp đầy đủ thông tin giúp NĐT có cơ sở ra quyết định do cơ sở dữ liệu nghèo nàn và chưa được đào sâu cần thiết. Lợi thế về thông tin sẽ là yếu tố tạo sức cạnh tranh của CTCK thời gian tới khi nhu cầu tư vấn tăng cao.
Xây dựng chỉ số CK: Dò đường
Ngoài các bản báo cáo đánh giá thị trường, một xu hướng tiện ích mới bắt đầu được các CTCK triển khai là xây dựng chỉ số CK trên cơ sở một danh mục đầu tư tối ưu. Khơi mào cho xu hướng này là CTCK Biển Việt với nhóm chỉ số CBV-Index vào tháng 5.2007.
Với tham vọng là chỉ số giúp NĐT có thể đánh giá chính xác hơn diễn biến tài chính của TTCK trên 2 sàn giao dịch, CBV-Index đại diện cho giá của 50 Cty hàng đầu đang niêm yết chiếm 80% tổng giá trị vốn hóa thị trường. CBV-Index được chia ra thành 10 chỉ số đại diện các ngành như công nghệ, hàng tiêu dùng, y tế...
Theo ông Lê Nam Trung, Trưởng nhóm nghiên cứu chỉ số CTCK Biển Việt, các chỉ số CBV-Index sẽ giúp NĐT "dò tìm" được những CP thuộc những ngành có nhiều tiềm năng và theo dõi biến động CP thuộc ngành đó. Trên cơ sở các chỉ số ngành, NĐT có thể xây dựng một danh mục đầu tư hẹp phù hợp.
"Đầu tư theo danh mục và đầu tư theo chỉ số là các phương pháp rất phổ biến trong các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nhưng chưa được phổ biến rộng rãi cho các NĐT cá nhân. Việc xây dựng những chỉ số này là một hỗ trợ NĐT giảm thiểu rủi ro", ông Trung cho biết.
Gần đây nhất, từ đầu tháng 9, CTCK Thăng Long công bố một nhóm chỉ số trên cơ sở xây dựng một danh mục đầu tư với số lượng 20 - 30 CP được lựa chọn (chỉ số Thăng Long 20 và Thăng Long 30).
Theo ông Quách Mạnh Hào, trưởng phòng phân tích đầu tư CTCK Thăng Long, chỉ số Thăng Long thực chất là một công cụ đánh giá tổng hợp diễn biến giá trị của một danh mục đầu tư được coi là tối ưu.
Giả sử NĐT đầu tư theo danh mục này có thể biết được tình trạng lãi/lỗ của khoản đầu tư đó trong các điều kiện khác nhau của thị trường.
Theo báo cáo hàng ngày của CTCK Thăng Long, nếu đầu tư theo danh mục Thăng Long 20 kể từ đầu tháng 8 đến ngày 11.9, NĐT đã đạt mức lợi nhuận khá hấp dẫn: +14,47%, trong khi chỉ số VN-Index mang lại khoản lợi nhuận -0,29%.
Ông Hào cũng cho biết, đây mới là giai đoạn thử nghiệm các chỉ số và Cty sẽ cung cấp miễn phí danh mục. Dự kiến Cty sắp tới sẽ cung cấp dịch vụ theo định hướng khách hàng: NĐT có thể chỉ quan tâm đến 5-7 mã CP trong danh mục Thăng Long và sẽ được tư vấn để phân bổ tỉ trọng nguồn vốn phù hợp trong từng thời kỳ nhất định.
Diễn biến tích cực của chỉ số Thăng Long 20 vừa qua đã chứng minh một điều: Trong giai đoạn thị trường diễn biến bất lợi, VN-Index giảm mạnh, nếu NĐT cân nhắc và lựa chọn được một danh mục đầu tư tốt thì khoản đầu tư vẫn sinh lời.
Theo ông Lê Đình Ngọc - GĐ CTCK Thăng Long, tạo ra sự khác biệt trong dịch vụ sẽ là một xu hướng cạnh tranh giữa các CTCK thời gian tới.