BMSC

http://bmsc.com.vn


Cung cầu ngoại tệ bình ổn trở lại

Đúng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã nói “Ngoại tệ là bài toán khó nhất cả về đối nội và đối ngoại”. Trong điều kiện của Việt Nam,tình trạng “đô la hóa” đã tồn tại trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ thời “thả nổi có kiểm soát”, trong điều kiện Việt Nam cùng một lúc phải chống cả hai “kẻ thù” là vừa lạm phát cao, vừa nhập siêu lớn, thì cái khó trên lại càng khó.

Ngoại tệ không chỉ góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, bảo đảm tính thanh khoản quốc gia, ổn định tỷ giá, tác động đến lạm phát, xuất, nhập khẩu, đến lòng tin vào đồng nội tệ… Nếu tỷ giá VND/USD tăng (tức là giảm giá VND) sẽ kích thích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, giảm nhập siêu, nhưng lại làm cho “nhập khẩu lạm phát” bị khuếch đại lên, làm tăng lạm phát ở trong nước và lạm phát ở Việt Nam cao hơn lạm phát ở các nước. Nếu tỷ giá VND/USD giảm (tức là tăng giá VND) thì tác động tốt đối với việc kiềm chế lạm phát, nhưng lại khuyến khích nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu, tăng nhập siêu, tác động xấu đến cán cân thanh toán tổng thể, làm giảm tính thanh khoản của quốc gia…

 

Trong điều kiện trên, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang quản lý ngoại hối theo hướng “linh hoạt có kiểm soát”. Tính linh hoạt có kiểm soát được thể hiện ở nhiều điểm. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng hằng ngày. Các ngân hàng thương mại được tự quyết định tỷ giá giao dịch giữa VND và USD nhưng theo biên độ dao động do Ngân hàng Nhà nước quy định (hiện đã tăng từ ± 1% lên ± 2%); tự quyết định tỷ giá giao dịch giữa VND và các ngoại tệ khác, nhưng nghiêm cấm mua bán USD - VND thông qua một ngoại tệ thứ ba; Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng này đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, khí đốt, các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như phân bón, dược phẩm… Chấn chỉnh hoạt động thu đổi ngoại tệ. Việc quản lý các bàn thu đổi ngoại tệ lâu nay bị buông lỏng, làm cho tình trạng mua bán ngoại tệ tự do khá phổ biến; vừa qua nhân lúc lạm phát lên cao, nhập siêu lớn, tỷ giá trên thị trường tự do đã vọt lên cao và chênh lệch quá xa so với tỷ giá niêm yết trên thị trường chính thức. Một quy chế mới về hoạt động của các bàn thu đổi ngoại tệ sắp được ban hành nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động này…

 

Với nhiều biện pháp như trên, cộng với nhập siêu có xu hướng ít đi, đã làm cho cung - cầu ngoại tệ đã bình ổn trở lại. Trong các ngân hàng thương mại đã mua bán theo tỷ giá niêm yết và tỷ giá niêm yết nằm trong biên độ cho phép so với tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày. Tỷ giá trên thị trường tự do đã giảm mạnh và chỉ còn chênh lệch ít so với tỷ giá niêm yết trên thị trường chính thức. Với dự trữ ngoại tệ gần 21 tỷ USD, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng chậm lại, mức nhập siêu đã giảm trong mấy tháng qua và khả năng chỉ còn khoảng 1 tỷ USD/tháng trong 6 tháng còn lại, giải ngân nguồn vốn FDI mới qua 6 tháng đã đạt 5 tỷ  USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,95 tỷ USD trong 6 tháng, tăng 14% so với cùng kỳ… do đó cán cân tổng thể cả năm nay sẽ có số dư trên 2,5 tỷ USD, dẫn đến cung cầu ngoại tệ sẽ được cải thiện, tỷ giá VND/USD sẽ ổn định (tháng 6/2008 so với tháng 12/2007, giá USD tăng 5,02%; nhưng nếu tính theo năm, bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước mới tăng 0,51%, theo dự đoán của chúng tôi, khả năng bình quân năm nay chỉ tăng khoảng 2,55% so với bình quân năm trước; tức là nếu năm trước tỷ giá VND/USD bình quân là 16.090 thì năm nay sẽ vào khoảng 16.500).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây