"Cuộc đời nên là bữa tiệc buffet"
- Thứ ba - 18/09/2007 05:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kinh nghiệm thực tiễn
Là nhà lãnh đạo có đầu óc thực tế, ông Lý Quang Diệu hết sức coi trọng đào tạo các nhà lãnh đạo có kinh nghiệm thực tiễn và khả năng ứng dụng chính sách tốt. Đặc điểm này thể hiện ngay từ khâu đào tạo và tuyển chọn cán bộ. Hệ thống giáo dục và chính phủ Singapore đề cao những người có năng khiếu về khoa học tự nhiên như toán học, kỹ sư, hóa học vì họ được coi là có tiềm năng trở thành các nhà quản lý giỏi có thể giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh một cách khoa học.
Những thanh niên trẻ có năng lực và triển vọng sau khi nhận học bổng được tạo cơ hội và thử thách qua nhiều vị trí khác nhau, để thể hiện khả năng giải quyết các công việc nhà nước vốn rất đa dạng và phức tạp. Đa số được bổ nhiệm vào ngạch hành chính và thăng tiến theo qui trình thông thường. Một số đặc biệt xuất sắc được bồi dưỡng để nhanh chóng trở thành cán bộ lãnh đạo của đất nước. Đối với số cán bộ này, Chính phủ Singapore đưa ra "cơ chế sự nghiệp kép", theo đó giai đoạn đầu những công chức trẻ có triển vọng được phân công quản lý một lĩnh vực kỹ thuật thuần túy. Sau một vài năm, họ được thuyên chuyển sang vị trí quản lý cao cấp để điều hành các vấn đề mang tính vĩ mô của nhà nước và được hưởng lương cao đặc biệt.
Thông thường những người này sẽ được bổ nhiệm vào vị trí bí thư thường trực (nhân vật đứng số hai của một bộ - tương đương vị trí thứ trưởng thường trực phụ trách bộ máy công chức của bộ) trong độ tuổi 30 mà Thủ tướng Lý Quang Diệu gọi họ là thuộc đội B để hỗ trợ chuyên môn cho các bộ trưởng mà ông gọi là những người thuộc đội A, là các nhà lãnh đạo chính trị được bổ nhiệm, thường trong độ tuổi 40.
Nhìn chung năng lực của bí thư thường trực và bộ trưởng tương đối như nhau, đều là những người xuất sắc và có cống hiến quan trọng trong Chính phủ Singapore. Đa số các bí thư thường trực làm việc trong nhiệm kỳ cố định 10 năm để bảo đảm sự ổn định cho hệ thống công chức. Tuy nhiên, một số nhanh chóng trở thành bộ trưởng. Tất nhiên sự thay đổi này đòi hỏi một khâu sàng lọc quan trọng khác, đó là các ứng cử viên phải tham gia đảng Hành động nhân dân (PAP) do ông Lý Quang Diệu sáng lập và ứng cử vào nội các Singapore.
Đương nhiên, theo qui trình bồi dưỡng nhân tài, rất nhiều ứng cử viên bắt nguồn từ hệ thống công chức. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1997 có 24 ứng cử viên mới thì 15 người cũng từ bộ máy công chức. Chính vì đặc điểm này mà nội các của Singapore không đơn thuần chỉ là những nhà lãnh đạo chính trị được bổ nhiệm trên cơ sở trung thành với đảng và người đứng đầu đảng (thủ tướng), mà là những hạt nhân xuất sắc đã trải qua một quá trình tu dưỡng, đào tạo, cống hiến cho nhân dân và sàng lọc qua thực tế công việc.
"Cuộc gặp mặt nhân dân"
Ở vị trí bộ trưởng, các nhà lãnh đạo trẻ Singapore tiếp tục được thử thách qua việc xử lý các vấn đề của thực tế cuộc sống đặt ra của nhân dân. Là đảng viên đảng PAP và bộ trưởng trong nội các Singapore, hằng tuần họ phải tổ chức "cuộc gặp mặt nhân dân" tại những địa bàn họ phụ trách với tư cách đại biểu quốc hội.
Tại cuộc gặp này, họ phải gặp gỡ trực tiếp người dân để giải quyết những vấn đề rất cụ thể mà người dân đang gặp phải trong cuộc sống hằng ngày như tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nâng cấp chung cư, thang máy, xây dựng lối đi riêng cho người tàn tật... Bản thân Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng nổi tiếng với thói quen du hành qua các phố và khu dân cư tại Singapore để kiểm tra, nắm bắt và xử lý tình hình.
Một đặc điểm khác nổi bật trong hệ thống quản lý Singapore là xử lý các vấn đề quốc gia trên quan điểm liên ngành. Chính vì vậy các bộ trưởng được kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau tại các bộ. Chẳng hạn Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo trước đây từng phụ trách các bộ y tế, công thương, văn hóa, nghệ thuật và truyền thông. Như vậy từ những sinh viên giỏi được nhận học bổng của chính phủ, trở thành những công chức trẻ triển vọng và có nhiều cống hiến xuất sắc, những người này bắt đầu bước chân vào chính trường trở thành những bộ trưởng nhiều khả năng trong nội các Singapore.
Vào vị trí nào họ cũng làm giỏi và có những cống hiến xuất sắc. Với ông George Yeo, chính quan điểm làm việc và cống hiến theo kiểu "cuộc đời nên là bữa tiệc buffet" đã giúp ông và nhiều công chức thành công, phục vụ hiệu quả hơn cho việc nước. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo cho rằng kinh nghiệm thực tiễn theo quan điểm "cuộc đời nên là một bữa tiệc buffet" đã giúp rất nhiều công chức thành công.
Có thể nói một trong những bí quyết quan trọng nhất giải thích sự thần kỳ Singapore chính là nhờ sự quan tâm sát sao của ông Lý Quang Diệu trong việc lựa chọn, đào tạo và thử thách các nhà lãnh đạo trẻ Singapore. Chính ông là người đã truyền cảm hứng tạo ra một thế hệ các nhà lãnh đạo trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết của Singapore.
Qua 30 năm làm Thủ tướng, ông đúc rút sáu nguyên tắc lãnh đạo đất nước Singapore: 1 - Chuyển tín hiệu rõ ràng cho người dân, 2 - Xây dựng các chính sách nhất quán, 3 - Duy trì một chính phủ trong sạch, 4 - Giành sự tôn trọng, chứ không theo chủ nghĩa dân túy, 5 - Tạo ra lợi ích rộng rãi cho người dân và 6 - Nỗ lực thành công. Các nguyên tắc này nghe có vẻ đơn giản và hiển nhiên, nhưng thực hiện chúng không hề dễ dàng.