Cuối năm hàng dỏm “xuống đường” bày bán công khai
- Thứ sáu - 13/12/2013 03:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cứ vào thời điểm cuối năm, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng (gọi chung là hàng dỏm) lại bày bán công khai trên khắp các ngả đường.
“Siêu thị” ngoài trời
Nằm lộ thiên trên đường Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình (TPHCM), hàng loạt sạp quần áo được bày bán tràn ra chiếm hết phần lề đường. Từng đống quần áo trưng bày với số lượng lớn và có giá cả khá “bèo”, nhưng không gắn nhãn hiệu hay giá bán. Quần jean có giá khoảng 150.000 đồng/cái, quần lửng kaki túi hộp giá 100.000 đồng/cái…
Khi nghe chúng tôi hỏi muốn mua quần jean, quần ngắn với số lượng lớn để gửi về quê bán, chủ sạp là một cô gái trẻ tươi cười bảo, nếu lấy mỗi thứ khoảng 100 cái, giá sẽ giảm xuống từ 30.000 - 40.000 đồng so với giá bán lẻ, cô gái còn khẳng định thêm: “Tôi bán ở đây hơn 2 năm rồi, cũng có nhiều mối sỉ lấy mỗi lần hơn 1.000 cái để đưa về các tỉnh tiêu thụ”.
Trái hẳn với việc mua bán quy mô và nhộn nhịp ở những sạp bán hàng xuyên tỉnh, những cửa hàng chính quy, có đóng thuế và trả tiền thuê mặt bằng gần đó với băng rôn quảng cáo đỏ rực, trưng bày hoành tráng trước cửa hàng lại luôn vắng khách. Chị L., chủ một cửa hàng than: “Từ khi mấy cái sạp quần áo vỉa hè mọc lên thì số lượng khách đến cửa hàng giảm sút mạnh. Thật khó hiểu khi họ lấn chiếm vỉa hè, bán quần áo không rõ nguồn gốc như thế nhưng chẳng có ai đến kiểm tra”.
Tương tự, trên đường Lý Thường Kiệt san sát những sạp bán ba lô di động. Sạp này được hình thành từ chiếc xe máy gắn vào một bộ khung sắt cao chót vót. Bộ khung sắt này có thể treo 30 - 40 ba lô để khách hàng tha hồ chọn lựa. Những chiếc ba lô này có giá dao động từ 70.000 - 250.000 đồng/cái với đủ các thương hiệu nổi tiếng như Polo, Adidas, Columbia… Khi mua những thương hiệu “nổi tiếng” này về sử dụng, không may hàng bị lỗi hoặc hư hỏng không biết tìm người bán ở đâu để bắt bồi thường khi những địa điểm bán hàng luôn thay đổi. Đối diện công viên Hoàng Văn Thụ có tới 6 điểm bán giày từ trong nhà cho tới vỉa hè.
Dạo quanh một vòng thấy có đủ các loại giày tây, giày lười, giày thể thao… Tất cả mẫu mã nhìn khá bắt mắt nên cũng có nhiều người đi đường ghé vào để tậu cho mình một đôi vừa ý. Bước vào một cửa hàng bán giày không có tên nhưng phía trước có treo một tấm bảng thật to “Giày xả đại hạ giá”, xem xét kỹ hồi lâu chúng tôi mới hỏi người bán hàng: “Đây là hàng giả da, đế thì nhẹ hiều. Chắc là hàng dỏm giá rẻ chứ đâu phải là hàng xả?”.
Chủ cửa hàng không ngại ngần trả lời: “Buôn bán thì phải có chiêu chứ anh, không thì làm sao bán được, có người tinh mắt thì biết còn đa phần khách vào thấy rẻ đều mua hết”.
Cũng không thể trách được người mua ham rẻ, bởi vì khi có khách vào xem, chủ hàng đều bảo, đây là hàng thanh lý nên giá rẻ, trước đây có giá trên 400.000 đồng nhưng bây giờ chỉ còn 180.000 đồng. Khách hàng nếu trước đây chưa từng sử dụng hàng chất lượng, có thương hiệu thì thật khó để cưỡng lại những lời mời mọc như thế. Còn phía người bán thì chỉ cần bán được hàng là xong, không phải lo chuyện hậu mãi nên cứ việc vô tư thổi phồng.
Hàng lên đời
Những mặt hàng về linh kiện điện tử, điện thoại di động cũng được bày bán công khai, nhiều nhất là trên vỉa hè đường Nguyễn Kiệm đoạn gần công viên Gia Định (quận Gò Vấp), góc ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu… Tại đây, luôn có những va li di động đầy ắp điện thoại, máy tính, đồng hồ… với đủ các loại đời mới của các thương hiệu nổi tiếng như SamSung, Nokia, Sony…
Còn ai muốn quay về quá khứ để tìm lại những sản phẩm “oai hùng” một thời như “Chiếc lá lớn”, E72 hay những chiếc điện thoại “đập đá” đen trắng thì vỉa hè những đoạn đường này đều cung cấp đủ, nhưng chất lượng thì không ai dám đảm bảo.
“Ở đây toàn hàng đểu, có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc hoặc hàng đời cũ bị hư hỏng, được các tay chợ trời mua về “mông má” lại bán với giá bèo. Hôm trước, tôi mua một chiếc Nokia E71, thấy bên ngoài còn mới toanh, lắp sim điện thoại thử nghe rõ ràng, nhưng về xài được 2 tuần thì máy chập chờn, sau đó không khởi động được. Mang máy đến trả lại thì người bán bảo hàng đã bán, miễn đổi lại và cũng không có thợ sửa”, anh Tư, một “khổ chủ” cho biết.
Hiện nay tại nhiều cổng trường đại học, cao đẳng đều có những sinh viên bày bán những linh kiện laptop như vỏ bọc laptop, chuột quang, đế tỏa nhiệt… và hầu hết những sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Cuối năm là dịp những mặt hàng điện tử, hàng gia dụng được bày bán với số lượng lớn, từ đó có những công ty chỉ nhận nhân viên bán hàng ăn theo sản phẩm. Phía công ty sẽ cung cấp xe tải, tài xế, hàng hóa để vào những nơi có đông dân cư như những khu công nghiệp, chợ bày bán sản phẩm.
Những mặt hàng này đều có xuất xứ từ Trung Quốc nhập về với số lượng lớn, đa phần là hàng dỏm, hàng kém chất lượng nên có giá rất rẻ. Những mặt hàng này đã tăng giá gấp 3 - 4 lần trước khi đến tay người tiêu dùng nhưng giá chỉ bằng hoặc thấp hơn giá thị trường, như một bếp ga lúc nhập về giá 300.000 đồng/cái nhưng bán ra 900.000 đồng/cái. “Bán những sản phẩm như vậy, tôi thấy cũng áy náy lắm, nhưng nếu không bán thì cũng có người khác bán”, anh N.T.T. chuyên bán hàng cho những doanh nghiệp có hàng lưu động tâm sự.