DN "lạnh nhạt" dần với chứng chỉ ngoại ngữ A, B
- Thứ sáu - 21/09/2007 08:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
500.000 đồng có chứng chỉ B tiếng Anh!
Nguyễn Đức Hiếu, một kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm 5 năm, cần gấp một chứng chỉ B tiếng Anh để nộp hồ sơ vào một công ty liên doanh trong ngành. Chỉ mất 500.000 đồng, trong vòng 3 ngày, anh đã có trong tay chứng chỉ này. Thực chất, anh chỉ nói được vài ba câu tiếng Anh giao tiếp thông thường.
Một lớp học tiếng Anh miễn phí tại Công ty CP Xây dựng và lắp đặt viễn thông (ảnh minh họa). |
Việc có nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ ngoại ngữ "chui" và chất lượng dạy, học tại một số cơ sở ngoại ngữ đã làm cho giá trị của chứng chỉ A hay B tiếng Anh giảm dần. Khi tuyển dụng hoặc đánh giá nhân sự, các công ty cũng không nhìn vào đó để đo năng lực thực sự của các vị trí. Thường thì, chúng giờ gần như chỉ để làm đẹp hồ sơ (bản tiếng Anh cũng... thuê dịch). Đến vòng phỏng vấn trực tiếp, những người này thường rớt ngay. Trường hợp anh Đức Hiếu là ví dụ điển hình, bởi anh bị loại ngay tại buổi phỏng vấn.
Từ đầu năm 2005, nghiên cứu của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) về "Thực trạng dạy và học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ khu vực TP.HCM", cho thấy, 45 đơn vị, cơ quan trả lời phiếu thăm dò cho thấy nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong công việc hàng ngày ở các công ty Việt Nam khá cao, từ trung bình đến nhiều, chiếm 69%. Tiếng Anh còn được xem là cơ sở để xét đề bạt hay tăng lương: đơn vị trong nước là 56%, còn ở các DN nước ngoài và liên doanh là 100%.
Thang chuẩn TOEIC hiện đang được sử dụng khá phổ biến trong hệ thống ngân hàng (Techcombank, Sacombank, Vietcombank TP.HCM, MB Bank, VP Bank, ACB... ), bảo hiểm (Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm tiền gửi... ), Vietnam Airlines, FPT... hay Samsung, LG Electronics, Vietravel, Saigontourist, khách sạn Bông Sen... |
Theo GS. Đỗ Huy Thịnh, Giám đốc Tổ chức này tại Việt Nam, thì khảo sát đối với các đơn vị trong nước, chứng chỉ A, B, C vẫn là yêu cầu chủ yếu (65%), kế đến là bằng ĐH chuyên ngữ Anh (26%) và các chứng chỉ khác như TOEFL hay IELTS (9%). Tuy nhiên, từ đó đến nay, thực tế đã thay đổi rất nhiều so với những con số đó.
Giám đốc nhân sự của một công ty săn đầu người tại TP.HCM, cho rằng, không thể yêu cầu TOEFL hay IELTS đối với người lao động ở các công ty nước ngoài, do trên thực tế, số người có 2 loại chứng chỉ này gần như chọn mục đích du học và học lên cao. Thậm chí, tuyển nhân viên bảo vệ hay lễ tân thì cũng hoàn toàn không yên tâm với bằng A hay B của Việt Nam. Gần đây, chứng chỉ TOEIC đang được coi là một yêu cầu xác đáng.
Từ năm 2004, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã rao tuyển một số vị trí mà yêu cầu ngoại ngữ phải đạt 250 điểm TOEIC (Test of English for Internatinonal Communication). Đến 2005, cũng vị trí này, điểm đã tăng lên 310 và tới cuối năm 2006 là 410 điểm. Tuyển vào, Vietnam Airlines chỉ mất thêm một tháng đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành cho nhân viên mới.
Cuối tháng 8/2007, Vietnam Airlines cũng đăng tin tuyển dụng vị trí chuyên viên thương mại Ban Kế hoạch Thị trường, yêu cầu phải đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu 500 điểm TOEIC hoặc 450 điểm TOEFL. Nếu hãng chọn nhân viên để cử đi các khoá đào tạo do người nước ngoài giảng dạy ở Việt Nam, hoặc ra nước ngoài, bắt buộc người được chọn phải đạt 500 điểm TOEIC trở lên.
Ở Công ty du lịch Vietravel Hà Nội, các vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên văn phòng và nghiên cứu thị trường... từ năm 2006 cũng phải đạt 420-550 điểm IELTS, TOEFL hoặc 670 điểm cho từng vị trí.
Mới đây nhất, trong thông báo tuyển dụng của Công ty LG Electronics, vị trí chuyên viên phòng đổi mới; chuyên viên phòng kinh doanh; nhân viên marketing; nhân viên bán hàng tại các đại lý... nếu ứng viên có chứng chỉ TOEIC từ 500 trở lên còn thời hạn sẽ không phải tham dự phần thi tiếng Anh. Hầu như trong các thông báo tuyển dụng của các ngân hàng, bảo hiểm, công ty lữ hành, một số DN điện tử... đều không còn nhắc tới chứng chỉ A, B tiếng Anh!
Giám đốc cũng đi thi TOEIC
Trò chuyện với PV.VietNamNet, ông Đoàn Hồng Nam, Tổng Giám đốc TOEIC Vietnam (đại diện Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam - NV), kể câu chuyện ở Ngân hàng Teckcombank cách đây đã 5 năm. Tổng giám đốc ngân hàng này là người tiên phong thi TOEIC trước khi áp dụng cho toàn bộ nhân viên ngân hàng, thể hiện ở ngay khâu thi đầu vào. Từng vị trí đều có mã số với thang chuẩn TOEIC bắt buộc.
Ông Đoàn Hồng Nam đang giới thiệu về chứng chỉ TOEIC (ảnh H.Phương). |
Hơn 1 năm sau, ngân hàng không mất đồng nào để đào tạo, trong khi trình ngoại ngữ của nhân viên vẫn tốt. Đây cũng là ngân hàng cổ phần đầu tiên có các giám đốc là người nước ngoài (Ngân hàng HSBC) giao tiếp với các đồng sự hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đến nay, ông Nam cho biết, có gần 300 công ty, tổng công ty có sử dụng thang chuẩn TOEIC. Tuỳ vị trí công việc và yêu cầu ngoại ngữ, doanh nghiệp có thể quy đổi ra điểm TOEIC, để phục vụ công tác tuyển dụng hoặc đánh giá nhân sự.
"Ví dụ, giữa một anh chuyên viên đối ngoại hoặc một anh bảo vệ, thang chuẩn TOEIC đối với anh bảo vệ chỉ cần 350 điểm, anh chuyên viên cần 850 điểm. Nếu anh bảo vệ đạt 350 điểm là giỏi, còn anh chuyên viên chỉ đạt 800 điểm có thể bị hạ lương vì tiếng Anh không đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây là lý do mà các doanh nghiệp sử dụng TOEIC như một công cụ quản trị nhân sự mạnh", ông nói.
Hiện các công ty thường tổ chức đào tạo tiếng Anh cho nhân viên thông qua việc mời chuyên gia giảng dạy hoặc cho đi học ở nước ngoài. Song, lãnh đạo công ty không chắc nhân viên có tiếp thu được không, chưa kể thỉnh thoảng có người bỏ học do bận việc hoặc học chểnh mảng dẫn đến rất lãng phí. Trong khi đó, người phụ trách đào tạo ngày nào cũng phải lo điểm danh, kiểm tra, cuối cùng vẫn không nắm được nhân viên có tiến bộ hơn không, đối tác đào tạo có đạt yêu cầu không?
Ông Nam cho rằng, việc đầu tiên công cụ TOEIC giúp lựa chọn người cần học và cùng trình độ đi học với nhau; chống được bỏ học và khuyến khích tự học để đạt yêu cầu của vị trí. Ở Việt Nam, ông Nam nói rằng ngay cả Tổng Giám đốc LG, Samsung cũng đi thi TOEIC hoặc người được điểm cao nhất tháng 12/2006 là Phó Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.
Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT sau 2 năm nghiên cứu (2003-2005) đã cử một phái đoàn, dẫn đầu là Thứ trưởng Bành Tiến Long và các vụ liên quan sang làm việc với Viện Khảo thí Giáo dục cùng ký biên bản hợp tác. Trong đó, thỏa thuận nêu rõ ngành giáo dục Việt Nam sẽ sử dụng TOEIC để xây dựng thang chuẩn đánh giá cho sinh viên tốt nghiệp ở các trường ĐH, CĐCN khối không chuyên ngữ.
Hiện hàng loạt trường đã sử dụng công cụ TOEIC, hỗ trợ rất tốt cho phía sử dụng nhân sự, như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Lạc Hồng, Tôn Đức Thắng, Đà Nẵng.