BMSC

http://bmsc.com.vn


Đấu giá công khai 6,5% vốn điều lệ Vietcombank

Chỉ có 6,5% vốn điều lệ của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) được đầu giá công khai trong nước.

Đây là tỷ lệ được xác định từ Quyết định số 1289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietcombank, ký ngày 26/9/2007.

Giữ nguyên vốn nhà nước

Giá trị phần vốn nhà nước tại Vietcombank theo sổ sách kế toán tại thời điểm 31/12/2006 đã được kiểm toán năm 2006 là 11.127.248 triệu đồng (mười một triệu một trăm hai mươi bảy nghìn hai trăm bốn mươi tám triệu đồng). Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vietcombank sau cổ phần hóa là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Ngoài áp dụng các phương pháp quốc tế trong xác định giá trị doanh nghiệp, Vietcombank thực hiện các bước xử lý tài chính, xác định giá trị quyền sử dụng đất và hình thức sử dụng đất sau cổ phần hoá, đánh giá tài sản khác..., kết hợp với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của tổ chức tư vấn cổ phần hoá và định giá nước ngoài; đồng thời căn cứ tình hình cung cầu thị trường và các yếu tố khác tại thời điểm trước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giá khởi điểm, công bố giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo số đánh giá lại.

Hình thức cổ phần hoá được xác định là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại Vietcombank, phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn theo nguyên tắc nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, qua nhiều giai đoạn với tỷ lệ vốn nhà nước giảm dần nhưng không thấp hơn 51% vốn điều lệ.

Cơ cấu phát hành

Theo quyết định trên, vốn điều lệ của Vietcombank là 15.000.000.000.000 đồng (mười lăm nghìn tỷ đồng).

Trong giai đoạn 1, tổng khối lượng phát hành trong đợt đầu là 30% vốn điều lệ, trong đó cổ phần bán đấu giá công khai trong nước là 6,5% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và cho các đối tượng nắm giữ trái phiếu tăng vốn là 3,5 % vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước là 5% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tối đa không quá 20% vốn điều lệ.

Trong giai đoạn 2, Vietcombank sẽ phát hành và niêm yết tại nước ngoài nhưng tỷ lệ không vượt quá 15% vốn điều lệ.

Như vậy, tỷ lệ bán đấu giá công khai trong nước là 6,5%, thay vì 10% theo một số dự đoán trước đây. Với tỷ lệ 6,5%, một số ý kiến cho rằng khi đưa ra đấu giá công khai, kết quả khó phản ánh đúng phần lớn còn lại.

 

Nếu xét tổng thể của khối lượng phát hành, dự kiến sẽ có khoảng 35% thuộc về nhà đầu tư nước ngoài (gồm đối tác chiến lược và niêm yết quốc tế), trong khi tỷ lệ sở hữu của nhà nước không thấp hơn 51%; trừ cả phần bán cho cán bộ công nhân viên, đối tác chiến lược trong nước, “miếng bánh” dành cho nhà đầu tư trong nước khá hạn chế, trong khi cổ phiếu Vietcombank được đánh giá là hấp dẫn.

Chọn nhà đầu tư chiến lược như thế nào?

Đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, theo phương án đã được phê duyệt, tiêu chí đặt ra phải là các tổ chức tài chính có quy mô và năng lực tài chính tầm cỡ quốc tế hoặc khu vực; có kinh nghiệm đầu tư thành công tại khu vực; có chiến lược và văn hóa kinh doanh phù hợp; có chuyên môn, có kinh nghiệm và chuyên nghiệp trong cùng lĩnh vực hoạt động và đảm bảo không có xung đột về lợi ích với chiến lược phát triển của Vietcombank sau cổ phần hóa.

Vietcombank sẽ có tối đa không quá 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Việc lựa chọn sẽ theo quy định của pháp luật và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện trước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu.

Nhà đầu tư chiến lược được tham gia trong cơ cấu tổ chức quản lý Vietcombank sau cổ phần hóa theo quy định của pháp luật.

Với nhà đầu tư chiến lược trong nước, đối tượng lựa chọn là các đối tác hoặc bạn hàng truyền thống.

Nhà đầu tư chiến lược phải cam kết đầu tư dài hạn, không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian ít nhất là 5 năm, kể từ ngày Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Đối với nguồn vốn thặng dư sau khi bán cổ phần, Vietcombank được quản lý một phần tiền thu được từ cổ phần hóa để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ cụ thể do Thủ tướng quyết định sau khi hoàn thành cổ phần hóa.

Trong tháng 10/2007, Vietcombank sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách các nhà đầu tư chiến lược và giá khởi điểm cổ phiếu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây