Doanh nghiệp vận tải biển: Hết bán tàu, giờ vay tiền cầm cự
- Thứ ba - 17/09/2013 17:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Sau thời gian dài chịu bão khủng hoảng, đa phần doanh nghiệp (DN) vận tải biển đều rơi vào cảnh thua lỗ triền miên.
Các chủ tàu đã phải bán bớt tàu, nài nỉ ngân hàng cho vay tiền để cầm cự. Nhưng liệu các chủ tàu sẽ cầm cự được bao lâu nếu ngân hàng "buông tay"?
Tình cảnh kinh doanh thua lỗ ngày càng phổ biến trong cả khối DN vận tải biển thuộc sở hữu của Nhà nước và tư nhân. Các khoản vay đầu tư tàu giai đoạn trước giờ đã "phình" lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng khiến chủ tàu không thể cân đối được.
Chứng minh "tôi còn sống được"!
Mới đây, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) đã phải trưng ra 3 hợp đồng tín dụng để chứng minh khả năng "hoạt động liên tục" của DN. Nguyên do là theo báo cáo tài chính bán niên 2013, Vosco liên tiếp thua lỗ trong 2 quý đầu năm, lỗ lũy kế gần 195 tỷ đồng. Đáng ngại nhất, nợ ngắn hạn của Vosco tăng nhanh, lên tới 1.161 tỷ đồng (tại thời điểm ngày 30/6/2013) trong tổng số 4.264 tỷ đồng nợ phải trả. Thời điểm này, Vosco có tổng tài sản 5.484 tỷ đồng, trong đó có gần 616 tỷ đồng tài sản ngắn hạn. Riêng số dư tiền mặt chỉ vỏn vẹn… 22,87 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của Vosco khiến đơn vị kiểm toán - Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn A&C, nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của DN.
Trước nghi vấn này, Vosco đã có báo cáo giải trình về nguyên nhân thua lỗ, nợ ngắn hạn tăng vọt cũng như giải pháp cân đối tài chính. Theo Vosco, tháng 5/2013, Công ty nhận bàn giao 1 tàu đóng mới (tàu Vosco Sunrise) đưa vào khai thác, tạm tăng nguyên giá tài sản cố định để tín khấu hao trên sổ sách. Điều này khiến nợ ngắn hạn tăng thêm 417 tỷ đồng, lên trên 1.160 tỷ đồng.
Để khắc phục tình hình này, Vosco đã thương lượng với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu chấp thuận cho thanh toán 10% giá đóng tàu trong vòng 2 năm (từ ngày bàn giao tàu). Đồng thời, tiếp tục đàm phán để khất nợ tiền đóng tàu trong 2 năm, giúp cho nợ ngắn hạn chuyển thành nợ dài hạn.
Để chứng minh khả năng "hoạt động liên tục", Vosco đã đưa ra 3 hợp đồng tín dụng với tổng hạn mức cho vay 664 tỷ đồng ký với 2 ngân hàng Oceanbank và Maritimebank. Trong đó, có hợp đồng hạn mức 214 tỷ đồng đã ký với Oceanbank từ tháng 6/2012. 2 hợp đồng với tổng hạn mức 450 tỷ đồng được ký trong năm 2013. Đây sẽ nguồn bổ sung vốn lưu động cho Công ty tiếp tục hoạt động.
Hơn nữa, Vosco cho hay: "Đang đàm phán với các tổ chức tín dụng nhằm cơ cấu lại các khoản nợ vay trung và dài hạn theo hướng khoanh nợ gốc, kéo dài thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay... để giảm áp lực về dòng tiền ngắn hạn".
Vosco hiện là DN vận tải biển lớn nhất của Vinalines với 25 tàu cỡ lớn, tổng trọng tải hơn 559.000DWT. Thời gian qua, Vosco đã phải bán bớt 2 tàu để cắt lỗ, trang trải nợ nần. Việc duy trì nguồn hàng, tài chính để đảm bảo hoạt động cho đội tàu này đã rất khó khăn. Nay, Vosco phải tiếp nhận thêm tàu Vosco Sunrise (trọng tải 56.000DWT), thì rõ ràng không dễ thở. Nhất là khi Vosco đang đói vốn, phải trông chờ vào tiền vay ngân hàng để cầm cự.
Ngân hàng phải cứu
Trong tình cảnh tương tự, Công ty CP Vận tải biển (Vinaship) cũng liên tiếp thua lỗ, nợ vay tăng vọt. Trong 6 tháng năm 2013, doanh thu của Vinaship giảm tới 49% so với cùng kỳ năm trước, lỗ tới 68,5 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn tăng lên tới 356 tỷ đồng so với đầu năm, gần gấp 3 lần tài sản ngắn hạn. Trong khi đó, lượng tiền mặt chỉ còn hơn 6,5 tỷ đồng. Với tình hình tài chính bi đát, nếu Vinaship tiếp tục thua lỗ kéo dài, thì cổ phiếu sẽ bị buộc phải hủy niêm yết, dẫn tới thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.
Không riêng Vosco, Vinaship - 2 DN đầu đàn của Vinalines, bết bát mà thời gian qua, hàng loạt công ty vận tải biển có kết quả kinh doanh thua lỗ triền miên. Mới đây nhất, 2 công ty vận tải biển lớn thuộc Vinalines là Falcon và Vinashinlines đã được quyết định cho phá sản vì thua lỗ nặng. Đội tàu của 2 DN này đã và đang được thanh lý để trả khối nợ vay hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá trị các tàu biển (vốn là tài sản thế chấp của ngân hàng) thực tế đã bị giảm mạnh, nên dù có bán hết tàu cũng khó có khả năng trả hết nợ. Do đó, khi Falcon và Vinashinlines được cho phép phá sản, thì dù muốn hay không, các chủ nợ - ngân hàng cũng phải chấp nhận thực tế không thể thu hồi đủ vốn, mất vốn.
Với các DN vận tải biển đang hoạt động cầm cự, ngân hàng sẽ khó xử hơn. Vì giai đoạn vận tải biển bùng nổ, ngân hàng đã "đổ" lượng vốn rất lớn cho các dự án mua tàu biển (chủ yếu là tàu cũ), tàu đóng mới mà đến giờ vẫn còn dở dang. Đa phần các tàu này được dùng làm tài sản thế chấp cho chính khoản vay đầu tư tàu tại ngân hàng, vốn tự có của DN rất ít. Do thế, nếu ngân hàng không tiếp tục bơm vốn cho DN duy trì hoạt động thì có khả năng đội tàu biển sẽ tiếp tục nằm bờ, chờ đến ngày bán thanh lý làm sắt vụn. Thậm chí, có thể sẽ được cho phá sản như tiền lệ đã xảy ra ở Falcon và Vinashinlines.