Đồng tâm, hiệp lực kiềm chế lạm phát
- Thứ tư - 02/04/2008 09:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giá cả thực phẩm leo thang từng ngày (chợ Hôm-Đức Viên, Hà Nội).
Các TCty nhà nước và các tập đoàn là lực lượng làm nên 40% GDP, vì vậy cuộc họp này có thể được coi là một hội nghị Diên Hồng của các DN cùng chung sức với Chính phủ kiềm chế tình hình lạm phát trong giai đoạn hiện nay.
Chung sức với Chính phủ
Trong số các ý kiến phát biểu, đáng chú ý nhất là ý kiến của ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư - Phát triển. Ông Hà cho rằng: Giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ là hết sức quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, vì vậy Chính phủ cần giảm dần tốc độ tăng cung tiền, không để tốc độ cung tiền cao gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng GDP; không để mức lãi suất ngân hàng quá cao dẫn đến ảnh hưởng lạm phát trung hạn; giảm dần mức độ đôla hoá trong nền kinh tế.
Ông Hà cũng đề nghị NHNN hạn chế sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc vì sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh, tăng giá thành sản phẩm; hạn chế cho vay tiêu dùng, cho vay mua sắm nhà cửa, phương tiện đi lại, không cho vay nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ như ôtô, hàng điện tử; bổ sung sắc thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản, trong đó có biện pháp đánh thuế chuyển nhượng mua bán bất động sản lên 25% nếu chuyển nhượng trong 2 năm đầu.
Ông Hà đã tỏ ra bức xúc về việc các DN tư nhân, thiếu năng lực cả về tài chính lẫn kinh nghiệm, nhưng lại xin được những dự án đầu tư bất động sản rất dễ dàng, trong khi đó các DN nhà nước thì lại rất khó khăn khi xin giấy phép đầu tư, vì vậy ông Hà đề nghị Chính phủ phải có quy định chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dung đất phải đặt cọc tối thiểu 30% giá trị quyền sử dụng đất.
Đóng góp vào các giải pháp kiềm chế lạm phát, ông Phạm Lê Thanh - TGĐ EVN - đã đề nghị Chính phủ siết chặt các biện pháp tiết kiệm điện, vì lãng phí cũng là nguyên nhân gây lạm phát. Ông Thanh dẫn chứng ngay ở khu vực SVĐQG Mỹ Đình ban đêm không có ai đi lại cả, nhưng vẫn thắp hàng trăm bóng đèn - mỗi cái công suất cả nghìn oát rất lãng phí.
Ông Đậu Văn Hùng - TGĐ TCty Thép VN - thì đề nghị các DN có nhu cầu về thép hãy đến thẳng TCty Thép để mua với giá gốc và để tiết kiệm tiền, vì không phải qua các khâu trung gian.
Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Ximăng VN - phát biểu rằng, do giá than từ đầu năm tăng quá cao nên giá thành sản phẩm 1 tấn ximăng đã tăng lên, nên đề nghị Chính phủ cho phép ngành ximăng được tự khai thác than để sản xuất hoặc yêu cầu ngành than phải giảm giá bán.
Ông Nguyễn Hữu Bằng - TGĐ TCty Đường sắt VN - thì cam kết từ 5.4 sẽ giảm giá vé 20% cho tất cả các đối tượng chính sách và sinh viên, học sinh khi đi tàu...
Tạm thời chưa tăng giá, chứ không quay lại cơ chế bao cấp
Sau khi nghe các DN phát biểu ý kiến, Thủ tướng đã trả lời tất cả các kiến nghị của các DN. Thủ tướng đã tỏ ý không hài lòng với phát biểu của đại diện Hiệp hội Ximăng, Thủ tướng nói: Ngành ximăng kêu than tăng giá, nhưng thực tế giá bán than trong nước chỉ bằng 60% so với giá than xuất khẩu, vậy tại sao các nước vẫn nhập than của ta với giá cao về để sản xuất ximăng, rồi sau đó họ vẫn bán được ximăng cho ta.
Cuối cùng, Thủ tướng kết luận: Các DN nhà nước là chủ lực của nền kinh tế đất nước nên phải có trách nhiệm đồng tâm, hiệp lực cùng với Chính phủ để đưa đất nước vượt qua thời điểm khó khăn này.
Để làm được điều đó, Thủ tướng yêu cầu: Các DN phải quán triệt 8 nội dung kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã đặt ra. Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời điểm này, các mặt hàng như xăng dầu, than, điện, nước sạch, vé tàu, xe, máy bay, học phí... chưa được tăng giá để ổn định an sinh xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việc tạm thời chưa tăng giá là để ưu tiên kiềm chế lạm phát, chứ nguyên tắc vẫn là giá thị trường và kiên quyết không quay lại tình trạng bao cấp. Hôm nay (2.4), Thủ tướng tiếp tục họp với lãnh đạo các tỉnh phía bắc về biện pháp kiềm chế lạm phát.
Bên lề hội nghị, PV Báo LĐ đã phỏng vấn đại diện các DN về biện pháp kiềm chế lạm phát. Tập đoàn Dầu khí VN làm gì để cùng với Chính phủ kiềm chế lạm phát? |