BMSC

http://bmsc.com.vn


Giá dầu đẩy giá chứng khoán

Đối lập với phiên giao dịch ảm đạm cuối tuần trước, nhiều chỉ số chứng khoán thế giới tuần này lên điểm ngoạn mục.

Tại New York, giá dầu, giá vàng tăng kỷ lục, chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ. Việc rời ghế Thủ tướng Nhật Bản của ông Shinzo Abe không ảnh hưởng nhiều đến thị trường châu Á.

Thị trường Mỹ khởi sắc

Tại New York, giá dầu tăng mức kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp, lên đến mức 80,36 USD/thùng trước khi kết thúc phiên giao dịch ở mức 79,10 USD, sau khi Hurricane Humberto đóng cửa ba nhà máy lọc dầu ở Texas, nơi có năng suất 850.000 thùng dầu/ngày.

Tính trong tuần, mức giá này đã tăng thêm 3,1%, tương đương với 25% mức giá cách đây một năm. Cổ phiếu của tập đoàn Chevron, công ty dầu lớn thứ hai của Mỹ, tăng 56 xu, lên mức 90,65 USD/cổ phiếu trong khi đó, cổ phiếu của tập đoàn Marathon Oil Corp., ông chủ lọc dầu lớn nhất Trung Bắc Mỹ, tăng 1,03 USD lên mức 55,9 USD/cổ phiếu.

Cùng đà tăng điểm của các cổ phiếu dầu mỏ, chứng khoán của các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực luyện kim cũng tiến bộ đáng kể. Tập đoàn Alcoa phục hồi mạnh nhất trong ba tuần. Cổ phiếu của Tập đoàn Alcoa tăng 1,06 USD (1,3%) lên đến mức 35,48 USD/cổ phiếu, mức tăng cao nhất trong các chứng khoán của chỉ số trung bình Dow Jones.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của các nhà sản xuất nguyên liệu thô tăng 0,7%. cổ phiếu của các tập đoàn xây dựng, một thành phần quan trọng trong các chỉ số S&P cũng lên thêm 3,7%, mức cao nhất kể từ 10/8. cổ phiếu của Hovnanian tăng 97 xu, (9,7%) lên 11USD/cổ phiếu. Cổ phiếu của tập đoàn D.R.Horton, đại gia xây dựng lớn thứ hai Mỹ, tăng 69 xu, lên mức 14,35 USD/cổ phiếu.

Sự phục hồi của những hàng hoá “nặng ký” trên thị trường chứng khoán Mỹ cùng với dự đoán tuần sau Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ có quyết định cắt giảm lãi suất đã giúp các chỉ số cơ bản leo rất cao.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng kỷ lục nhất trong tuần kể từ tháng tư. Dow được cộng thêm 17.64 điểm (0,1%), đạt 13.442,52 điểm. Standard & Poor 500 tăng lên 1.484,25 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 1,12 điểm lên mức 2.602,18 điểm.

Xét cả tuần vừa qua, S&P 500 đã tăng được 2,1%, Dow Jones thêm 2,5% và Nasdaq tăng 1,4%.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng không đến với các chứng khoán ngân hàng, tài chính khi nguy cơ thua lỗ trên thị trường thế chấp vẫn chưa rời xa. Cổ phiếu của các công ty tài chính giảm 1%.

Ara Hovnanian, Tổng giám đốc của Hovnanian, tập đoàn xây dựng lớn nhất New Jersey, nhận xét: “Những căng thẳng tín dụng đã hạn chế khả năng vay thế chấp của các chủ nợ quan trọng. Bây giờ mọi người đã được cảnh báo rằng tình trạng của thị trường tín dụng thứ cấp không còn là bình thường nữa. Có nhiều rủi ro thực sự.”

Cổ phiếu của Merrill Lynch & Co giảm 49 xu, xuống mức 74,65 USD/cổ phiếu. cổ phiếu của tập đoàn Morgan Stanley, công ty chứng khoán lớn thứ ba ở Mỹ, mất 68 xu, xuống mức 66,11USD/cổ phiếu.

Cổ phiếu của tập đoàn American Express Co. giảm sau khi Merrill giảm mức khuyến nghị đối với cổ phiếu này từ “mua” xuống “trung lập”. Báo cáo của giới phân tích ở San Francisco Kenneth Bruce và Kelly Fang công bố hôm 14/9 có nêu: “Dự đoán mức tăng trưởng doanh thu của America Express có thể sẽ phải điều chỉnh vì hạn mức tiêu dùng của thị trường Mỹ giảm.

Châu Á phục hồi

Cùng với xu thế tăng của các chứng khoán nhiên liệu và kim loại trên thế giới, chứng khoán của ngành dầu mỏ và năng lượng ở châu Á cũng lên điểm mạnh.

Inpex, nhà khai thác năng lượng lớn nhất Nhật Bản thêm 5,6%. Cnooc, tập đoàn khai thác dầu xa bờ lớn nhất Trung Quốc tăng 5,7% lên đến mức 10,30 HK$/cổ phiếu, một mức tăng kỷ lục. Santos Ltd, nhà sản xuất dầu lớn nhất Úc, tăng 5,7% lên mức 13,8 A$/cổ phiếu, mức cao nhất trong bảy tuần qua.

Thông tin ông Shinzo Abe từ chức Thủ tướng Nhật Bản có phần làm thị trường chứng khoán nước này giao động trong mấy ngày trước. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, các chỉ số lớn đều hồi phục đáng kể. Nikkei 225 tăng 306.23 điểm (1,94%) và đứng ở mức 16.127,42 điểm, Topix thêm 21,84 điểm (1,43%), Topix 500 tăng 18,6 điểm (1,53%).

Trong khi đó, chứng khoán của ngành ngân hàng và tài chính Nhật cũng chịu chung tình trạng đi xuống như thị trường tài chính Mỹ khi có dấu hiệu của sự suy giảm trong cho vay tín dụng và doanh thu các sản phẩm đầu tư. Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui, ngân hàng lớn thứ ba Nhật Bản tính về tổng tài sản, mất 3%.

Hồng Kông là thị trường phục hồi mạnh nhất châu Á. Chỉ số Hang Seng (HSI) ngày thứ ba liên tiếp tăng lên mức kỷ lục. Ba mươi trong số bốn mươi thành viên của HSI lên điểm. HSI tăng 361,09 điểm (1,5%), đóng cửa ở mức 24.898,11 điểm, vượt qua mức đóng cửa kỷ lục của ngày hôm qua 24.537,02 điểm, tổng cộng HSI đã tăng 25% trong tuần này.

Ngày 13/9, Sun Hung Kai, công ty phát triển lớn nhất Hồng Kông, thông báo doanh thu 6 tháng đầu năm tăng hơn ước tính nhờ bán được nhiều căn hộ và thu nhập từ cho thuê bất động sản tăng. Công ty này đã đầu tư 44 tỷ HK$ vào Trung Quốc, và cũng có kế hoạch tăng doanh số vốn đổ vào đất nước đông dân nhất này lên 77 tỷ HK$ trong ba năm. Kết quả là cổ phiếu của công ty này tăng 1,6 HK$ (1,3%), đạt 121 HK$/cổ phiếu.

Cổ phiếu của công ty lớn thứ hai trong lĩnh vực phát triển của Hồng Kông là Cheung Kong cũng được cộng thêm 6,1 HK$ (5%), lên 127,8 HK$/cổ phiếu.

Cổ phiếu của hầu hết các thị trường châu Á khác đều phục hồi ở phiên giao dịch cuối tuần. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng 47,31 điểm, đạt 5.397,28 điểm. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi 100 tăng 42,31 điểm (1,14%).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây