BMSC

http://bmsc.com.vn


Giá dầu không gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Trong thập niên 60, giá dầu thô dao động khoảng 3 USD/thùng nhưng hiện nay đã lên tới 93 USD/thùng (giá ngày 29/10/2007). Có lẽ không bao lâu nữa, mức giá này sẽ lên đến 100 USD/thùng - con số khó tưởng tượng. Câu hỏi đặt ra là liệu có khủng hoảng kinh tế toàn cầu?

Tại sao giá dầu tăng vọt?

Bảng bên dưới cho thấy cả cung và cầu dầu đều tăng đều đặn theo thời gian nhưng lượng cung ứng bắt đầu tăng chậm một cách tương đối so với cầu trong những năm gần đây. Đặc biệt, lượng cầu trong năm 2006 đã vượt cung và chiều hướng này tiếp tục cho năm 2007. Sự khan hiếm này đã làm cho giá cả phải tăng vọt.

Số liệu về cung ứng dầu trong hai quý đầu năm 2007 cho thấy nhiều nguồn cung ứng đã giảm đáng kể. Chỉ có hai nước trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là có lượng dầu cung ứng bình quân trong một ngày tăng lên. Lượng dầu cung cấp của cả khối này trong nửa năm 2007 giảm 800 ngàn thùng mỗi ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian đó, những nước có dầu trong Tổ chức hợp tác & Phát triển kinh tế (OECD) thì sản lượng cung cấp trong năm nay tăng lên không đáng kể (55 ngàn thùng) và sức ép lên cung hiện nay là rất lớn.

Trong khi đó, lượng cầu hàng năm của dầu và sản phẩm liên quan tăng một cách chóng mặt. Một trong những nguyên nhân trọng yếu của phía cầu là yếu tố Trung Quốc - bình quân hàng năm nhu cầu nhập dầu tăng 8%. Nếu năm 1990, số dầu mà đất nước này nhập chiếm vào khoảng 3,4% tổng nhu cầu của thế giới thì hiện nay, số này chiếm tới 8,6%. Đó là sức ép cơ bản nhất của cầu.

Một khi mà lượng cung dầu của thế giới không đổi và thậm chí đang giảm dần, người Trung Quốc tiêu dùng nhiều hơn thì phần còn lại của thế giới phải chịu cảnh hoặc là giảm tiêu dùng, ví dụ như lượng dầu tiêu dùng của Mỹ đã giảm 200 ngàn thùng mỗi ngày kể từ năm 2006, hoặc là giá phải tăng.

Kinh tế thế giới sắp khủng hoảng?

Trong ba thập niên gần đây, các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đều có liên quan đến giá dầu. Một câu hỏi kinh điển có thể nêu ra là chừng nào nền kinh tế thế giới sẽ lâm vào khủng hoảng khi mà giá dầu đã gần chạm đến mức 100 USD một thùng?

Khác với các lần trước, giá tăng vọt bắt nguồn từ hạn chế của phía cung, phần lớn do các yếu tố địa chính trị.

Trong lần tăng giá này, ngoài việc phía cung sụt giảm còn có yếu tố phía cầu tăng vọt, khiến giá cả biến động với tốc độ cao.

Một quan sát tổng quát, cho dù nhu cầu tiêu dùng dầu cao theo thời gian, nhưng các ảnh hưởng của giá dầu lên tăng trưởng có tính giảm dần. Một nghiên cứu của giáo sư Olivier J. Blanchard[1] ở trường MIT đã chỉ ra giá dầu ngày càng ít ảnh hưởng các biến số vĩ mô như tăng trưởng, việc làm, tiền lương… bởi vì (1) tỷ phần dầu trong tiêu dùng và sản xuất giảm theo thời gian và (2) chính sách tiền tệ của các quốc gia ngày càng tin cậy hơn và làm giảm được ảnh hưởng của giá dầu tăng.

Ngoài ra, một tín hiệu đáng lạc quan là hiệu quả dùng dầu của thế giới ngày càng tăng. Để làm ra một đồng GDP, chi phí cho dầu đã ngày càng giảm theo thời gian. Nền kinh tế ngày nay dựa nhiều vào dịch vụ hơn là công nghiệp chế tạo nên mức độ tác động của dầu vào nền kinh tế ngày càng ít hơn.

Cung, cầu và giá cả của dầu trên toàn thế giới

 

1980

1990

2000

2006

Cung (thùng/ngày)

64.108

66.425

77.760

84.603

Cầu (thùng/ngày)

63.113

66.676

76.660

85.464

Giá trung bình (USD/thùng)

37

27,3

28,6

65

Nguồn: Energy Information Administration (EIA)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây