Giao dịch cổ phiếu chùng xuống
- Thứ tư - 05/12/2007 12:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với 2 kịch bản được đưa ra trái ngược nhau về tác động của đợt IPO của Vietcombank tới TTCK tập trung, giao dịch trên thị trường bất ngờ chùng xuống trong phiên giao dịch ngày 5/12. Chỉ số VN-Index theo đó cũng giảm mạnh.
Theo một đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán, hiện đang có 2 kịch bản hoàn toàn trái ngược nhau về tác động của IPO Vietcombank tới giá cổ phiếu niêm yết trên sàn. Một kịch bản cho rằng việc đấu giá của Vietcombank chắc chắn sẽ thu được thắng lợi với cổ phiếu sẽ được định giá cao, do đó thúc đẩy giá của các cổ phiếu trên thị trường niêm yết tăng theo.
Còn ở chiều ngược lại, kịch bản thứ 2 cho rằng rất nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ dồn tiền để mua Vietcombank để cạnh tranh với rất nhiều quỹ hiện cũng đang găm tiền để mua cổ phiếu ngân hàng này. Và việc dồn tiền cho Vietcombank sẽ hút rất nhiều tiền từ thị trường chính thức, do đó có khả năng thị trường niêm yết sẽ giảm chứ không phải tăng.
Bên cạnh đó, một kịch bản nữa cũng được đề cập tới là thị trường sẽ vẫn trong tình trạng lình xình với khối lượng giao dịch thấp, thị trường ảm đạm ngay cả khi Vietcombank IPO xong và công bố kết quả. Cở sở đưa ra kịch bản này là lượng cầu cổ phiếu của các nhà đầu tư trong nước đang ở mức khá thấp (do NĐT đã giải ngân nhiều; tiền vay bị giới hạn; chuyển đầu tư vào một số mặt hàng khác…). Trong khi đó, lượng cầu của các nhà đầu tư ngoại cũng chưa có dấu hiệu tăng mạnh. Đặc biệt, gần đây có khá nhiều dự báo cho rằng TTCK Việt Nam sẽ không có bước tăng mạnh vào cuối năm nay như 2 năm trước đó, trong khi thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục nóng lên. Sự kém hấp dẫn về mức độ lợi nhuận có thể khiến thị trường khó sôi động.
Theo kế hoạch, ngày 6/12 Bản cáo bạch của Vietcombank sẽ được công khai tại website của ngân hàng và ngày 7/12, Vietcombank sẽ tổ chức họp báo công bố các thông tin chính thức về IPO Vietcombank. Tiếp theo đó, ngày 11/12, Vietcombank tổ chức giới thiệu về Ngân hàng (roadshow) với các nhà đầu tư tại Khách sạn Melia, Hà Nội. Ngày 18/12, Vietcombank cũng tổ chức một buổi giới thiệu tương tự cho các NĐT tiềm năng tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM. Việc bỏ phiếu đấu giá CP Vietcombank dự kiến sẽ được thực hiện vào 24/12 và mở hòm phiếu vào ngày 26/12.
Kết thúc phiên giao dịch 5/12, chỉ số VN-Index giảm 12,7 điểm (tương đương giảm 1,28%) xuống 976,21 điểm. Trong đợt giao dịch thứ 1, chỉ số này giảm 6,96 điểm. Đợt 2, chỉ số này giảm 11,11 điểm.
Trong số 127 cổ phiếu niêm yết trên sàn (thêm DPR niêm yết ngày 30/11), 13 mã tăng giá, 95 mã giảm giá và 19 mã đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 giảm 100 đồng xuống 10.500 đồng/ccq, còn VF1 giảm 300 đồng xuống 28.600 đồng/ccq.
Khối lượng và giá trị giao dịch lại giảm xuống đáng kể. Cụ thể, khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 8,2 triệu đơn vị, trị giá 856,4 tỷ đồng. Giao dịch tính riêng cổ phiếu đạt 7,5 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên giao dịch, cả 5 cổ phiếu lớn nhất trên thị trường (về vốn hoá) đều giảm giá.
Cụ thể, cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ giảm 1.000 đồng xuống 78.500 đồng/cp; Vinamilk (VNM) giảm 3.000 đồng xuống còn 170.000 đồng/cp; cổ phiếu FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT giảm 4.000 đồng xuống 232.000 đồng/cp; SSI của Chứng khoán Sài Gòn giảm 3.000 đồng xuống 266.000 đồng/cp; cổ phiếu STB của Sacombank giảm 1.500 đồng xuống 68.500 đồng/cp.
Cổ phiếu mới lên sàn ngày 30/11 là DPR của Cao su Đồng Phú giảm 1.500 đồng xuống 93.500 đồng/cp.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát trong khi đó giảm 1.000 đồng xuống 104.000 đồng/cp.
Một số cổ phiếu lớn khác giảm giá bao gồm: BMP giảm 2.000 đồng xuống 171.000 đồng/cp; DHG giảm 4.000 đồng xuống 255.000 đồng/cp; GMD giảm 2.000 đồng xuống 140.000 đồng/cp; IMP giảm 7.000 đồng xuống 223.000 đồng/cp; KDC giảm 3.000 đồng xuống 201.000 đồng/cp; NKD giảm 2.000 đồng xuống 187.000 đồng/cp; PET giảm 500 đồng xuống 55.500 đồng/cp; REE giảm 6.000 đồng xuống 142.000 đồng/cp…