BMSC

http://bmsc.com.vn


Giấy in tăng giá, ngành in lao đao

Đúng vào thời điểm cuối năm, khi mà các nhà in đang phải mở hết công suất chạy máy để cung cấp các ấn phẩm sách báo phục vụ tết thì nguồn cung cấp giấy in... hết hàng.

Ngành in lao đao vì giá giấy.
Việc thiếu giấy in nghiêm trọng đến mức nhiều nhà in phải chạy "ăn đong" từng ngày, vay nhau từng cuộn giấy để in báo. Vì sao?

Khan hàng để tăng giá

Anh K - cán bộ vật tư một nhà in - cho biết, tình trạng khan hiếm giấy in trên thị trường đang diễn ra khá nghiêm trọng, kể cả giấy in báo. Hiện tượng này bắt đầu diễn ra từ giữa tháng 12.2007, khi mà những nguồn cung cấp giấy in lớn: Trung tâm dịch vụ và kinh doanh giấy tại Hà Nội thuộc Tổng Cty Giấy VN và Văn phòng giao dịch giấy Tân Mai đều thông báo: "Hết hàng". Điều đó cũng có nghĩa, nếu không có nguồn giấy in bổ sung kịp thời, sẽ đến lúc thị trường không còn giấy in báo.

Theo lãnh đạo một số nhà in cho biết, hiện tượng nêu trên bắt đầu xảy ra từ khi Tổng Cty Giấy VN (ngày 17.12.2007) ra thông báo 184/TB-TT tuyên bố việc sẽ chỉnh giá bán các loại sản phẩm giấy với mức từ ngày 1.1.2008 giá sản phẩm giấy in, giấy viết các loại sẽ tăng từ 1,1 đến 1,7 triệu đồng/tấn (tuỳ loại - chưa VAT).
 
Nhiều cán bộ vật tư của các nhà in cho biết, trước biến động tăng giá nêu trên, các DN phải ồ ạt gom mua giấy in để phục vụ kế hoạch sản xuất dịp đầu năm. Nhưng để mua được giấy từ các nguồn kinh doanh của Nhà máy giấy Bãi Bằng và Tân Mai, DN phải chi thêm khoản tiền ngoài sổ sách từ 20 - 60USD/tấn mới có thể lấy được hàng(?).

Đây là điều mà các DN in nhà nước không thể làm được, trong lúc những DN này lại là những đơn vị phải thực hiện kế hoạch in ấn rất lớn để phục vụ mục đích xã hội theo yêu cầu của Nhà nước.

Được biết, nguồn giấy in các ấn phẩm đã thiếu, nhưng đã 3 tuần trôi qua, nguồn giấy Tân Mai phục vụ in báo không được cung cấp đủ nhu cầu của các nhà in. Nguồn giấy ngoại nhập cũng tăng giá theo nên thị trường giấy in giá cao cũng không dễ có hàng để bù đắp vào khoản thiếu hụt. Nhiều nhà in đang phải chia nhau từng cuộn giấy để in báo phục vụ bạn đọc mỗi ngày.

Theo thống kê của các DN in, trong năm 2006 ngành giấy đã 3 lần tăng giá với tổng mức tăng 1,2 triệu đồng/tấn. Năm 2007, tuy chỉ tăng giá 2 lần, nhưng giá giấy in báo đã bị đẩy lên thêm 1,6 triệu đồng/tấn. Và cứ mỗi khi chuẩn bị tăng giá, các nhà máy giấy lại lặp lại "điệp khúc" thiếu hàng, gây cảnh khan hiếm rồi tăng giá, ép các DN in phải chấp nhận giá cao.

Chỉ tại "bảo hộ"

Nói về nguyên nhân tăng giá, đại diện của Tổng Cty Giấy VN mong các nhà in, các nhà xuất bản... "thông cảm" bởi giá nguyên vật liệu đầu vào là bột giấy NK, nhiên liệu, điện, tiền lương... đều tăng nên giá thành tăng cao.

Mặt khác, Tổng Cty Giấy đang được Chính phủ cho phép cân đối ngoại tệ bằng cách xuất khẩu (XK) sản phẩm để lấy ngoại tệ mua nguyên liệu phục vụ sản xuất nên nguồn giấy của các nhà máy còn phục vụ thêm thị trường XK mới trở nên khan hiếm.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội In VN - Giám đốc Cty in Tạp chí Cộng sản - cho biết: Do được XK sản phẩm giấy, thị trường trong nước ngoài việc phải chịu tăng giá lại còn thêm áp lực khan hiếm hàng nên các DN in chỉ còn biết chấp nhận.

Cũng theo ông Tâm, ngành in VN đang phải đứng trước khó khăn chưa có biện pháp khắc phục. Ngoài việc phải chịu sức ép biến động tăng giá chung của thị trường, các sản phẩm ngành in rất khó có điều kiện tăng được giá.
 
Theo chủ trương của Chính phủ, mảng sách giáo dục chiếm tới 80% thị trường in sách sẽ không được tăng giá trong năm 2008, trong lúc giấy đầu vào lại đang phải chịu tăng giá 10%. Các sản phẩm sách, báo, tạp chí... cũng chưa thể tăng được giá trong quý I/2008.

Toàn ngành in đang có khoảng trên 500 DN nên hoạt động cạnh tranh rất cao. Để giữ việc làm cho người lao động, các DN chỉ còn biết giảm giá, chấp nhận các đòi hỏi của khách hàng... nên sức ép cạnh tranh sẽ dồn cả gánh nặng lên thu nhập người công nhân.

Một nghịch lý là giấy NK cũng chỉ tương đương với mức giá sản xuất trong nước. Để xảy ra ách tắc hiện nay là do Nhà nước đang còn bảo hộ cho ngành giấy nên vẫn sử dụng thuế suất khá cao đối với giấy in NK, do đó giá giấy NK không đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp in.

Để khắc phục ách tắc, Hiệp hội In VN đã có kiến nghị với Chính phủ đề nghị các Cty giấy trong nước phải đảm bảo nguồn giấy cho các DN in trong nước hoạt động trước khi tính đến XK.

Nếu các DN giấy không đáp ứng được nguồn cung trong nước, đề nghị Chính phủ cân đối lại mức thuế suất NK giấy với mức phù hợp để các nhà in có nguồn giấy với mức giá có thể chấp nhận được để phục vụ nhu cầu sách báo của xã hội.

Theo các DN in, đây là vấn đề cần phải sớm được giải quyết, nếu không sẽ xảy ra hiện tượng không đủ giấy in báo trong vài ngày tới.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây