BMSC

http://bmsc.com.vn


Giữ ổn định VNĐ

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5-2008 diễn ra ngày 2-6, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc báo cáo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm; triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 của Chính phủ.

Khách hàng gửi tiết kiệm tại Eximbank. Ảnh: H.THÚY

Chính phủ cũng đã nghe các báo cáo về phương án bố trí vốn đầu tư, cắt giảm đầu tư công, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát...

Tiết kiệm 2.700 tỉ đồng chi thường xuyên

Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng đã nhìn rõ trách nhiệm về tình hình giá cả tăng cao khiến 2/3 dân số bị ảnh hưởng; đồng thời yêu cầu các thành viên Chính phủ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong điều hành kinh tế - xã hội. Việc VN công bố thông tin vụ lúa đông xuân được mùa đã góp phần giảm giá lương thực thế giới. Các tỉnh phía Nam đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, tổng sản lượng ước đạt 11,32 triệu tấn, tăng 400.000 tấn so với năm trước.

Ông Phúc cho biết tính đến ngày 29-5, theo báo cáo sơ bộ, đã có 995 công trình, dự án đình hoãn, ngừng triển khai thực hiện và dãn tiến độ thực hiện trong năm 2008 với tổng số vốn 3.983 tỉ đồng...

Bộ KH-ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp và trình Thủ tướng phương án sử dụng trái phiếu Chính phủ với tổng mức vốn giảm 25% so với kế hoạch được Quốc hội thông qua. Bộ Tài chính đã hướng dẫn, quy định cụ thể về mức tiết kiệm 10% chi thường xuyên và các khoản cần phải giảm. “Đến nay đã tiết kiệm được 2.700 tỉ đồng”- ông Phúc nói.

Tín hiệu đáng mừng là trong 5 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán đã tăng chậm hơn so với các tháng cuối năm 2007. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành quyết định về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng VNĐ. Lãi suất này phản ánh thực tế hơn lãi suất thị trường, góp phần tạo nên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền, tổ chức tín dụng và người cho vay vốn.

Trước những thông tin nhiều chiều về tỉ giá VNĐ so với một số ngoại tệ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định: Không thể có việc phá giá VNĐ vì chính sách tiền tệ hiện nay được điều hành theo thị trường. Chính phủ vẫn chủ trương giữ ổn định VNĐ, với biên độ dao động năm 2008 là 2%. Hơn nữa, năm 2007, dự trữ ngoại tệ của VN tăng gấp đôi những năm trước; sang năm 2008, tổng dự trữ ngoại tệ vẫn được bảo toàn và tăng lên. Bên cạnh đó, tổng thể cán cân thanh toán vẫn thặng dư, tức VNĐ vẫn ổn định.

Đối mặt hai rủi ro nghiêm trọng

Bộ KH-ĐT cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cả nền kinh tế - xã hội: Bên cạnh ba “nút thắt cổ chai” cơ bản (những bất cập về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực), VN hiện cũng đang phải đối mặt với hai rủi ro nghiêm trọng: bất ổn kinh tế vĩ mô và gắn kết xã hội yếu đi.

Lạm phát cao, nhập siêu lớn và sự xuất hiện những dấu hiệu dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính - ngân hàng là bài toán đa diện phức tạp VN đang phải đối phó. Vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô đang trở nên nghiêm trọng. Xã hội trở nên đa dạng hơn cùng với sự tương phản giàu – nghèo và bất bình đẳng cả về thu nhập và tài sản tăng. Hội nhập sâu rộng hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc quản trị rủi ro và ổn định kinh tế vĩ mô phức tạp hơn, áp lực các nhóm xã hội khác biệt hơn.

Bộ KH-ĐT đề nghị nghiên cứu cải cách cơ cấu cũng như giải tỏa các “nút thắt cổ chai”. Việc ổn định kinh tế vĩ mô, trước hết, cần nhận thức đầy đủ tính chất phức tạp, nghiêm trọng của những rủi ro tài chính, bất ổn kinh tế, xã hội đang phát sinh để có phương thức xử lý thích hợp. Các vấn đề ưu tiên xem xét để có thể xử lý ngay là lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại; hỗ trợ người nghèo và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Cần đặc biệt quan tâm đến việc củng cố khả năng giám sát và quản trị rủi ro đối với hệ thống tài chính – ngân hàng cũng như khả năng giám sát chu chuyển vốn và việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm.

Khả năng hấp thu vốn FDI có thể giảm nhanh

Việc gia nhập WTO cũng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế, nhất là đối với việc bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Tuy thị trường tài chính, hoạt động ngân hàng và thị trường bất động sản khá sôi động nhưng lại ít chuyển hóa sang nền kinh tế thực. Đáng lưu tâm, nền kinh tế trong vài năm nay có xu hướng tiêu dùng tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP. Do đó, tỉ lệ tiết kiệm trong nước so với GDP chững lại.

Theo Bộ KH-ĐT, kết cấu hạ tầng yếu kém đã và đang gây nhiều tổn phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội cũng như việc nắm bắt những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế có thể đem lại. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc đánh giá rằng chính những yếu kém về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực đã hạn chế việc thực hiện vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khả năng hấp thu vốn FDI có thể giảm nhanh trong thời gian tới nếu không có các giải pháp tháo gỡ những yếu kém này.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây