BMSC

http://bmsc.com.vn


"Hai mặt" của giao dịch cổ phiếu trực tuyến

Từ quý I/2008, Sở GDCK TP.HCM (HoSE) thử nghiệm giao dịch (GD) không sàn, tiến tới thực hiện giao dịch trực tuyến (GDTT) qua mạng Internet. Phương thức giao dịch này đang được chờ mong sẽ đem lại nhiều tiện ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên "vạn sự khởi đầu nan", nhất là với các nhà đầu tư cũng như các thành viên đã quen với giao dịch "thủ công" hiện nay.

Ngồi một chỗ mua bán với "cả thế giới"

Tiện lợi lớn nhất là nhà đầu tư có thể ngồi tại nhà và chỉ bằng những cú “click” là có thể giao dịch bất kỳ loại chứng khoán nào trên sàn. Sẽ không còn cảnh chen lấn, xô đẩy tìm chỗ chen chân tại các phòng giao dịch của các CTCK.

Giới thiệu GDTT tại EPS. (Ảnh: Yến Trang)
Giới thiệu GDTT tại EPS. (Ảnh: Yến Trang)


Theo ông Trần Quang GĐ phát triển kinh doanh CTCK Gia Quyền (EPS), một trong những CTCK đang triển khai mạnh dịch vụ này thì “ngoài những tiện lợi trên, nhà đầu tư còn dễ dàng mua bán hơn GDTT nhờ những phần mềm viết riêng, theo dõi lệnh đã đặt, quản lý danh mục đầu tư, tìm hiểu thông in tin liên quan đến cổ phiếu mình có... Nhà đầu tư ở các tỉnh, thành không có sàn giao dịch cũng dễ dàng đặt lệnh, mua bán bằng GDTT”.

Ông Võ Minh Tuấn, Trưởng Chi nhánh Công ty TMMP (một công ty Nhật chuyên môi giới cho các nhà đầu tư Nhật đầu tư vào TTCK VN) cho biết thêm “không chỉ thuận tiện cho các nhà đầu tư mà các CTCK cũng đỡ lo mặt bằng, bớt nhân lực, giảm chi phí... tại Nhật các CTCK mới thường áp dụng GDTT và họ giao dịch với khách hàng hoàn toàn qua mạng”.

Ông Tuấn cũng khẳng định phí giao dịch sẽ giảm xuống khi GDTT vì các CTCK sẽ đỡ bớt chi phí. Tại Nhật Bản, nhiều CTCK áp dụng GDTT chỉ lấy phí 0,01% hoặc lấy phí theo ngày khoảng 100.000 đồng dù khách hàng giao dịch với giá trị lớn cỡ nào cũng vậy.

Ông Dennis Dzũng, Phó TGĐ đầu tư Công ty Global American Investments (Mỹ) cho hay ngoài những tiện ích trên thì GDTT sẽ góp phần minh bạch hoá TTCK và quan trọng nhất là “nhà đầu tư sau khi đã được chấp nhận lệnh thì có thể dùng tiền đã bán mua lại chứng khoán được ngay mà không đợi T+3 như hiện nay”.

Ông này ví dụ: “Ngay sau khi bạn đặt lệnh bán chứng khoán trị giá 1 tỷ với phương thức khớp lệnh liên tục và được hệ thống chấp nhận lệnh thì ngay sau đó bạn sẽ có 1 tỷ (trừ chi phí) để mua chứng khoán”.

Với GDTT, nhà đầu tư có thể mua bán cùng loại chứng khoán trong một phiên, một nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản mà không bị cấm như hiện nay... Nếu có nhiều tài khoản, khi tài khoản này bị sự cố do đường truyền của CTCK, NĐT có thể dùng tài khoản khác để mua bán. Do “đi sau” nên VN có thể rút kinh nghiệm, đầu tư bằng công nghệ mới cho GDTT nên nhà đầu tư sẽ được hưởng khá nhiều dịch vụ cộng thêm, nhất là trong lúc các CTCK đang ra sức cạnh tranh để hút khách hàng.

Những cú click... mất bạc tỷ

Bên cạnh những tiện ích, thuận lợi trên thì GDTT luôn rình rập những rủi ro với các nhà đầu tư. Ông Tuấn “tiết lộ” TTCK Nhật Bản đã có lịch sử hơn 100 năm nhưng hiện phương thức giao dịch truyền thống như tại VN vẫn thắng thế với khoảng 80% nhà đầu tư Nhật sử dụng phương thức này.

Tháng 12/2005, TTCK Nhật gặp phải cú sốc “J-com” khi công ty  J -Com cho phát hành 14.500 cổ phiếu. Mức giá khởi điểm của loại cổ phiếu này trong ngày 8/12/2005 là 610.000 yên/cổ phiếu. Tuy nhiên, CTCK Mizuho đã đăng nhầm thành 1 yên/ 610.000 cổ phiếu khiến CTCK này phải bù lỗ gần 225 triệu USD. Nguyên nhân chính là do nhân viên của CTCK Mizuho click nhầm!

Ông Dzũng cũng khẳng định: “Việc thêm một hay vài số 0 khi GDTT vẫn luôn xảy ra ở cả những nước mà nhà đầu tư quá quen với máy tính nên các nhà đầu tư VN phải cẩn trọng trước khi nhấp chuột gửi lệnh”. Ông Dũng khuyên: “Nên đọc lại cẩn thận các lệnh, đừng vì áp lực mua bán gấp mà vội vàng vì chỉ cần sai một số có thể mất cả tỷ bạc như chơi. Tốt nhất là nhà đầu tư hãy tập GDTT ảo trên khá nhiều trang web cho quen”.

Hạn chế lớn nhất hiện nay của các nhà đầu tư VN là chưa đầy 15% trong số 250.000 người mở tài khoản dùng Internet!

Ông Nguyễn Hữu Nam, Tổng GĐ EPS nói: “Họ vẫn thích đến sàn nghe ngóng, trao đổi tin tức kinh nghiệm và đặt lệnh trực tiếp hơn”. Nhà đầu tư Đặng Hồng Anh (sàn SSI TP.HCM) cũng thừa nhận “đến sàn chúng tôi thấy yên tâm hơn. Nhưng lo ngại nhất là với dịch vụ, tốc độ đường truyền  Internet chậm như rùa hiện nay nếu ngồi ở nhà có sự cố lại cũng phải chạy ra sàn”. Bên cạnh đó, việc “tập” cho các nhà đầu tư quen với GDTT cũng đòi hỏi thời gian khá dài.

Bà Trần Dương Ngọc Thảo, GĐ chi nhánh CTCK Thiên Việt tại TP.HCM lo ngại: “Có thể rất nhiều người sử dụng máy tính, Internet thành thạo nhưng dùng để giao dịch với số tiền có khi bằng cả gia tài với chỉ vài cú click thì chỉ một sai sót nhỏ trong tích tắc không thể cứu vãn được”. Ông Nam khuyến cáo: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà đầu tư cũng phải ý thức được là mình đang trả tiền thật cho những sai sót trong thế giới ảo - Internet nên cẩn thận, kỹ lưỡng, đọc đi đọc lại trước khi gửi lệnh”. Còn ông Dzũng thì mách: “Lúc click gửi lệnh đều có những câu hỏi lại, nhà đầu tư đừng bỏ qua bất kỳ điều gì trước khi OK”.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây