BMSC

http://bmsc.com.vn


Hai yếu tố làm biến dạng thị truờng

Mười năm trước khi cơn bão khủng hoảng tài chính hoành hành ở lục địa châu Á, kinh tế nhiều nước trong khu vực lâm vào suy thoái thì kinh tế Việt Nam vẫn hầu như không hề hấn gì

Nguyên nhân duy nhất lý giải điều này không phải bởi chúng ta tài giỏi hơn, mà chỉ bởi kinh tế Việt Nam lúc đó chưa hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới. Điều này thật dễ hiểu, khi anh đóng kín cửa thì "gió bão" chỉ có “đứng ngoài mà khóc”.

Bây giờ chỉ hơn một năm sau khi gia nhập WTO, hoà nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam cũng gồng mình chia sẻ khó khăn trong cơn bão giá đang lan tràn trên mọi lục địa. Giá thế giới tăng bao nhiêu thì giá hàng Việt Nam tăng bấy nhiêu. Có thể đó là niềm vui khi sản phẩm nông nghiệp xuất đi được giá. Chẳng hạn, giá cafe lên tới 2.500 – 2.700 USD/tấn, giá cao su lên tới 2.540 – 2.590 USD/tấn, giá hạt tiêu tới trên 3.500 USD/tấn. Nhưng lại là nỗi lo với những mặt hàng nhập khẩu: giá phôi thép tăng từ 650 USD/tấn lên 900 USD/tấn, giá phân bón tăng từ 630 – 650 USD/tấn… Ngay mặt hàng ta xuất khẩu lớn là gạo, giá thế giới cao khiến giá trong nước tăng theo. Điều này cũng dễ hiểu khi chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, mà sự kết nối qua Internet xoá đi mọi khoảng cách. Chính trong thế giới mà ta đã hội nhập toàn diện từ kinh tế tới thông tin thì mọi biến động của thế giới sẽ ào vào ta như gió vào nhà qua cánh cửa đã mở toang. Trong đó, không ít những yếu tố mà thời “đóng cửa” ta không có hoặc có ít.

Hãy lấy một ví dụ: chuyện đầu cơ. Trên thế giới có những quỹ đầu cơ được hình thành từ các nhà tài phiệt thừa tiền của. Đó là một nguồn vốn dôi dư có thể được đầu tư vào vàng, ngoại tệ hay chứng khoán. Nhưng khi những thị trường đó đã tới ngưỡng, hay đã được nhiều nguồn vốn khác quan tâm thì vốn dôi dư trên sẽ được dùng để mua hàng hoá. Hàng hoá đó có thể là dầu thô, café, sắt thép, phân bón… nghĩa là tất cả những gì có khả năng bảo toàn vốn khi USD mất giá ( hoặc sinh lời). Quỹ đầu cơ hàng hoá có thể tác động mạnh đến giá cả thị trường mặt hàng nó đang đầu cơ. Chẳng hạn khi giá café đang lên cao, đồng USD đang phục hồi, quỹ đó tung café ra bán khiến giá café rớt giá nhưng lúc đó giá bán ra so với lúc mua vào đã có lời. Sự bất ngờ tung ra hay mua vào của quỹ đầu cơ đã tạo nên những biến động sớm nắng chiều mưa trên thị trường hàng hoá khiến cho những nước xuất khẩu hoặc tiêu thụ gặp không ít khó khăn.

Tình trạng đầu cơ đã bắt đầu có ở nước ta khi giá hàng hoá cứ tăng cao, nhà kinh doanh, sản xuất phải bán đuổi, mua đuổi. Hôm nay anh nhập phôi thép 600 USD/tấn về và bán ra 630 USD/tấn là có lãi 30 USD. Nhưng bán xong đi nhập mới thì giá đã là 650 USD/tấn. Vậy là không lãi mà còn lỗ. Nếu anh nhập về rồi để đó một thời gian mới bán thì lãi cao hơn rồi. Cái đáng sợ là ở ta những người có số vốn dư dả đều tích trữ, găm hàng theo kiểu đó. Hơn thế, ngay cả người dân cũng tích trữ. Anh định cuối năm xây nhà nhưng thấy giá xi măng tăng cao quá mà xu thế hiện nay thì giá còn lên. Vậy là dồn tiền mua vài chục tấn dự trữ chờ khi có việc. Giá gạo cao xưa nay mỗi nhà chỉ để 5kg gạo trong thùng. Nay cứ mua 10, 15 kg để phòng. Chính tâm lý phòng ngừa rủi ro nên nhà nhà trữ gạo và khiến cung cầu căng thẳng. Kiểu dự trữ, tích trữ ấy khó có nhà doanh nghiệp nào cung ứng đủ. Và vì thế giá được kích lên.

Giá cả được thổi lên từ tin đồn và cả tin trên các phương tiện truyền thông. Khi mà ngày nào báo đài cũng ra rả về sự tăng giá trên thế giới, về sự thiếu hụt lương thực ở mấy chục quốc gia, hình ảnh bạo loạn vì thiếu lương thực chiếu trên ti vi khiến người nghe, người xem ngấm dần và cảm thấy bất an. Vậy là khi có nơi nguồn cung bị gián đoạn, có khi chỉ buổi sáng, buổi chiều là tin đồn thiếu gạo đã kích cho hàng đoàn người ào ào vào chợ, vào siêu thị mua gạo dự trữ. Rồi người chưa cần, thấy người ta kìn kìn đi mua gạo cũng hoà nhập ngay dòng người đó. Tâm lý căng thẳng lo lắng về sự bất ổn được củng cố bởi xu thế tăng giá thế giới đã làm cho người tiêu dùng luôn bị kích động mỗi khi có tin sốt nơi này, nơi kia, mặt hàng này, mặt hàng kia. Và cứ thế thị trường bị biến động, cung cầu bị biến dạng bởi những tác động hư ảo.

Có ý kiến cho rằng, đầu cơ ở phía các nhà trục lợi và tâm lý dễ bị kích động ở phía người tiêu dùng là 2 yếu tố gây biến động lớn đến thị trường, đến việc thực thi các biện pháp chống lạm phát. Cần có giải pháp chống đầu cơ trục lợi và khắc phục yếu tố kích động tâm lý tiêu dùng để ổn định thị trường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây