Hàng không tư nhân bắt đầu có lãi
- Thứ năm - 05/09/2013 08:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này

VietJet Air là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam thông báo có lợi nhuận trước thuế 120 tỉ đồng trong bảy tháng đầu năm 2013.
Thông tin trên được ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Công ty CP Hàng không VietJet (VietJet Air), trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg (Mỹ) vào cuối tuần trước. Đây cũng là thông tin khá bất ngờ đối với những người quan tâm đến thị trường hàng không nội địa. Bởi lẽ từ trước tới nay, các hãng hàng không đều “chỉ mong hòa vốn” chứ đừng nói đến lãi.
Vượt quá mong đợi
Theo đó, tính trong bảy tháng đầu năm 2013, VietJet Air đã đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 120 tỉ đồng (khoảng 5,7 triệu USD). “Khi bắt đầu lập kế hoạch kinh doanh, chúng tôi dự kiến có thể ba năm thua lỗ. Nhưng kết quả đã vượt xa sự mong đợi” - ông Khánh nói.
Từ đây, VietJet Air bắt đầu xem xét đến việc niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. “Thị trường Việt Nam còn nhỏ nên chúng tôi có thể tính đến chuyện thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong khoảng 18-42 tháng tới ở Singapore hoặc Hong Kong” - ông nói thêm.
“Tuy nhiên, trọng tâm hoạt động của chúng tôi vẫn là thị trường trong nước” - ông Khánh khẳng định. Hiện tỉ lệ bay nội địa của VietJet Air đạt 91%, cao hơn so với kỳ vọng ban đầu là 85%.
Vào cuối tháng 5-2013, Bangkok Post - một tờ báo lớn của Thái Lan đăng thông tin VietJet Air sắp lấn sân sang thị trường hàng không Thái Lan. Đến ngày 26-6, VietJet Air chính thức công bố thành lập liên doanh hàng không tại Thái Lan cùng Kan Air và có thể hoạt động vào năm tới. Ông Khánh cho biết các thị trường mục tiêu sau đó của hãng có thể là Hàn Quốc (dự kiến vào quý IV tới) và Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Nhật Bản, Đài Loan trong các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, việc “mở rộng các tuyến quốc tế mới sẽ khó khăn đối với VietJet Air” - ông Timothy Ross, chuyên gia về giao thông vận tải của Credit Suisse Group AG tại Singapore, nhận xét. “Liên kết với hàng không Thái Lan phù hợp là nhờ sự tương đồng về quy mô hoạt động của hai hãng và mức thu nhập bình quân của hai quốc gia. Thế nhưng Singapore thì khác, nó sẽ rất cạnh tranh”.
Vẫn còn cơ hội cho hàng không tư nhân
Hiện nay, thị trường hàng không Việt Nam có ba hãng hoạt động chính gồm Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific. Trước đó có hai hãng tư nhân Air Mekong và Indochina Airlines đã ngừng bay vì lỗ nặng. Trong ba hãng, VietJetAir và Jetstar Pacific đều có thị phần nhỏ và luôn đứng trước bài toán khó về lợi nhuận.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific, cho biết hiện hãng này cũng chỉ cố gắng “hòa vốn”. Ông cho rằng thị trường vận tải hàng không Việt Nam chỉ tăng trưởng ở phân khúc khách thu nhập thấp, phân khúc khách có khả năng chi trả cao không tăng. Trong khi đó, mức giá các hãng đang bán khá thấp; ví dụ tuyến Hà Nội - TP.HCM trung bình 1,3-1,4 triệu đồng/chiều là mức giá thấp hơn chi phí đầu vào.
“Tỉ suất lợi nhuận trong kinh doanh hàng không là thấp. Mấy năm vừa rồi nhu cầu đi lại bằng hàng không ít hơn. Để hoạt động hiệu quả, hãng hàng không phải nỗ lực rất cao thông qua cắt giảm chi phí, quản lý điều hành linh hoạt, đảm bảo đội máy bay không phải nằm dưới mặt đất…” - ông Hà nói.
Đồng tình quan điểm trên, Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhận xét nếu như vậy thì việc một hãng hàng không tư nhân công bố lãi là điều quá tốt. Nhưng cũng theo ông Cường, trong đợt kiểm tra định kỳ hằng năm sắp tới, Cục sẽ yêu cầu VietJet Air báo cáo kiểm toán cụ thể.
Hàng không cùng muốn IPO Nói về kế hoạch IPO của VietJet Air, giám đốc chi nhánh một công ty chứng khoán nhận định con số thị phần của VietJet Air hiện nay quá nhỏ nên việc IPO có thể sẽ khó thu hút, kể cả nhà đầu tư ngoại. Ngoài lý do thị trường chứng khoán èo uột, nguồn tiền hạn chế còn một lý do quan trọng là đây không phải ngành dễ có lợi nhuận cao. Vietnam Airlines cũng đã lên kế hoạch IPO ngay từ năm 2010 và dự kiến bán cổ phần vào nửa cuối năm 2014. Tổng số cổ phiếu đưa ra đấu giá trong đợt IPO là khoảng 383 triệu cổ phiếu cùng kỳ vọng thu về 200 triệu USD. |