Hàng tỷ USD vốn ngoại đổ vào Việt Nam
- Thứ bảy - 03/11/2007 11:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Việt Nam: lực hút đầu tư
Ông Alex Hambly nói: “Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận. Thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rất thành công ở thị trường Việt Nam. Quỹ Prudential Việt Nam đã đầu tư hết số vốn 30 triệu USD của mình. Dự kiến trong vòng 2-3 năm tới chúng tôi sẽ tăng vốn lên 300 triệu USD để tiếp tục đầu tư vào CK cũng như các lĩnh vực khác tại thị trường Việt Nam”.
Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC, cho rằng trong tương lai gần sẽ có làn sóng quỹ đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều khả năng lượng vốn của các quỹ sẽ ít hơn so với trước đây - chỉ ở mức bình quân khoảng 20-30 triệu USD/quỹ đầu tư, thay vì lên đến hàng tỷ USD/quỹ đầu tư - do cơ hội đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài vào những DN tiềm năng hiện nay phần nào đã bị hạn chế. Có nghĩa “room” của các DN tiềm năng trên TTCK niêm yết dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã hết. Cụ thể, như: STB, REE, GMD… Tuy nhiên, ông Johan thừa nhận Việt Nam vẫn là một mảnh đất tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài kiếm lợi nhuận.
Theo ông Tùng Kim Nguyễn, Giám đốc điều hành Indochina Capital, sự phát triển của các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện chỉ là giai đoạn đầu. So với các nước đang phát triển, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm. Do vậy, dự báo dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong tương lai gần. Ngoài các dự án đã đầu tư trong thời gian qua như: CTCP Phương Nam, Ngô-Hàn… Hiện Indochina Capital chuẩn bị bỏ vốn vào nhiều DN ở các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Trong đó, bất động sản cũng là một trong những ngành được Indochina Capital quan tâm, ước tính đến nay quỹ đã bỏ khoảng 500 triệu USD vào lĩnh vực này.
Phải nâng cấp hạ tầng và dịch vụ
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành tài chính cho rằng tốc độ phát triển của thị trường tài chính, ngân hàng, CK Việt Nam quá nhanh so với dự báo, nên kiến thức về ngành tài chính của nguồn nhân lực chưa thể theo đuổi kịp. Nhà kinh tế học Adam McCarty cho rằng hiện trên thị trường Việt Nam đã có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động, nhưng có một vấn đề khá quan trọng đang dần cản trở việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng. Việt Nam cần quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng để từ đó thu hút tốt nguồn vốn trực tiếp và gián tiếp.
Đại diện UBCKNN, ông Nguyễn Thành Long cho hay, để thu hút nguồn vốn nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam, trong thời gian tới UBCKNN sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, ràng buộc điều kiện về vốn đối với các DN niêm yết. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các điều kiện đối với tổ chức thành lập CTCK. Một vấn đề khá quan trọng khác là UBCKNN sẽ yêu cầu khắt khe trong việc công bố thông tin đối với DN niêm yết, nhằm minh bạch hóa thông tin cho nhà đầu tư khi tìm kiếm cơ hội bỏ vốn. Ngoài ra, UBCKNN cũng có quy định tái cấu trúc thị trường, chẳng hạn như việc chia tách HOSE và HASTC, đồng thời tăng quyền tự chủ của các tổ chức này