BMSC

http://bmsc.com.vn


Khi ngân hàng tận thu phí

Theo quy định, các ngân hàng hiện cho vay không vượt quá mức lãi suất 18%/năm, nhưng việc "đẻ" ra các loại phí ở mức cao khiến lãi suất vay thực tế đè nặng lên người đi vay.

 

Đại diện ngân hàng trao đổi với khách đi vay về các khoản phí - Ảnh: D.Đ.Minh

Hoa mắt vì phí  

Ngày 28.5, khách hàng đến chi nhánh một ngân hàng cổ phần trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) hỏi vay 200 triệu đồng. Nhân viên ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay 1,5%/tháng kèm theo mức phí 4,2%/năm. Thời gian vay là 5 năm nên phí phải đóng là 21% trên tổng số tiền vay (tương đương 42 triệu đồng) và phí này đóng một lần khi nhận vốn giải ngân. Như vậy, khách hàng này chỉ nhận được chưa đến 160 triệu đồng nhưng bị tính lãi trên số tiền vay 200 triệu đồng! Một công ty khác chuyên về container cũng được một ngân hàng giới thiệu lãi suất cho vay 1,46%/tháng, song chưa hết mừng thì ngân hàng này bồi thêm mức phí thu xếp vốn 0,35%/tháng. Trong khi đó, cuối tuần này, một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng thuộc lĩnh vực mạng và truyền thông sẽ nhận được khoản vay 2 tỉ đồng từ ngân hàng; lãi suất cho vay là 1,5%/tháng nhưng đi kèm là các khoản phí nên tính ra lãi suất thực mà doanh nghiệp vay lên đến 1,8%/tháng...

Lãi suất cho vay bị khống chế 18%/năm nên việc thu thêm các loại phí khi cho vay được xem là lối thoát của các ngân hàng hiện nay. Khách hàng đi vay dễ dàng bị hoa mắt trước mê hồn trận các loại phí mà ngân hàng "đẻ" ra như: phí thẩm định tài sản, phí quản lý tín dụng, phí thu xếp vốn, phí cấp hạn mức tín dụng, phí giải ngân, phí cam kết cho vay, phí giải chấp từng phần... Đây là hệ quả của việc hiện nay các ngân hàng đều huy động vốn với mức lãi suất dao động quanh 15%/năm, có ngân hàng đã lên 16%/năm. Nếu như ngân hàng cho vay 18%/năm thì gần như bị lỗ vì khoảng 20% số tiền huy động không cho vay được mà phải để dự trữ bắt buộc, thanh khoản...

Khách hàng cũ cũng gặp khó

Không chỉ những người đang đi vay gặp khó khăn mà những khách hàng đã vay từ trước cũng bị ngân hàng làm khó. Một khách hàng ở Bình Phước cho biết, nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đức Liễu, Bình Phước đến "xin được thỏa thuận" lại lãi suất cho vay. Trước đó ngân hàng này cho khách hàng vay với lãi suất 1,15%/tháng, nay yêu cầu điều chỉnh lên 1,5%/tháng. Vị khách hàng này phân trần, theo hợp đồng đã ký thì sau 1 năm mới tính lại lãi suất cho vay, nhưng nếu không thỏa thuận lại thì sợ sau này sẽ gặp khó khăn khi có nhu cầu vay vốn.

Một số doanh nghiệp còn gặp phải trường hợp "chết đứng như Từ Hải" từ các hợp đồng vay. Số là hợp đồng vay cũ đã trả được hơn một nửa và có nhu cầu vay thêm. Nhân viên ngân hàng yêu cầu trả hết khoản nợ cũ rồi sẽ cho vay khoản mới. Tin lời, doanh nghiệp này mượn tiền từ các nguồn khác, trong đó có sử dụng cả nguồn vốn lưu động. Khi trả hết nợ cũ thì cũng là lúc ngân hàng "đóng cửa" không cho vay nữa.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trưởng khoa Ngân hàng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng trong tình hình lạm phát, chính sách tiền tệ sẽ phải được kiểm soát chặt. Chính vì vậy các doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi quyết định đầu tư. "Tuy nhiên để hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường thì đúng là lãi suất cho vay (lãi suất thực tế sau khi tính hết các thứ phí và lệ phí - PV) hiện nay quá cao, do vậy các ngân hàng không nên thu phí và lệ phí" - ông Ngân nói. Bên cạnh đó, "để đảm bảo lợi ích của 3 bên - người gửi tiền, người vay và ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ các ngân hàng thương mại bằng cách cho hưởng lãi suất phần dự trữ bắt buộc hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc Ngân hàng Nhà nước cho vay trên thị trường liên ngân hàng khi các ngân hàng thiếu hụt vốn", ông Ngân bổ sung.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương:

Việc các ngân hàng cho khách hàng vay với lãi suất VND vượt mức tối đa 18%/năm bằng cách thu thêm phí thể hiện một điều: nhu cầu vay vốn, kể cả với mức lãi suất cao của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, đằng sau đó cũng thể hiện: ngân hàng đã "lách" để cho vay vượt trần với mức lãi suất cao hơn, cũng đồng nghĩa với việc họ đang chịu rủi ro cao hơn với đồng vốn mình huy động được bởi trong số các doanh nghiệp dám chấp nhận mức lãi suất vay cao như vậy sẽ có những doanh nghiệp có độ rủi ro cao.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Văn phòng luật sư Nam Thiên (TP.HCM):

Khi bị khống chế lãi suất huy động vốn thì ngân hàng "vẽ" ra các loại tiền gửi trúng thưởng, khi bị khống chế lãi suất cho vay thì ngân hàng lại quy định nhiều mức phí. Đây là những việc làm lách luật của các ngân hàng dựa vào những khoản hở của pháp luật để gia tăng tối đa lãi suất đầu vào và đầu ra. Nhà nước nên cấp thiết có những biện pháp điều tiết vĩ mô trực tiếp vào hoạt động tài chính, ngân hàng để người có nhu cầu vay vốn không phải còng lưng chịu những loại phí bất hợp lý. Cụ thể, quy định các loại phí như thế nào là hợp lý và mức phí tối đa là bao nhiêu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây