“Không thay đổi phương pháp tính chỉ số giá”
- Thứ hai - 17/09/2007 16:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự thay đổi trong cách tính CPI (đã được trình Thủ tướng xem xét) không phải là sự thay đổi về phương pháp tính, mà là bổ sung gốc so sánh khi công bố CPI cũng như khi xác định chỉ tiêu kế hoạch về tỷ lệ lạm phát theo nội dung của CPI.
Thưa bà, nếu đề xuất của Tổng cục Thống kê được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận, có thể sẽ có những thay đổi cụ thể gì trong cách tính và công bố CPI?
Tôi muốn nói rõ là hiện nay, CPI được tính hàng tháng và công bố theo 4 gốc so sánh: đó là so sánh với tháng trước của cùng năm, với cùng tháng năm trước, năm gốc (2005) và so với tháng 12 của năm trước.
Cùng với số liệu CPI hàng tháng, Tổng cục Thống kê cũng tính CPI bình quân hàng quý và cả năm theo gốc so sánh là cùng kỳ năm trước để cung cấp theo yêu cầu của một số đối tượng sử dụng.
Theo tôi, việc tính CPI theo các gốc so sánh trên đã đáp ứng được yêu cầu điều hành và quản lý của các ngành, các cấp và mục đích sử dụng của nhiều đối tượng khác nhau.
Tuy nhiên, việc xác định chỉ tiêu kế hoạch lạm phát hàng năm theo CPI của tháng 12 năm báo cáo so với tháng 12 năm trước và trên cơ sở đó công bố số liệu thực hiện cả năm theo nội dung này là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo thông lệ quốc tế, CPI cả năm của hầu hết các nước được công bố là CPI của cả năm báo cáo so với năm trước. Và đây là lý do Tổng cục Thống kê đề xuất bổ sung một gốc so sánh liên quan đến việc tính và công bố CPI.
Có thể hiểu, đề xuất thay đổi chủ yếu là việc chọn gốc so sánh nào trong cách tính CPI hiện nay để công bố?
Việc công bố CPI hàng tháng theo gốc so sánh tháng trước và cùng tháng năm trước như hiện nay tiếp tục được duy trì để phục vụ điều hành kinh tế hàng tháng của Chính phủ và một số yêu cầu phân tích kinh tế.
Hiện nay, khi nghiên cứu tốc độ tăng giá tiêu dùng năm báo cáo so với năm trước thì cả người sử dụng tin lẫn các cơ quan Chính phủ đều nghiêng về việc sử dụng CPI tháng 12 năm báo cáo so với tháng 12 năm trước. Song như phân tích ở trên, để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và nâng cao tính so sánh số liệu thống kê với các nước, trong văn bản đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đề nghị thời gian tới nên xác định chỉ tiêu kế hoạch về tỷ lệ làm phát theo nội dung của CPI cả năm so với năm trước.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê công bố CPI hàng quý và cả năm so với cùng kỳ năm trước. Đây là giải pháp nhằm đồng bộ với các chỉ tiêu kế hoạch và nhiều chỉ tiêu thống kê khác, CPI theo gốc so sánh này sẽ phù hợp hơn trong việc sử dụng để loại trừ sự biến động giá đối với một số chỉ tiêu thời kỳ như tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội, GDP, giá trị sản xuất...
Như vậy, về cơ bản, phương pháp tính sẽ không có gì thay đổi, thưa bà?
Như tôi đã nói ở trên là sẽ không có sự thay đổi về phương pháp tính CPI. Phương pháp mà Tổng cục Thống kê hiện đang thực hiện là áp dụng theo phương pháp luận quốc tế trong tài liệu hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) biên soạn và cũng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Nhiều năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cử chuyên gia đến Việt Nam để rà soát và đánh giá nguồn thông tin, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê và có nhận xét rằng, phương pháp tính, mặt hàng đại diện và quyền số dùng tính CPI là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các cơ quan Đảng và Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu khác ở trong nước sử dụng số liệu CPI cũng đánh giá số liệu này đã phản ánh đúng xu hướng biến động giá tiêu dùng của Việt Nam.
Theo quy định, việc áp dụng phương pháp luận quốc tế này yêu cầu phải rà soát lại rổ hàng, quyền số theo chu kỳ thông thường là 4 - 5 năm/lần. Lần rà soát và cập nhật gần đây nhất của Tổng cục Thống kê được thực hiện vào tháng 5/2006 để áp dụng tính CPI cho giai đoạn 2006 - 2010.
Có thể nói rằng, đến nay, Tổng cục Thống kê đã tiếp cận và áp dụng phương pháp tính CPI hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam. Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ngày càng đa dạng, nên cơ cấu tiêu dùng của người dân cũng thay đổi nhanh.
Để không ngừng nâng cao chất lượng tính CPI, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục rà soát quyền số tính chỉ số giá; nâng cao tính đại diện của danh mục hàng hóa dịch vụ được thu thập giá; tăng cường công tác kiểm tra và giám sát khâu thu thập số liệu ban đầu.