Kinh doanh chứng khoán: lãi mới phải nộp thuế
- Thứ năm - 04/12/2008 11:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bên lề Hội nghị ngành Tài chính năm 2008, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến Luật thuế thu nhập cá nhân, các chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp trong năm 2009.
PV: Trong Luật thuế thu nhập cá nhân, nhiều người hiện vẫn còn băn khoăn về việc tính thuế từ kinh doanh chứng khoán. Liệu trong tình hình kinh doanh chứng khoán không được thành công như hiện nay thì việc tính thuế có phù hợp?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Thuế thu nhập cá nhân có hai loại mới phải đưa vào điều tiết. Đó là điều tiết chứng khoán thông qua cổ tức và điều tiết mua bán chứng khoán giao dịch trên thị trường. Nhưng thực chất việc điều tiết này là không lớn (cổ tức có lãi thì mới đánh thuế 5%, còn buôn bán chứng khoán nộp 20% trên lãi hoặc không xác định được lãi thì nộp 0,1% trên giao dịch). Hiện nay phí giao dịch chứng khoán mà các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải nộp cho các công ty chứng khoán là 0,3-0,4%. Nên nếu có phải nộp 0,1% thuế thì cũng là số tiền không lớn. Tuy nhiên, nếu tiến hành việc thu thuế sẽ có tác động đến tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường nên Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ phương án hướng dẫn về mặt kỹ thuật để đến cuối năm mới tính toán kết quả kinh doanh, nếu thực sự có lãi thì mới tính thuế, còn lỗ thì sẽ không thu thuế nữa.
PV: Hiện nay, nhiều người rất quan tâm đến việc có lùi thời điểm thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân hay không. Bộ Tài chính có tính đến tiến độ thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Việc xem xét dừng, giãn hoặc là hoãn, giảm, miễn thuế không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tôi đã đề nghị với Chính phủ là giao Bộ Tài chính báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cụ thể việc thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân.
Đối với người đang phải nộp thuế thu nhập cao thì khi nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ có lợi hơn. Bởi người nộp thuế thu nhập cao trước đây không được giảm trừ gia cảnh cho những người ăn phụ thuộc, nay được giảm trừ.
Ngoài ra, mức động viên thuế suất là hạ mức khởi điểm thấp nhất từ 10 % xuống còn 5%. Thuế suất cao nhất là hạ từ 40% xuống 35%. Nhìn tổng thể mà nói là thuế thu nhập cá nhân có lợi cho người nộp thuế hơn là thuế thu nhập cao.
PV: Thưa Bộ trưởng, Bộ Tài chính đã có kế hoạch gì trong chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình khó khăn kinh tế như hiện nay?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Tình hình kinh tế thế giới đang suy giảm rất nhanh. Các nền kinh tế lớn cũng đã rơi vào suy thoái, tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam. Lường trước được những khó khăn này, Chính phủ đã trình Quốc hội và đã đưa vào Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2009 cho phép Chính phủ được điều hành chính sách thuế và xem xét các điều kiện cụ thể để giảm, giãn, hoãn chính sách thuế hỗ trợ cho sản xuất, khuyến khích thúc đẩy xuất khẩu đảm bảo ngăn ngừa được suy giảm kinh tế ở trong nước.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trong phiên họp ngày 2/11 và các kế hoạch để thực hiện Nghị quyết này. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN từ quý IV/2008 và cả năm 2009 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Phần thuế còn lại sẽ cho giãn kéo dài từ 6 đến 9 tháng. Ngoài ra, sẽ rà soát tất cả các chính sách thuế về xuất khẩu, nhập khẩu để vừa hạn chế nhập siêu lại vừa khuyến khích xuất khẩu tốt hơn.
![]() |
Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN từ quý IV/2008 và cả năm 2009. |
PV: Thưa Bộ trưởng, theo dự báo kinh tế năm 2009 sẽ suy giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu. Vậy, chúng ta sẽ cân đối như thế nào để đảm bảo an sinh xã hội?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Chính phủ đã có kế hoạch sắp xếp thu-chi ngân sách năm 2009. Mục tiêu ưu tiên của Chính phủ là đảm bảo an sinh xã hội. Những chính sách đã ban hành, đưa vào kế hoạch và được Quốc hội giao thì phải đảm bảo thực hiện tốt. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể huy động các nguồn lực khác từ xã hội.
PV: Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng, giá dầu giảm, việc thắt chặt chi tiêu công cũng rất cần thiết, Bộ Tài chính có kế hoạch cụ thể gì đối với lĩnh vực này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Hiện nay, Bộ đã xây dựng rất nhiều phương án tương ứng với giá dầu thế giới để điều hành cho linh hoạt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải rà soát các khoản chi để tiết kiệm. Ngoài ra, cũng phải tích cực khai thác các nguồn thu, chống thất thu, chống nợ đọng thuế để thu các khoản hiện chưa thu được đảm bảo cho ngân sách.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể sẽ phát hành thêm trái phiếu cho đầu tư, hoặc là tìm các nguồn khác để đầu tư thông qua hỗ trợ lãi suất. Ví dụ như thời gian vừa rồi, Chính phủ cho các doanh nghiệp vay tiền không tính lãi để mua lúa gạo của nông dân.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.