Kinh tế Trung Quốc sắp “hạ nhiệt”
- Thứ hai - 01/10/2007 10:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kinh tế Trung Quốc đã 4 năm liền tăng trưởng trên 10% và đã được đánh giá là "kỳ tích phát triển kinh tế của thế giới".
Chấm dứt thời kỳ tăng trưởng quá nóng
Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2006 của Trung Quốc vượt quá 21 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng gấp đôi so với năm 2002, vươn lên xếp thứ tư trên thế giới, bình quân đầu người đạt tới 2.000 USD. Về kết cấu kinh tế, trong gần 5 năm qua, sự phát triển nhịp nhàng giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn được tăng cường mạnh mẽ.
Trong gần 5 năm qua, thu ngân sách Nhà nước và lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục gia tăng với mức lớn. Các báo cáo kinh tế của Trung Quốc khẳng định nền kinh tế nước này đang đi lên quỹ đạo phát triển "vừa tốt, vừa nhanh".
Viện trưởng Học viện Kinh tế (thuộc Đại học Kinh tế - Tài chính Thượng Hải) Điền Quốc Cường nhận xét, kinh tế Trung Quốc trong vòng 3 năm tới sẽ duy trì ở mức từ 9% trở lên, nhờ môi trường chính trị ổn định, pháp chế ngày càng hoàn thiện và môi trường xung quanh hoà bình ổn định.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Xã hội Trung Quốc Trương Trác Nguyên cho rằng, do thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Theo Viện trưởng Học viện Kinh tế (thuộc Đại học Kinh tế - Thương mại Thủ Đô) Trương Liên Thành, hiện nay về cơ bản, kinh tế Trung Quốc đã lên tới điểm đỉnh. Có thể dự đoán rằng vào nửa cuối năm nay hoặc muộn nhất là nửa đầu năm tới, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm dần và quá trình này sẽ diễn ra trong vòng từ 2-3 năm tiếp theo...
Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, song dự báo lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc vẫn tăng. Báo cáo điều tra "Viễn cảnh đầu tư toàn cầu trước năm 2011: Đầu tư trực tiếp nước ngoài và rủi ro chính trị" của Hiệp hội Các nhà kinh tế (EIU) và Chương trình Đầu tư Quốc tế Columbia (CPII) vừa dự báo, thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục duy trì sức hấp dẫn đối với giới đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2007 đến năm 2011, FDI vào Trung Quốc mỗi năm dự kiến sẽ đạt khoảng 87 tỷ USD và chiếm khoảng 6% tổng FDI toàn cầu. Đa số các nhà đầu tư quốc tế vẫn coi Trung Quốc là điểm đầu tư lý tưởng.
Đẩy mạnh và tăng hiệu quả đầu tư
Trung Quốc đang sở hữu nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ và con số này dự báo tăng lên 2.000 tỷ vào năm 2009. Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn dự trữ tài chính khổng lồ này bằng cách đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Tháng 7 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã “bơm” 200 tỷ USD vào một công ty mới để mua tài sản ở nước ngoài.
Ngày 17/9, chuyên gia kinh tế thuộc trường đại học quốc gia Mexico, F. Zapata cho biết, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào các quốc gia thứ ba, trong đó Mỹ Latinh là một thị trường trọng điểm.
Trung Quốc đã tuyên bố một loạt dự án đầu tư với tổng trị giá lên tới 100 tỷ USD sẽ được triển khai trước năm 2015 và tập trung chủ yếu tại Brazin, Agentina, Chile, Columbia và Venezuela. Trong hai năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ Latinh và các châu lục khác đã tăng 70%. Riêng 6 tháng đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc vào Chile đã lên tới 1,694 tỷ USD, tăng trung bình mỗi năm 133% và Venezuela là 400 triệu USD...
Với mục tiêu phát triển hài hoà, giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền; thu hẹp hố sâu ngăn cách giàu nghèo, Trung Quốc cũng đang chú trọng đầu tư trong nước, nhất là đầu tư vào nông thôn và các vùng khó khăn.
Uỷ ban Phát triển và Cải cách nhà nước Trung Quốc vừa dự báo, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Trung Quốc trong năm nay có thể đạt 62 tỷ Nhân dân tệ, tăng hơn 9 tỷ Nhân dân tệ so với năm 2006. Số tiền trên sẽ đầu tư vào các lĩnh vực nông-lâm nghiệp, thuỷ lợi, khí tượng và giảm đói nghèo, trong đó tập trung vào các dự án cải tạo giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống điện, chợ tiêu thụ nông sản...
Chính phủ Trung Quốc cũng vừa công bố "Quy hoạch chấn hưng khu vực vành đai Đông Bắc" trên diện tích 1,45 triệu km2 và dân số hơn 120 triệu người. Mục tiêu trong vòng 10-15 năm tới sẽ phát triển khu vực này thành trung tâm sản xuất và chế biến tầm cỡ quốc tế. Trung Quốc đã khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới ở thành phố Đại Liên với số vốn đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD.