BMSC

http://bmsc.com.vn


Lãi suất cho vay: Vẫn chưa hạ!

Ngày 8/7/208, NHĐT&PT Việt Nam (BIDV) tuyên bố hạ lãi suất cho vay (cả VND&USD) so với mức đang công bố. Nhiều người đã cho rằng đây là tín hiệu các NH sẽ đồng loạt hạ lãi suất kinh doanh. Nhưng đến nay, chưa thấy NH nào “theo gương”?

Chưa thấy rõ xu hướng hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng. Ảnh minh họa

Giữ lãi suất cao để giữ chân khách hàng

Giám đốc một chi nhánh NHTM Nhà nước nói: “ Bảo nhau hạ được thì tốt, lãi suất huy động thế này thì NH lỗ”. Nhưng kinh doanh trong thời buổi cạnh tranh gay gắt thì khó có thể “bảo nhau” được. Lãi suất kinh doanh phụ thuộc vào năng lực tài chính của một NH, nhưng cũng phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan mà bản thân từng NH không thể xử lý được. Mức lãi suất cao nhất phổ biến hiện của các NHTMCP thường từ 17,4%-18,9%/năm, cá biệt có 19% và hơn 19%/năm.

Tình hình thanh khoản tại vài thời điểm trong tháng của một số NHTMCP nhỏ hiện vẫn chưa được ổn định, nhu cầu huy động tiền gửi vẫn lớn, trong khi lượng vốn nhàn rỗi từ lưu thông vào NH không nhiều, luồng tiền thường dịch chuyển từ NH này sang NH khác.

Lãi suất liên NH hiện vẫn ở mức từ 20%-21%/năm.Vì vậy, trong thời gian tới chưa có NHTMCP nào giảm lãi suất huy động vì phải giữ chân khách hàng. Về phía các NHTM Nhà nước hiện có mức lãi suất vẫn thấp hơn các NHTMCP khoảng trên, dưới 1%/năm. Mặc dù có thông tin một số chi nhánh NHTM Nhà nước đang cân nhắc khả năng hạ lãi suất huy động vì theo Giám đốc một NH thì : “Lãi suất huy động có để cao cũng chẳng hút được thêm tiền gửi. Vậy hạ đi để bớt lỗ”.

Tuy nhiên, việc hạ lãi suất có thể chỉ xảy ra ở số ít chi nhánh có nguồn tiền gửi tổ chức lớn còn hầu hết các chi nhánh khác cũng chưa dám hạ lãi suất huy động trong thời điểm này vì theo nhiều chi nhánh tiền gửi dân cư đang giảm mạnh. Mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống NH chỉ giảm khi các NHTMCP, đặc biệt là các NH quy mô nhỏ cải thiện tốt khả năng thanh khoản và chỉ số lạm phát giảm.

Lãi suất cho vay VND chưa thể hạ được

Đây là khẳng định của nhiều lãnh đạo NHTM. Có hai lý do mà họ đưa ra: Mức lãi suất huy động đầu vào (cả dân cư và tổ chức) đã quá cao, NH không còn nguồn vốn rẻ để cho vay nữa. Nếu hạ lãi suất cho vay thì các NH sẽ chỉ hòa vốn hoặc lỗ. NH lo ngại DN không có khả năng trả nợ nên không muốn mở rộng tín dụng. Lãi suất cao là một trong những “rào cản” để hạn chế nhu cầu vay.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến của các NH cả ngắn, trung và dài hạn phổ biến từ mức 19,5%-21%/năm. Chỉ có khách hàng truyền thống, khách hàng “ruột” của NH mới được hưởng lãi suất thấp hơn, còn khách hàng mới rất ít khi tiếp cận được vốn NH, nếu có phải chịu lãi suất 21%/năm. Mặc dù bị kêu là cao nhưng ngay cả mức 21%/năm thì nhu cầu vay của khách hàng vẫn rất lớn mà NH cũng không muốn đáp ứng. Tổng Giám đốc một NHTMCP nói: “ Thu hẹp tín dụng có thể lỗ nhưng còn bảo toàn được vốn, nếu cho vay trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào, lãi suất cao như hiện nay thì NH mất vốn vì DN không có khả năng trả nợ”.

Tuy nhiên, với ngoại tệ, có thể một số NH có thể hạ lãi suất cho vay vì nguồn vốn USD huy động của các NH đã khá dồi dào. Mặt bằng lãi suất cho vay USD phổ biến hiện nay của các NH ở Việt Nam từ 10%-14%/năm. Như vậy là quá cao so mặt bằng lãi suất cho vay USD trên thế giới (chỉ ở mức từ 2%-5%/năm). Những khách hàng thuộc đối tượng được vay ngoại tệ khả năng trả nợ cũng tốt hơn các DN khác. Đây cũng là lý do tại sao BIDV chỉ hạ lãi suất cho vay VND với mức 0,2%/năm, trong khi hạ lãi suất cho vay USD đến 2%/năm.

Lãi suất cơ bản còn tùy diễn biến lạm phát

Lãi suất cơ bản của NHNN trong tháng 7 vẫn là 14%. Nhiều khả năng trong tháng 8.2008 mức lãi suất này vẫn giữa nguyên vì tiền gửi vào hệ thống NH hiện tuy không tăng nhiều nhưng tương đối ổn định, bên cạnh đó các NH lại đang hạn chế cho vay ra vì sự rủi ro. Chủ trương của NHNN là muốn ổn định và hạ dần mặt bằng lãi suất kinh doanh của các NH.

Nhưng hạ lãi suất được hay không cũng chưa hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của NHNN được. Bởi vì mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam mà lãi suất là một trong những công cụ tốt nhất để chống lạm phát.

Nhóm Nghiên cứu kinh tế thuộc Chương trình châu Á của đại học Harvard ngày 19/5/2008 trong Báo cáo “Vượt qua khủng hoảng và tiếp tục đẩy mạnh cải cách” (Báo cáo này đã được gửi cho Chính phủ Việt Nam) đã khuyến nghị một trong ba việc cần làm ngay là: Tăng dần lãi suất để giảm khó khăn thanh khoản cho các NH nhỏ; góp phần giảm áp lực cho chính sách tỷ giá; kiềm chế lạm phát. Tất nhiên bối cảnh NH thời điểm tháng 5/2008 có khác một chút so với hiện nay, nhất là vấn đề thanh khoản và tỷ giá nhưng chỉ số lạm phát thì vẫn là vấn đề còn tồn tại và tiềm ẩn những diễn biến khó lường trong những tháng tới. Vì vậy, vẫn chưa khẳng định được xu hướng chắc chắn của lãi suất cơ bản trong những tháng tiếp theo.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây