Làm giàu từ “vàng trắng”: Cần một chiến lược bài bản
- Thứ hai - 16/12/2013 09:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cần quy hoạch khoa học vùng trồng cây cao su, giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, chính sách bảo hiểm.
Tập đoàn Cao su Việt Nam xác định, vùng Bắc Trung Bộ là vùng ngoài truyền thống đối với cây cao su trong chiến lược phát triển của mình. Tuy nhiên, bằng thực tiễn trong mấy chục năm qua, với biết bao thử nghiệm tốn kém, đẫm mô hôi và cả nước mắt, nhân dân và chính quyền các tỉnh vùng này lại nhất lòng chọn cây cao su làm mũi đột phá, với kỳ vọng giảm nghèo nhanh và có thể làm giàu.
Cây cao su với đặc tính thân giòn, dễ bị gãy đổ khi gặp bão. Vậy phải làm gì để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi tiếp tục duy trì cây trồng này ở vùng “tâm bão”? Và có nên tiếp tục mở rộng hơn nữa diện tích trồng cao su ở khu vực này hay không?
Bài học từ Quảng Nam
Vùng cao su huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, 1 tuần sau cơn bão số 11, thật khó để nhận ra nơi đây vừa trải qua trận cuồng phong. Những cây cao su bị gãy đổ đã được công nhân Nông trường Cao su Hiệp Đức thu dọn. Cây bị nghiêng được kéo lại, thẳng đứng.
Anh Hồ Văn Thọ, người dân tộc Cadong, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết, để đối phó với 2 cơn bão số 10 và 11, Nông trường Cao su Hiệp Đức cùng người dân địa phương đã lên phương án bảo vệ rừng cao su bằng việc bấm ngọn, tỉa cành, tạo tán cân đối, chủ động dùng cây cọc chống đỡ cho cây cao su.
15 năm, kể từ lần đầu tiên được trồng trên vùng đồi tỉnh Quảng Nam, cây cao su đã phải hứng chịu nhiều trận bão lớn như: Xang Xen (số 6 năm 2006); bão số 9 năm 2009; bão số 11 năm 2013, với tổng diện tích cao su bị ngã đổ khoảng 700 ha. Riêng cơn bão số 11 vừa qua, gây thiệt hại gần 480 ha, chiếm 4% tổng diện tích cây cao su của tỉnh này.
Vì sao cũng là một trong những nơi phải hứng chịu nhiều cơn bão mạnh mà rừng cao su của địa phương này lại được an toàn hơn?
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi bão, lốc xoáy, địa phương đã chủ động quy hoạch trồng cây cao su ở vùng cách bờ biển 50 cây số trở lên. Vùng trồng được che chắn bởi đồi núi hình bát úp, nhằm tránh gió với cường độ mạnh khi bão quét vào đất liền.
Đáng chú ý, do xác định được tâm thế phải “sống chung” với bão, doanh nghiệp và các hộ trồng cao su ở tỉnh Quảng Nam rất chú ý đến giống cây trồng. Ông Huỳnh Văn Thành, Giám đốc Nông trường Cao su Hiệp Đức, Công ty Cao su Quảng Nam cho biết, từ nhiều năm nay, Công ty duy trì 2 loại giống là RRI 600 và giống GT1. 2 loại giống này tuy năng suất mủ thấp hơn so với các giống khác nhưng khả năng chống chịu bão tốt hơn.
“Qua kinh nghiệm của các đợt gió trước, chúng tôi thiết kế hàng trồng song song với chiều gió nên giảm thiệt hại hơn. Gốc của cây cao su trước đây trồng mắt ghép, ngang mặt đất. Hiện nay, cũng đề xuất thêm là trồng thấp, âm xuống đất 1 đến 2 cm, để khi đó chân voi nằm sâu dưới mặt đất, giữ được gốc cây ổn định, qua đó, giảm trốc gốc cây cao su.”
“Ở khu vực miền Trung, mặc dù ở Nam Đông, Thừa Thiên Huế hay Hiệp Đức, Quảng Nam có đổ gãy một số cây cao su. Nhưng tỷ lệ gãy này không phải là nhiều. Tôi cho rằng, tỷ lệ đổ gãy khoảng 5 - 7% là chấp nhận được.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam là hữu ích đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ, sau đợt kiểm tra tình hình thiệt hại do bão số 10 và 11 tại 2 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. “Vì đây là cây rất quan trọng trong xóa đói giảm nghèo nên chúng ta phải tính toán xử lý quy hoạch tránh những luồng gió hoặc trồng xa vùng biển hơn nữa.”- Phó Thủ tướng nói.
Người dân thiếu kỹ thuật canh tác
Đến nay, Tập đoàn Cao su Việt Nam trồng khoảng 18.500 ha, trải dài từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Tuy nhiên, trong hai cơn bão vừa rồi, diện tích cây cao su của Tập đoàn này bị gãy đổ chỉ khoảng 900 ha. Lý giải nguyên nhân dẫn đến thiệt hại vườn cây cao su của bà con các tỉnh Bắc Trung Bộ lớn hơn nhiều lần so với Tập đoàn, ông Phan Thành Dũng, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su, Tập đoàn Cao su Việt Nam cho rằng, bà con thiếu kỹ thuật canh tác cây cao su, đầu tư, chăm sóc cây quá mức, làm cho bộ lá phát triển nhanh, dễ đổ gãy khi có gió bão.
Mặt khác, trong quá trình khai thác, một bộ phận bà con khai thác sớm khi cây chưa đủ điều kiện khai thác làm cho cây suy yếu.
Ông Phan Thành Dũng cho biết thêm, sau thời gian dài không bị bão và khả năng siêu lợi nhuận từ cây cao su nên một bộ phận nhân dân đã chủ quan, chọn loại giống thân mềm, cây cao, cho thu hoạch nhanh, thay vì chọn giống có khả năng kháng gió, kháng bão.
“Người dân mua giống trôi nổi, không được kiểm định, không rõ nguồn gốc, vì vậy, tỷ lệ bị thiệt hai do bão rất lớn. Chúng tôi khuyến cáo bà con nên dùng một số giống có thể kháng gió, kháng bão đã được trồng từ năm 1984 đến nay và đã có những thành tích ngoài năng suất, sản lượng.” - ông Phan Thành Dũng khuyến cáo.
Cây cao su cần có chính sách bảo hiểm!
Ngay sau 2 cơn bão số 10 và 11, với những thiệt hại nặng nề của người trồng cao su, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ kịp thời. Đối với các khoản vay, ngành ngân hàng đã miễn, giảm lãi và cơ cấu lại nợ, như gia hạn nợ, giãn nợ. Những hộ bị thiệt hại nặng, mất trắng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ khoanh nợ, xóa nợ.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững cây cao su trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung, ông Hoàng Văn Mịn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho rằng, đã đến lúc, phải có chính sách bảo hiểm cho cây cao su.
“Chính phủ cần có chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt cho người trồng cao su. Nếu áp dụng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 142 của Chính phủ, mỗi ha được hỗ trợ 5 triệu đồng thì rất khó để nông dân có thể sớm phôi phục sản xuất. Nếu người trồng cao su được đóng bảo hiểm thì khi rủi ro, người dân có điều kiện phục hồi.” - ông Hoàng Văn Mịn khẳng định.
Ông Phan Ngọc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, địa phương có diện tích cao su tiểu điền rất lớn của huyện Vĩnh Linh cho biết, nếu có chính sách bảo hiểm cho cây cao su, chắc chắn, bà con sẽ yên tâm hơn: “Hiện nay, một số cây trồng khác như lúa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã làm bảo hiểm cho nông dân thông qua Công ty phân bón. Theo đó, người nông dân sẽ được chi trả bảo hiểm nếu mua phân bón An Nông. Nếu có đơn vị nào đứng ra làm bảo hiểm cho cây cao su, nông dân sẽ mua bảo hiểm, phòng khi thiệt hại, bà con có nguồn bù đắp.”
Dù đã trồng vượt xa so với quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lại nằm trong vùng có tần suất bão dày đặc, chiều ngang hẹp, chỉ cách biển khoảng 50-60 km nhưng nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh đều có chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích cây cao su.
“Quan điểm của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn là đề nghị các tỉnh vẫn bám sát quy hoạch của Thủ tướng chính phủ. sẽ tổng hợp thực tiễn cũng như đề xuất các tỉnh để sớm rà soát lại việc thực hiện quy hoạch, trên cơ sở đó, đề xuất Thủ tướng chính phủ có điều chỉnh trong thời gian tới.”-ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Cây cao su có thể trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở khu vực Bắc Trung Bộ. Thực tiễn cho thấy, trồng cây “vàng trắng”, kết quả mang lại “đỏ”, “đen” hay thành, bại thì ngoài yếu tố khách quan từ tự nhiên, còn phụ thuộc vào chính chúng ta.
Vì vậy, nhiệm vụ mang tính chiến lược đối với cây cao su ở Bắc Trung Bộ chính là khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết trên địa bàn mỗi tỉnh, xác định rõ những vùng trồng và không nên trồng; đưa ra khỏi quy hoạch những diện tích trồng gần biển, những nơi địa hình trống trải, thường xuyên bị bão lớn. Đồng thời, phải xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác đặc thù và chọn được giống cây trồng thích hợp; kịp thời bổ sung chính sách hỗ trợ, bảo hiểm của Nhà nước và doanh nghiệp.
Có như vậy, cây cao su mới trở thành loại cây làm giàu bền vững trên mảnh đất nghèo khó này./.