BMSC

http://bmsc.com.vn


Lần đầu tiên có cơ chế xử lý khủng hoảng ngân hàng

Các tổ chức tín dụng khi gặp sự cố, dẫn đến đổ vỡ sẽ được tiếp nhận và xử lý theo một quy trình bài bản, hạn chế hậu quả ở mức thấp nhất và bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) đang xây dựng Đề án tiếp nhận xử lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đề án này sẽ xây dựng một cơ chế chính thức trong việc tiếp nhận xử lý các tổ chức gặp vấn đề trong hoạt động và dẫn đến đổ vỡ. 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một cơ chế tiếp nhận và xử lý đồng bộ các ngân hàng khi khủng hoảng và đổ vỡ. Bởi vì hiện nay, Việt Nam chưa có môi trường pháp lý cho việc giải quyết phá sản, giải thể phù hợp với đặc thù của hoạt động tiền tệ và ngân hàng, chưa có tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm trong xử lý và thiếu một cơ chế phối hợp để xử lý khủng hoảng.

Cơ chế xử lý khủng hoảng đồng bộ, giảm thiểu hậu quả xấu cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa: A. Minh)

Ông Bùi Khắc Sơn - Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, đề án này sẽ giải quyết các tồn tại hiện nay trong việc xử lý các tổ chức đổ vỡ. Việc tiếp nhận xử lý phải dựa trên nguyên tắc thị trường và chi phí tối thiểu, hạn chế sử dụng ngân sách để giải quyết các tổ chức tài chính yếu kém.

Đề án hình thành 7 kịch bản  xảy ra sự cố: 

- Tổ chức tài chính tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn đột xuất và tạm thời mất khả năng chi trả. 

-Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng thanh toán, đứng trước nguy cơ đổ vỡ nhưng đã xây dựng được kế hoạch khả thi để tự phục hồi và đã được phê duyệt. 

- Tổ chức mất khả năng thanh toán, không thể tồn tại và đã có một tổ chức tài chính lành mạnh đồng ý tiếp nhận. 

- Tổ chức tín dụng nhỏ tự thỏa thuận với nhau trong việc hợp nhất để tạo thành tổ chức có quy mô lớn và khả năng cạnh tranh hơn. 

- Tổ chức tín dụng nhỏ phải hợp nhất theo chỉ định của cơ quan có thẩm quyền. 

- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng thanh toán, không thể tồn tại và không có tổ chức nào đồng ý tiếp nhận; khủng hoảng hệ thống với các tình huống hoảng loạn rút tiền quy mô lớn, sụp đổ tổ chức quá lớn, sụp đổ hàng loạt có tính dây chuyền.

Mỗi kịch bản sự cố sẽ có những biện pháp xử lý một cách phù hợp và bài bản theo nguyên tắc thị trường, chi phí thấp nhất, thời gian nhanh nhất, thu hồi được tài sản cao nhất, có hiệu quả và chia sẻ được rủi ro. Đề án được xây dựng trên nguyên tắc cần có sự can thiệp sớm của cơ quan giám sát và Bảo hiểm tiền gửi dựa trên các hoạt động giám sát và cảnh báo sớm đề việc việc xử lý triệt để và không lây lan.

Cùng với đề án tiếp nhận xử lý, DIV cũng đang xây dựng đề án hệ thống phí trên cơ sở theo các tiêu chí rủi ro. Mức phí sẽ cao hơn đối với những tổ chức được đánh giá có nhiều rủi ro và ngược lại là thấp hơn đối với tổ chức hoạt động an toàn. Điều này sẽ buộc các ngân hàng đứng trước lựa chọn nếu chấp nhận rủi ro và nguy cơ thiệt hại cao thì phải chấp nhận nộp phí cao và ngược lại.

Hệ thống phí trên có sở rủi ro này sẽ thay thế cho hệ thống phí đồng hạng áp dụng từ 1999. Theo ông Sơn, cơ chế này có nhiều hạn chế, không công bằng, không phản ánh mức độ rủi ro của mỗi tổ chức và không khuyến khích các định chế nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện các tiêu chuẩn an toàn. 

Dự kiến, hệ thống phí mới sẽ có 4 bậc và mức chênh lệch từ thấp nhất đến cao nhất là 8 lần dựa trên các tiêu chí an toàn phân biệt giữa các tổ chức được xếp hạng rủi ro từ thấp đến cao. Việc đánh giá và xếp hạng các tổ chức tài chính sẽ dựa trên các thông tin đánh giá của các cơ quan quản lý, xếp hạng của các cơ quan giám sát và đánh giá độc lập, đánh giá của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các thông tin khác.

Ông Sơn cho biết, việc đánh giá sẽ tuân theo các phương pháp và tiêu chuẩn quốc tế. Các tiêu chuẩn đánh giá đảm bảo chính xác, khách và công bằng, "không cần biết anh là ai; lớn hay nhỏ, ai sở hữu, đứng sau anh tập đoàn nay hay tập đoàn kia"...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây