Ló rạng giá trị doanh nghiệp Vietcombank và MHB
- Thứ năm - 13/09/2007 14:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) sẽ xác định xong giá trị doanh nghiệp vào cuối tháng 9-2007, hoàn tất đề án cổ phần hóa và trình Chính phủ trong tháng 10. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang chờ Chính phủ phê duyệt chính thức phương án chuyển đổi sở hữu. Quá trình cổ phần hóa của cả hai sẽ thành công đến đâu hiện phụ thuộc nhiều không chỉ vào việc xác định giá trị doanh nghiệp, mà cả vấn đề Nhà nước sẽ xử lý như thế nào phần thặng dư vốn khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Bán cho đối tác chiến lược trước khi đấu giá
Trong phương án trình lên Chính phủ và có nhiều khả năng sẽ được Chính phủ chấp thuận, Vietcombank đưa ra ba đề xuất quan trọng. Thứ nhất là không xác định lại giá trị doanh nghiệp. Giá trị sổ sách hiện tại (tức phần vốn thuộc sở hữu nhà nước) của ngân hàng như thế nào, sẽ vẫn giữ nguyên như thế và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Hiểu nôm na là Vietcombank sẽ chỉ tính giá trị ngân hàng trong quá khứ, mà không tính giá trị tương lai, trong đó có khả năng sinh lời, thương hiệu, thị phần, mạng lưới, số lượng khách hàng, năng lực bộ máy nhân sự... Chính điểm này tạo sự hấp dẫn đối với cổ phiếu Vietcombank khi phát hành ra bên ngoài. Thứ hai là thay đổi mô hình tổ chức. Tổ chức bộ máy và quản trị của Vietcombank sẽ không theo mô hình mẫu của Ngân hàng Nhà nước, đặt nền móng thoát khỏi chế độ bộ chủ quản. Sau cổ phần hóa, có thể việc quản lý Vietcombank sẽ được chuyển về SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước), chứ không phải do Ngân hàng Nhà nước quản lý như hiện nay.
Thứ ba và là sự khác biệt lớn so với Bảo Việt, Vietcombank sẽ bán cổ phần cho đối tác chiến lược trước khi phát hành ra công chúng qua đấu giá công khai. Việc bán ở đây có xác định giá cụ thể kèm theo các điều kiện hỗ trợ. Như thế giá phát hành ra ngoài có khả năng xoay quanh giá bán cho đối tác chiến lược. Vai trò của tổ chức tư vấn sẽ thể hiện ở điểm này. Họ sẽ là cầu nối tìm ra giá hợp lý cho cả bên bán và bên mua. Giá đó không nhất thiết là quá cao, nhưng quan trọng là bán hết tỷ lệ cần bán với giá chấp nhận được. Như vậy số tiền thu về sẽ là tối đa và tổ chức tư vấn, ngân hàng, nhà đầu tư cũng như Nhà nước cùng có lợi.
Khác với Vietcombank, trong đề án cổ phần hóa sẽ trình Chính phủ, MHB sẽ đưa ra cả ba phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp và Chính phủ “chấm” phương án nào, ngân hàng thực hiện phương án đó. Ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị MHB, cho biết theo phương thức xác định giá trị tài sản ròng (vốn được nhà đầu tư ưa chuộng) thì ước sơ bộ giá trị MHB lớn gấp rưỡi giá trị sổ sách (vốn chủ sở hữu của ngân hàng hiện khoảng 700 tỉ đồng). Trong xác định giá trị tài sản ròng của ngân hàng, giá trị tài sản tài chính là chủ yếu, giá trị tài sản cố định chiếm một tỷ lệ nhỏ. Bởi, thí dụ, ngân hàng huy động 100 tỉ đồng, hoặc cho vay 100 tỉ đồng, nhưng 100 tỉ đó có trả được không, có còn thật không, có thu hồi được không mới là chuyện đáng nói.
Phương pháp thứ hai xác định giá trị của MHB là bằng cách so sánh với giá trị các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn (lấy cùng chỉ số tài chính) như Sacombank và ACB. Dựa theo phương pháp xác định giá trị dòng tiền, giá trị MHB ước tính gấp bảy, tám lần so với phương pháp đầu tiên. Tuy nhiên, theo cả ba phương pháp, đấy mới chỉ là những đánh giá sơ bộ. Những số liệu chính xác sẽ được đơn vị tư vấn và ngân hàng phân tích kỹ lưỡng trước khi có bản đề án cuối cùng.
Thặng dư, không chỉ của riêng Nhà nước
Cả Vietcombank và MHB đều đề nghị Nhà nước cho giữ lại phần thặng dư vốn sau khi phát hành thêm cổ phần để đưa vào quỹ dự trữ tăng vốn. “Trong quá trình phát triển, ngân hàng sẽ phải tăng năng lực tài chính, tăng vốn, nhưng không phải đợt phát hành nào giá cổ phiếu cũng tăng” - ông Dũng nói - “Có khi giá giảm, thậm chí thấp hơn mệnh giá. Lúc đó phải có quỹ dự trữ bù đắp”. Hơn nữa, nếu Nhà nước thu về toàn bộ phần thặng dư là trái với Luật Doanh nghiệp, trái với thông lệ quốc tế. Nhà nước chỉ có thể thu về phần thặng dư tương ứng với tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp sau khi được đại hội cổ đông nhất trí cho chia hết thặng dư.
Việc Nhà nước thu về một phần thặng dư sẽ buộc các doanh nghiệp cổ phần hóa phải trả phần thặng dư còn lại cho cổ đông. Nhưng không có thặng dư, làm sao doanh nghiệp, đặc biệt các công ty niêm yết, thu hút được nhà đầu tư đến sau? Tất nhiên sự tăng trưởng giá trị cổ phiếu phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng thặng dư bao giờ cũng có sức hấp dẫn riêng của nó, nhất là đối với các ngân hàng, nơi đang cần sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài về quản trị, công nghệ, kinh nghiệm làm ăn trong các giao dịch quốc tế.