Lợi dụng công nhân để gây sức ép tăng vốn
- Thứ năm - 17/07/2008 15:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Các công nhân trực tiếp sản xuất của Cty CP Bông Bạch Tuyết đình công ngày 21.5.2008 để đòi tăng lương. |
Trước đó vào ngày 15.7, một vài cá nhân ở Cty CP Bông Bạch Tuyết đã phát hành Thông báo gửi Sở LĐTBXH và LĐLĐ TPHCM, phản ánh việc Cty không còn tiền mua vật tư nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống 500 CN, nhưng đơn vị cấp trên là TCty Dệt may Gia Định (nắm giữ 30% cổ phần nhà nước) không chấp nhận cho Cty phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 68,4 tỉ đồng lên 150 tỉ đồng trong quý III/2008 để cứu Cty thoát khỏi bờ vực phá sản! Vì sao có chuyện oái oăm này?
Được biết, vào ngày 14.7, Cty CP Bông Bạch Tuyết có tổ chức ĐHCĐ. Cổ đông TCty Dệt may Gia Định không biểu quyết phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, bởi 5 lẽ sau: Thứ nhất, theo báo cáo tài chính 2007 do Cty AISC kiểm toán, Cty CP Bông Bạch Tuyết lỗ luỹ kế 17,68 tỉ đồng (bằng 25,85% vốn điều lệ). Trong khi đó, năm 2006, báo cáo kiểm toán do Cty AISC kiểm toán lãi 2,2 tỉ đồng, nhưng sau đó AISC lại thỏa thuận với TGĐ Cty CP Bông Bạch Tuyết và báo cáo kiểm toán 2007 đã điều chỉnh hồi tố năm 2006 lỗ 8,48 tỉ đồng; năm 2007 lỗ tiếp 6,8 tỉ đồng.
Đáng nói, 6 tháng đầu 2008, tình hình SXKD và tài chính Cty CP Bông Bạch Tuyết rất xấu, theo báo cáo ngày 18.6.2008 dự báo lỗ 8,5 tỉ, nhưng báo cáo nhanh quý I ngày 5.3.2008 gửi TCty Dệt may Gia Định lại lãi 121 triệu đồng(?) Thứ hai, phương án SXKD năm 2008 mãi đến đầu tháng 7.2008 mới được xây dựng trình HĐQT và trình ĐHCĐ ngày 14.7 vừa qua.
Theo đánh giá của TCty Dệt may Gia Định thì nó không phù hợp vì sau khi tăng vốn điều lệ lên 150 tỉ đồng, doanh thu chỉ đạt 61 tỉ đồng (thấp hơn năm 2007 - đạt 64 tỉ đồng), trong khi hiện tại cổ phiếu Cty Bông Bạch Tuyết đang bị ngừng giao dịch và sẽ bị huỷ niêm yết nếu năm 2008 tiếp tục bị lỗ. Thứ ba, việc phát hành tăng vốn điều lệ lên 150 tỉ đồng (gấp 2,2 lần so với vốn điều lệ hiện nay) sẽ gây thiệt hại cho các cổ đông hiện hữu. Hơn nữa, với tình hình tài chính của Cty CP Bông Bạch Tuyết như hiện nay thì khó có khả năng được UBCK Nhà nước chấp thuận.
Thứ tư, nội dung của phương án phát hành cổ phiếu còn sơ sài. Việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược cần phải có thông tin rõ ràng về các nhà đầu tư mà Ban điều hành Cty Bông Bạch Tuyết giới thiệu như: Khả năng tài chính, cam kết của nhà đầu tư... nhưng đến ngày 14.7, Cty CP Bông Bạch Tuyết vẫn chưa công bố những thông tin trên.
Thứ năm, trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó lường như hiện nay, việc phát hành cổ phiếu tăng gần 2,2 lần so với vốn điều lệ hiện hữu dẫn đến cổ phiếu bị pha loãng và việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá (dự kiến phát hành khoảng 9.000 đồng/cổ phiếu) cần phải được kiểm soát chặt chẽ trong khi các chỉ số tài chính của Cty CP Bông Bạch Tuyết rất xấu. Vì vậy, Tổng Cty Dệt may Gia Định không biểu quyết tăng vốn.
Tại buổi họp với các chuyên gia pháp luật lao động chiều 16.7, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trương Lâm Danh kết luận: Tổng số CN của Cty CP Bông Bạch Tuyết thực tế là 250 CN (không phải 500 CN như trong thông báo), trong đó 195 CN làm việc trực tiếp dưới xưởng đã nghỉ hưởng 70% lương từ 11.7 (do xưởng đóng cửa). Như vậy, việc ai đó lợi dụng danh nghĩa CN để gây sức ép đòi tăng vốn điều lệ là hành vi gây rối, và cái gọi "đại diện tập thể CN" (trong thông báo) là bất hợp pháp.