BMSC

http://bmsc.com.vn


Lựa chọn cổ phiếu cuối năm: “Đãi cát tìm vàng”

Công ty nào có kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2008? Đâu là lĩnh vực đầu tư tiềm năng trong thời gian tới, bất chấp các khó khăn chung?

Công ty nào có kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2008? Đâu là lĩnh vực đầu tư tiềm năng trong thời gian tới, bất chấp các khó khăn chung?


Những biến động ngắn hạn trên TTCK vẫn khó lường khiến nhiều nhà đầu tư có thể nản lòng. Các CTCK thường tư vấn cho nhà đầu tư ngắn hạn rằng, mục tiêu bảo toàn vốn cần đặt lên hàng đầu, nhưng bên cạnh đó họ vẫn tư vấn cho các nhà đầu tư dài hạn mua vào cổ phiếu, chậm rãi và chọn lọc.

 

Ông Phan Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng bộ phận phân tích CTCK Vincom đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào duy trì được thị trường đầu ra sẽ có kết quả kinh doanh khả quan, do các yếu tố chi phí đầu vào đang trên đà giảm mạnh.


Ngoài ra, các doanh nghiệp có dòng tiền tốt, đủ để duy trì hoạt động kinh doanh và không có các khoản đầu tư tài chính chưa trích lập đủ dự phòng thì sẽ không gặp nhiều khó khăn.


Các ngành an toàn hiện nay là những ngành có sức cầu ổn định hoặc cung vẫn chưa đáp ứng được cầu, như ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng tiêu dùng giá trị thấp, dịch vụ tiêu dùng hoặc kinh doanh thiết yếu, ngành điện... Càng lý tưởng nếu các ngành hay doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa.


Ngoài ra, một số ngành nằm trong diện sẽ được Chính phủ thúc đẩy đầu tư phát triển trong năm tới, như xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng đáng quan tâm.


Cụ thể, theo ông Tuấn, ngành thực phẩm, đồ uống là ngành hàng thiết yếu, tập trung tiêu thụ ở thị trường nội địa nên hiện nay khá an toàn. Cổ phiếu đáng chú ý trong nhóm này là VNM. Tuy nhiên, các ngành hàng hàng tiêu dùng như may mặc, đồ gỗ sẽ gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu bị co hẹp.


Ngành công nghệ vẫn có nhiều triển vọng trong năm tới. FPT với mảng viễn thông vẫn có nhiều triển vọng, mảng đào tạo nhiều tiềm năng. Ngành điện cung vẫn không đáp ứng đủ cầu.


Dù công suất sản xuất điện và giá bán điện khó tăng, doanh thu phụ thuộc nhiều vào thời tiết (mưa nhiều thì thủy điện lãi nhiều), nhưng dòng tiền của hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều lớn do giá trị khấu hao lớn.


Tuy nhiên, do tỷ trọng chi phí khấu hao trong giá vốn hàng bán lớn nên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành điện sẽ giảm mạnh hơn mức giảm doanh thu.


Ngành xây dựng vẫn có hy vọng, nhất là với những doanh nghiệp tham gia vào các dự án trọng điểm, tiến độ giải ngân được đảm bảo.


Ngành kinh doanh dịch vụ cảng, kho bãi khó tăng trưởng mạnh trong năm tới, nhưng các doanh nghiệp niêm yết trong ngành sẽ vẫn ổn định, như DXP. Một số doanh nghiệp lãi nhờ đầu tư tài chính như VSC hoặc lỗ do đầu tư tài chính như GMD.


Ngành hóa chất nông nghiệp, đặc biệt là phân bón cũng đáng quan tâm. Nhu cầu thị trường thời gian tới vẫn ổn định, giá bán có thể giảm, nhưng những doanh nghiệp lớn như DPM sẽ khó lỗ.


Ngành khai khoáng với đầu ra là nguyên vật liệu, năm tới kinh tế khó khăn, tăng trưởng của ngành sẽ chậm lại, tuy nhiên BMC thì vẫn ổn vì đầu ra đã được bao tiêu; than năm tới sẽ giảm sản lượng khai thác, chi phí đầu vào tăng, nhưng đầu ra cũng tăng…


Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt nhận định, các doanh nghiệp có nhiều khả năng đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận trong quý IV/2008 thuộc ngành ngành dược và hàng tiêu dùng.


Theo bà Hoa, cổ phiếu của các doanh nghiệp này được coi là nhóm cổ phiếu phòng vệ, có khả năng chống chọi tốt với các khó khăn từ biến động của chu kỳ kinh tế, do các ngành này phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, nhất là hướng vào người tiêu dùng nội địa.


Do đó, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nhóm ngành này trong quý IV/2008 sẽ khả quan hơn các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành khác.


Bà Hoa cho biết, cổ phiếu của một số doanh nghiệp ngành dược như DHG, DMC, IMP, ngành thực phẩm như VNM thời gian qua có mức giá giảm thấp hơn so với mức trung bình của thị trường và các nhóm còn lại. Điều này cho thấy phần nào tính chất ổn định và phòng vệ của các cổ phiếu trong hai ngành này.


Bên cạnh đó, đây cũng là các doanh nghiệp tập trung vào mảng hoạt động chính, không đầu tư dàn trải, không đầu tư tài chính nhiều nên mức độ bị ảnh hưởng sẽ ít hơn.


Một số doanh nghiệp ngành cao su vẫn có khả năng đạt được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra do những doanh nghiệp này đã hoàn thành gần xong kế hoạch năm và những khó khăn trong các tháng cuối năm do giá cao su giảm mạnh đã được các công ty chủ động phòng ngừa bằng việc cắt giảm chi phí nhân công (chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành).


Một số doanh nghiệp ngành dầu khí cũng có khả năng đạt kết quả kinh doanh tốt trong quý IV/2008 như PVD, do các hợp đồng cho thuê giàn khoan (nguồn doanh thu chính của công ty) là những hợp đồng dài hạn đến giữa năm 2009 nên doanh thu và lợi nhuận của PVD vẫn ổn định cho đến hết năm 2008.


Ở thời điểm hiện nay, Trưởng bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), ông Fiachra Mac Cana cho biết, một số cổ phiếu đáng xem xét là FPT với tiềm năng phát triển và sự "cởi mở" của ban lãnh đạo; CII với nhiều dự án hạ tầng tiềm năng sẽ đưa vào khai thác trong vài năm tới; trong năm nay, sau khi giải quyết dứt điểm các khoản đầu tư tài chính, GMD sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong năm 2009; SJS có các vấn đề quản trị công ty, nhưng vẫn là cổ phiếu bất động sản hấp dẫn nhờ có nhiều dự án.


Khi TTCK phục hồi thì cổ phiếu đáng quan tâm hàng đầu là SSI. Ông Mac Cana nhận định, các công ty có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2009 sẽ là VSH, PVD, DPM, HPG, DPR, TRC…

Nguồn: Báo cáo chiến lược ngành CTCK Rồng Việt

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây