Lực hút cổ phiếu PVFC ?
- Thứ ba - 09/10/2007 15:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hoạt động như một ngân hàng
PVFC có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là nhận tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên của tổ chức, cá nhân; phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các loại giấy tờ có giá khác để huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định; cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; cho vay tiêu dùng bằng hình thức cho vay mua trả góp. Hiện nay, thị trường hoạt động của PVFC được mở rộng tại các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước và khu vực có hoạt động dầu khí như: Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng… Khách hàng và đối tác của công ty gồm các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên, các tổ chức tài chính, ngân hàng, các tổ chức kinh tế (TCT Sông Đà, TCT Lắp máy Việt Nam, TCT Bạch Đằng…)
Điểm khó khăn mà PVFC đang gặp là phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hệ thống các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước đang ngày càng phát triển mạnh về số lượng, quy mô và cơ cấu, cùng sự hiện diện của các định chế tài chính nước ngoài; khó khăn trong việc thu xếp vốn cho các dự án trong ngành do tiến độ triển khai dự án chậm; đội ngũ nhân viên còn ít kinh nghiệm trong hoạt động thực hiện; mạng lưới hoạt động còn hạn chế do mới có trụ sở chính và chi nhánh ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hải Phòng, Nam Định, Cần Thơ. do đó việc tiếp cận các dự án, mở rộng đối tượng khách hàng và triển khai hoạt động chưa thuận lợi.
Dựa vào lợi thế Tập đoàn dầu khí Việt Nam
Sau cổ phần hóa, về mô hình tổ chức, PVFC là đơn vị thành viên, một định chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, thực hiện ủy quyền của tập đoàn về đầu tư tài chính và quản trị vốn đầu tư. PVFC sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là PVFC, công ty con sẽ là các công ty cổ phần chuyên ngành trong các lĩnh vực đầu tư tài chính, bất động sản, quản lý quỹ… Ngoài ra, PVFC còn có các công ty liên kết mà PVFC tham gia góp vốn thành lập. Về mạng lưới hoạt động, PVFC sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại các khu vực, tỉnh-thành trong cả nước và thành lập một số chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài phục vụ cho hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và kết nối với các trung tâm tài chính quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, PVFC sẽ đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, thu xếp vốn và tài trợ cho các dự án (giai đoạn 2007-2011 khoảng 5-6 tỷ USD), đầu tư tài chính với tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến 36,1% (tập trung vào lĩnh vực dầu khí, năng lượng, khoáng sản, du lịch cao cấp…). Do sự tăng trưởng mạnh trong hoạt động đầu tư nên tỷ trọng doanh thu từ hoạt động đầu tư trong tổng doanh thu sẽ tăng từ 7,13% giai đoạn 2002-2006 lên 34,47% giai đoạn 2007-2011.
Do đặc thù của PFVC là tập trung cung cấp tín dụng trung và dài hạn vào các ngành nghề yêu cầu các khoản đầu tư có thời hạn nên khó khăn trong việc dự báo biến động của lãi suất, khi lãi suất trên thị trường biến động mạnh sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của PVFC. Bên cạnh đó, công ty còn chịu ảnh hưởng của những yếu tố khác như rủi ro về hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư…