BMSC

http://bmsc.com.vn


Lực kéo và lực đẩy trên thị trường chứng khoán hiện nay

Kết thúc phiên giao dịch 22/1, các cổ phiếu blue-chips tiếp tục có phiên giảm điểm mạnh thứ 2 liên tiếp, kéo chỉ số chứng khoán đại diện sàn HOSE xuống gần ngưỡng 800 điểm.

Ảnh: LAD

Trước đó, thị trường xuất hiện nhiều phiên giảm điểm mạnh mẽ. Chỉ số VN-Index - hàn thử biểu của thị trường có nhiều phiên giảm điểm mạnh hơn là tăng. Tương tự như sàn TP. Hồ Chí Minh (HOSE), chỉ số HASTC Index - hàn thử biểu của sàn Hà Nội (HASTC) cũng giảm điểm liên tục nhiều ngày qua.

Vậy thì có cái gì ghê gớm đang kéo tụt rất mạnh cả một thị trường chứng khoán đang giàu sức sống như TTCK Việt Nam? Cái gì sẽ giúp thị trường trẻ trung này đi lên?

Lực kéo

Nguyên nhân thì đã được nói rất nhiều và các nhà đầu tư cũng đã nắm đủ. Trong nước thì tiền của dân đầu tư chảy rất nhiều vào BĐS và vàng rồi, vì 2 mảng này đang sốt, đang hấp dẫn.

Ngoài nước thì các đại gia ngoại cũng đang lao đao với khủng hoảng tài chính và giới đầu tư chuyên nghiệp ở đó đang đau đớn hơn nhiều. CEO của những tập đoàn đầu tư tài chính hàng đầu phố Wall ra đi cả loạt cho dù lỗi không hoàn toàn thuộc về họ. Vậy thì tiền đâu nữa mà rót vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam?

Song xét riêng trong những ngày này thì rõ ràng cái tên Vietcombank một lần nữa trở thành nỗi ám ảnh mang tên "tiền mặt".

Quả vậy, ngày 23/1 là hạn cuối nộp tiền mua của đợt đấu giá Vietcombank. Lượng "tiền tươi" không nhỏ phải mang đi nộp sẽ tạo sức ép về vốn cho nhà đầu tư, càng tác động trực tiếp đến luồng tiền cho thị trường tại thời điểm hiện tại.

Nguyên nhân này cùng với các nguyên nhân đã nêu trong các bài phân tích trước, càng làm cho thị trường khan tiền, cầu càng trở nên yếu ớt và trở thành lực kéo cả TTCK đi xuống.

Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là yếu tố giúp "cắt mạch" đi xuống trong ngắn hạn.

Lực đẩy

Từ là lực kéo, yếu tố hạn cuối nộp tiền mua của đợt đấu giá Vietcombank sẽ có thể trở thành lực đẩy ngay sau ngày hết hạn, 23/1.

Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nặng nề này, nhiều nhà đầu tư có thể thở phào dùng nốt số tiền mặt còn lại hoặc xoay xở thêm cho những cổ phiếu đang ngày càng trở nên rất hời xét về giá ở trên các sàn, đặc biệt là cổ phiếu HOSE, nơi hàng loạt blue-chips cũng chỉ có P/E ở mức trên dưới 20 lần như hiện nay, một mức P/E mà trước đây 1 năm không thể mơ tới.

Cũng chính các doanh nghiệp này đang và sẽ tiếp tục công bố kết quả kinh doanh cuối năm của mình, mà dự báo sẽ khá thuận lợi, tốc độ tăng trưởng dự báo khá cao theo đà đi lên của nền kinh tế, sẽ càng tạo lực hút nội tại khá lớn cho mỗi cổ phiếu.

Trên thực tế thì các doanh nghiệp như SSI, HPG, MPC đã thể hiện rõ xu hướng thể hiện sức mạnh nội tại được một cách nổi bật khi năm hết tết đến, như một lời mời gọi đầy quyến rũ với giới đầu tư thời gian tới. Với SSI, tính cả năm 2007 lợi nhuận sau thuế đạt 858,55 tỷ đồng, tăng 254,54% so với năm 2006. Có trường hợp như PET thì lợi nhuận năm 2007 tăng 526,5%, dự kiến năm 2008 tăng gấp đôi. TSC cũng vậy, năm 2007 lợi nhuận đạt 71 tỷ đồng, tăng 422%. Trường hợp điển hình khác như HPG thì lợi nhuận sau thuế năm 2007 đạt 654 tỷ, vượt 98% so với kế hoạch. Hay như MPC, lợi nhuận hợp nhất đạt 221,415 tỷ đồng, tăng 183,33% so với năm 2006 tương đương tăng 143,267 tỷ đồng....

Trong ngắn hạn, thị trường dầu mỏ và thị trường vàng đang giảm nhiệt cũng sẽ tạo thuận lợi cho cổ phiếu nhận được ưu tiên cao hơn trong các quyết sách đầu tư (và cả đầu cơ) của giới đầu tư.

Trong khi đó, sự quan tâm của các cơ quan chức năng đối với thị truờng chứng khoán cùng những hành động thực sự đang ngày càng rõ ràng hơn và theo các chuyên gia chứng khoán thì sẽ thấm dần và sẽ phát huy hiệu quả sâu sắc trong thời gian tới.

Các chính sách đã được đưa ra từ nhiều ngày qua, song các chuyên gia cho rằng, với đặc thù của TTCK Việt Nam, cái gọi là "độ trễ của thông tin" sẽ khiến các chính sách này không thể phát huy ngay tác dụng tức thời như mong đợi.

Tuy nhiên sẽ phát huy, nhiều người tin tưởng như vậy...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây